Sau cơn khủng hoảng, 10 năm qua bất động sản Bình Dương đã thay đổi như thế nào?

14/06/2017 10:15 AM | Kinh doanh

Bình Dương được quy hoạch rất tốt, từ chính sách quản lý, hệ thống giao thông đến cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, do các loại hình bất động sản phần lớn không phải đáng ứng nhu cầu ở thực, dẫn đến nhiều khu vực "nhà thì có, người ở thì không", đô thị để hoang.

Đó là nhận định của ông Ngô Quang Phúc - Phó Tổng Giám đốc Him Lam Land. Theo ông Phúc, mức sống của người dân Bình Dương không cao, đa phần là công nhân lao động nên nhu cầu mua BĐS cao cấp không nhiều. Trong khi đó, nhiều chủ đầu tư trước đây lại phát triển nhiều dự án khá cao cấp. Chỉ xây lên rồi bán chứ không chú trọng phát triển hạ tầng xã hội, tiện ích thì không ai về sinh sống là điều dễ hiểu.

Chuyện đầu tư "lướt sóng" bất động sản ở Bình Dương theo ông Phúc cũng không khác gì nhiều hiện tượng giới đầu tư địa ốc đổ tiền vào những khu đô thị quá xa trung tâm Tp.HCM ở Cần Giờ hay Củ Chi mới đây. Thị trường nhà đất "sốt nóng" khiến nhiều nhà đầu tư chạy theo quy hoạch vẫn còn đang nằm trên giấy. Tuy nhiên, việc đầu tư đón đầu này sẽ có "quả ngọt" cho những ai chịu chờ đợi. Hiện tượng này cũng diễn ra ở hàng loạt dự án tại Bình Dương.

"Đây luôn là bài học cho nhiều chủ đầu tư địa ốc, chúng ta không chỉ xây lên một dự án nhà thô rồi giao cho khách hàng muốn làm gì thì làm. Thay vào đó, chủ dự án cần phải chăm chút từng tí một đến cả đời sống của cư dân bằng việc đầu tư hệ thống tiện ích khép kín, cư dân bước ra tới cửa là có những thứ mình cần thì dự án đấy mới sống", ông Phúc nói.

Thực tế hiện nay, sau khi cơn sốt đất Bình Dương trôi qua, nhiều dự án BĐS tại Bình Dương đang thiếu người ở, mặc dù đã có nhiều khu đô thị với các căn biệt thự khá cao cấp được mọc lên. Nhiều dự án đô thị mới với hàng loạt dãy nhà bị bỏ hoang, chẳng hạn ở khu đô thị Mỹ Phước 3, nhiều con đường vắng lặng người dân, cỏ dại mọc len lỏi, mặt đường đầy rác thải,...

Khá nhiều trung tâm nhà đất ở Bình Dương vì thị trường trầm lắng đã phải đóng cửa, có nơi dán bảng thông tin cho thuê lại. Lý giải về cảnh đìu hiu nơi này, ông Nguyễn Văn Đực - Phó Tổng giám đốc công ty Đất Lành cho rằng, trước đây thông tin quy hoạch ở Bình Dương rất đồng bộ, hiện đại. Thành phố mới Bình Dương được giới thiệu là nơi đáng sống, có trung tâm hành chính mới...nhưng vấn đề là việc thu hút dân về ở thì đến nay vẫn còn nan giải. Điều này dẫn đến nhiều dự án "vỡ mộng" vì giá BĐS bị đẩy lên cao mà người dân thì đa phần là nhập cư, lao động phổ thông không đủ điều kiện mua nhà cao cấp.

"Nhiều dự án đã công bố rất hoành tráng, nhưng sau khi đầu tư hạ tầng nội bộ thì khách hàng không ai xây dựng nhà để ở mà chủ yếu lướt sống kiếm lời. Người sau nối tiếp người trước cứ thế mà ôm đất, nhưng vấn đề quan trọng là các chủ đầu tư không phát triển các khu tiện ích nội và ngoại khu nên cư dân sống trong này mà không biết lấy gì ăn chơi. Đó là một thất bại lớn của thị trường địa ốc của tỉnh Bình Dương", ông Đực nói thêm.

Những hình ảnh thực tế ghi nhận tại nhiều dự án đô thị mới ở Bình Dương

Hàng chục biệt thự cao cấp vẫn còn xây dang dở gần 10 năm qua, nằm cách Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương khoảng hơn 2km.

Cảnh vắng lặng tại nhiều khu căn hộ đến lạ thường đến nay ai đi qua thành phố mới Bình Dương đều không khỏi xót xa.

Bà Trần Thị Hồng, người cố bám trụ tại một căn hộ của dự án TDC cho biết cả một khu căn hộ vài trăm căn mà chỉ hơn 10 người đang sinh sống thì vô cùng sợ hãi, nhất là khi tối đến. Gia đình bà liên tục rao bán mà không ai mua nên giờ tiếp tục treo biển, đăng tin nhiều nơi tìm người cho thuê.

Một số dự án được xây dựng cách đây 2 năm vẫn vắng bóng người, mặc dù hạ tầng nội bộ được đầu tư khá tốt. Đa phần khách hàng mua rồi đều cho thuê lại.

Thành phố mới Bình Dương sau nhiều năm phát triển, nơi sôi động nhất chỉ có Trung tâm hành chính tập trung tỉnh, nhưng ban đêm và cuối tuần rất vắng vẻ.

Nhiều khu dân cư chỉ lẹt đẹt vài căn nhà được xây lên. Người dân ở đây cho biết không có nơi ở nên phải sinh sống ở đây, chứ muốn ra chợ mua bó rau phải đi xa đến 3-4km.

Qua khảo sát cho thấy giá đất ở khu Mỹ Phước II và III hiện nay được chào bán khoảng 4-6 triệu đồng/m2, thấp hơn thời điểm 2010-2012 khoảng 8 triệu đồng/m2, nhưng giao dịch không có.

Nhiều dự án vắng bóng người ở dù nhà đã xây xong.

Đa phần người dân mua nhà ở thành phố mới Bình Dương, hay Thủ Dầu Một đều cho thuê lại để mở văn phòng giao dịch nhà đất. Tuy nhiên, các công ty thuê nhà này cũng buộc phải cho thuê lại chứ không hoạt động được vì vắng khách hàng đến giao dịch.

Theo Nguyên Minh

Cùng chuyên mục
XEM