Sau cá kho Vũ Đại, đến lượt làng gỗ Đồng Kỵ rủ nhau bán hàng online, mơ chiếm lĩnh thị trường EU

07/07/2016 14:15 PM | Kinh tế vĩ mô

Thời thế hội nhập sâu, hội nhập toàn diện, để giữ được mình và phát triển hùng mạnh, nhiều doanh nghiệp, làng nghề đã liên kết nhau lại và tìm ra một bước đi mới: mở sàn Thương mại điện tử. Nếu như trước kia, cá kho làng Vũ Đại tiên phong thành công, lấn sân sang các nước Đông Nam Á và EU thì bây giờ, đến lượt làng gỗ Đồng Kỵ "ra tay".

Làng gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ là một làng nghề có lượng xuất khẩu gỗ chiếm tới gần 70% cả nước nhưng dấu ấn thương hiệu trên các sản phẩm rất mờ nhạt, nhiều sản phẩm không có nhãn mác.

​Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trước những thách thức đến những Hiệp định thương mại mới như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác Tự nguyện (VPA),…, nhằm đa dạng hóa thị trường, mới đây, làng nghề gỗ Đồng Kỵ chính thức lên sàn giao dịch điện tử, đánh dấu bước đi mới trong thời kỳ công nghệ của một làng nghề truyền thống.

Ông Vũ Quốc Vương, Chủ tịch Hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ đã có buổi trò chuyện với chúng tôi về bước đi mới của làng.

Thưa ông Vương, ông có thể cho biết vì sao lại thành lập sàn giao dịch thương mại điện tử và nó có ý nghĩa thế nào?

Những năm gần đây cũng giống như các công ty, hiệp hội, làng gỗ Đồng Kỵ mở cổng thông tin để có một kênh tiếp cận mới tới khách hàng và cũng là một kênh makerting mới với nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, cổng thông tin chỉ mang tính giới thiệu, gặp nhiều hạn chế khi doanh nghiệp hay cơ sở đó có cung cấp sản phẩm không thể đăng tải nhiều hình ảnh, giá cả sản phẩm và đặc biệt là không thể bán được sản phẩm đó trực tiếp trên cổng thông tin.

Vì vậy để khắc phục những điểm yếu trên cổng thông tin làng nghề gỗ Đồng Kỵ, làng nghề đã ra mắt sàn thương mại http://dongkyfuniter.com.

Sàn giao dịch (http://dongkyfuniter.com) cung cấp một kênh mua sắm an toàn, uy tín với chất lượng đảm bảo, tất cả các sản phẩm được dán tem nhãn thương hiệu “Gỗ Đồng Kỵ” được bảo hộ độc quyền. Sàn niêm yết các sản phẩm với mẫu mã phong phú được các thợ tay nghề cao chế biến và gia công.

Các sản phẩm đảm bảo thông tin giá cả minh bạch, rõ ràng. Ngoài ra, tại sàn giao dịch, khách hàng có thể tìm mua những sản phẩm thủ công nhỏ cho tới hàng cao cấp, có cơ hội chọn lựa, so sánh các sản phẩm cùng loại trên cùng một website của các hộ kinh doanh khác nhau.

Tiêu chí để doanh nghiệp lên sàn là gì? Và kinh phí hoạt động sàn từ đâu?

Đầu tiên, chúng tôi ưu tiên cho doanh nghiệp của làng nghề. Nhà cung cấp lên sàn để bán ra thị trường cho người dùng với giá của nhà sản xuất, sản phẩm sẽ phải dán tem nhãn mác để bảo đảm thương hiệu gỗ Đồng Kỵ, khách hàng yên tâm, tin dùng.

Kinh phí hoạt động do hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ điều phối và từ các hội viên, Ban chấp hành, đóng góp để phát triển chung cho làng nghề.

Kinh phí này có góp phần đẩy giá sản phẩm lên cao hơn so với các sản phẩm gỗ khác không? Bởi thực tế, giá sản phẩm gỗ làng Đồng Kỵ được đánh giá là khá cao so với mặt bằng chung của thị trường?

Nói giá sản phẩm làng nghề Đồng Kỵ cao hơn thị trường cũng đúng bởi vì mục tiêu, chất lượng luôn đòi hỏi cao hơn các sản phẩm làng nghề khác. Chưa kể, giá đắt hơn vì giá thành sức lao động, tay nghề lao động, chất lượng phụ thuộc vào giá cả.

Tôi khẳng định sẽ không làm tăng chi phí cho sản phẩm của làng nghề. Và chúng tôi đã và đang giảm giá nhiều mặt hàng, duy trì giảm giá ở mức của nhà sản xuất để thu hút người dân tiêu dùng.

Khi lập ra sàn thương mại có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

Khó khăn là doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ chưa từng áp dụng công nghệ nên còn nhiều bỡ ngỡ. Hiệp hội gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ sẽ có lớp đào tạo để doanh nghiệp nắm bắt và áp dụng nhanh nhất.

Đến nay có bao nhiêu doanh nghiệp tham gia?

Chúng tôi chưa thống kê, nhưng các doanh nghiệp tự nguyện đăng ký, chúng tôi không ép.

Như ông nói, sau khi xuất khẩu, sản phẩm được tinh chế lại, gắn tên thương hiệu của các cơ sở Trung Quốc và không ai còn biết đến danh tiếng của gỗ Đồng Kỵ. Làng nghề đã có bước đi gì để ngăn chặn tình trạng này?

Hiện tại, làng có khoảng 300 doanh nghiệp và 2.500 hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ mỹ nghệ, với nhiều sản phẩm sơ chế, gia công cho các đối tác Trung Quốc.

Sau khi xuất khẩu, sản phẩm được tinh chế lại, gắn tên thương hiệu của các cơ sở Trung Quốc và đương nhiên, không ai còn biết đến danh tiếng của gỗ Đồng Kỵ. Ngay ở trong nước, sản phẩm của làng nghề này cũng bị làm nhái, làm giả tràn lan.

Điều này khiến người dân làng Đồng Kỵ hoang mang, lo sợ một mai mất làng nghề.

Để khắc phục, không còn phụ thuộc vào Trung Quốc, làng nghề tiến đến thị trường Châu Âu. Đây là một thị trường khắt khe về nguồn gốc gỗ cũng như tiêu chuẩn của EU đặt ra.

Tuy nhiên, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường EU, làng nghề sẽ có nguồn gốc gỗ mới để phục vụ khách khó tính nhất. Đồng thời, đưa công nghệ áp dụng vào thực tế, thay đổi hình thức, mẫu mã kinh doanh.

Nguồn gốc xuất xứ gỗ có phải là khó khăn nhất đối với làng nghề khi tham vọng chiếm lĩnh EU không?

Không quá khó khăn vì làng nghề thích ứng với mọi thời tiết, sẽ nhập khẩu gỗ từ các nước không có rủi ro và được EU đồng ý.

Ông có định hướng gì xây dựng thương hiệu gỗ Đồng Kỵ trong thời gian tới?

Chính thức từ ngày 28/6, tất cả sản phẩm gỗ Đồng Kỵ được dán tem nhãn mang thương hiệu tập thể “Gỗ Đồng Kỵ” và được bảo hộ độc quyền bởi Cục Sở Hữu trí tuệ. Sàn niêm yết các sản phẩm với mẫu mã phong phú được các thợ tay nghề cao ở Đồng Kỵ chế tác.

Bên cạnh đó, để phát triển bền vững thị trường quốc tế, làng nghề dần dần đăng ký bảo hộ trên tất cả các nước khi xuất khẩu hàng hoá sang nước đó. Đó là việc lớn lao nhất của làng nghề, bảo vệ trên thương hiệu trên tất cả các nước xuất khẩu sang.

Việt Nam đã tham gia đàm phán xong Hiệp định Flegt/VPA, vậy với vai trò là chủ tịch Hiệp hội gỗ Đồng Kỵ ông sẽ thúc đẩy các thành viên hiệp hội như thế nào trong việc tuân thủ sản xuất, kinh doanh gỗ hợp pháp thưa ông?

VPA/FLEGT là hiệp định thương mại song phương cấp chính phủ giữa EU và Việt Nam.

Việc ký kết và thực hiện Hiệp định đối tác tự nguyện gắn với quá trình tham gia FLEGT-VPA sẽ giúp Việt Nam cải thiện được ngành thương mại lâm sản của mình. Không chỉ vậy, Hiệp định FLEGT-VPA còn giúp cho việc thương mại gỗ Việt Nam được minh bạch, hợp pháp và sẽ khuyến khích quản lý rừng bền vững hơn, thúc đẩy quản trị rừng và doanh nghiệp tốt hơn.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp gỗ chưa nắm được các đòi hỏi của FLEGT cũng như chưa biết những tác động của FLEGT-VPA đối với hoạt động và xuất khẩu của mình sang EU.

Xuất phát từ thực tế ày, hội gỗ Đồng Kỵ sẽ chủ động thích ứng dần và từng bước hoàn thiện về mặt quản lý sản xuất kinh doanh của địa phương.

Hội gỗ Đồng Kỵ đang chờ sự ký kết cuối cùng của phái đoàn đàm phán chính thức công bố kết quả ký kết để làng nghề chính thức chinh phục Châu Âu.

Hội cũng sẽ có những buổi tập huấn chuyên sâu cho các hội viên để nắm rõ hơn về Vpa /Plegt. Đào tạo hội viên sẽ thấy được các thông tin khi xuất khẩu sang thị trường EU.

Xin cảm ơn ông!

An Nhiên

Cùng chuyên mục
XEM