Sau 2 năm 'thử và sai', Bách Hóa Xanh đang đứng ở đâu so với các đối thủ CoopFood, SatraFood?

07/10/2018 08:04 AM | Kinh doanh

Cho dù đã tìm được mô hình chuẩn, nhưng Bách Hóa Xanh sẽ phải giải bài toán doanh thu cho gần 200 cửa hàng nhỏ, là "di sản" của quá trình thử nghiệm.

Trong những tháng gần đây, Bách Hóa Xanh cho biết, công ty đã tìm được mô hình chuẩn cho các cửa hàng của mình, với mô hình "thịt tươi, cá lội" và chuẩn bị nhân rộng mô hình này ra toàn hệ thống.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt, Bách Hóa Xanh đang đáp ứng được 3 tiêu chí chính của khách hàng mục tiêu của chuỗi, là: Nơi mua sắm gần nhà, tiện đi lại; Thực phẩm tươi ngon và đa dạng; Giá cả cạnh tranh.

Vị trí

Bách Hóa Xanh đã từng len lỏi vào khu dân cư, với hy vọng đem lại sự thuận tiện nhất cho người mua (có thể đi bộ từ nhà). Tuy nhiên, chiến lược này tỏ ra không hiệu quả, khi người dân vẫn ưu tiên sử dụng xe máy để mua sắm. Ngoài ra, việc đặt cửa hàng quá sâu trong khu dân cư cũng hạn chế việc phát triển thương hiệu Bách Hóa Xanh với người tiêu dùng.

Từ quý 2, Bách Hóa Xanh đã thay đổi chiến lược. Theo đó, các cửa hàng mới của Bách Hóa Xanh, diện tích trên 150 m2, được đặt trên các trục đường dẫn vào khu vực đông dân cư tại các quận vệ tinh, đáp ứng nhu cầu mua sắm thực phẩm trên đường về nhà của người nội trợ. Ngoài các tiêu chí về số lượng nóc nhà xung quanh và lưu lượng giao thông qua lại trước cửa hàng, các vị trí gần chợ truyền thống là yếu tố quan trọng khi mở cửa hàng.

Theo công thức này, những cửa hàng mở mới trong thời gian gần đây đều đạt được lưu lượng khách rất tốt ngay từ đầu. Chẳng hạn như cửa hàng Bách Hóa Xanh tiêu chuẩn tại trên đường Trần Hữu Trang quận Phú Nhuận nằm đối diện chợ Trần Hữu Trang nên hút được nhiều khách từ chợ và có khoảng 900 lượt khách/ngày. Trong khi đó, cửa hàng Bách Háo Xanh lớn trên tỉnh lộ 43 quận Thủ Đức thu hút tới 1.200 lượt khách/ngày nhờ nằm gần 2 chợ và nhiều khu công nghiệp.

Thực phẩm

Rồng Việt cho biết, khoảng 50% doanh thu các cửa hàng tiêu chuẩn đến từ các mặt hàng tươi, cho thấy nhu cầu lớn của người mua. Theo khảo sát thực tế của Rồng Việt, các gian hàng tươi sống cũng chính là nơi thu hút được nhiều khách hàng nhất.

Tại các cửa hàng quy mô tiêu chuẩn/lớn, số lượng các mặt hàng tươi sống đã lên đến 300 loại (cửa hàng tiêu chuẩn) và 400 loại (cửa hàng lớn). Bên cạnh đó, vào tháng 2, Bách Hóa Xanh còn đưa vào phục vụ mô hình “Cá lội”. Hai điều này, cùng với yếu tố vị trí, giải thích sự khác biệt giữa lượng khách của các cửa hàng Bách Hóa Xanh tiêu chuẩn/lớn và cửa hàng nhỏ.

Sau 2 năm thử và sai, Bách Hóa Xanh đang đứng ở đâu so với các đối thủ CoopFood, SatraFood? - Ảnh 1.

Lượng khách cửa hàng tiêu chuẩn của Bách Hóa Xanh đang vượt xa các cửa hàng minimart trong cùng khu vực

Về mặt chất lượng, thực phẩm ở các minimart đều có tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP, nên nhìn chung không có khác biệt đáng kể. Tuy nhiên Bách Hóa Xanh hiện có lợi thế lớn về chủng loại hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm thịt/cá tươi sống (nhiều hơn 3-4 lần các chuỗi minimart khác).

Rồng Việt nhận định rằng, sự đa dạng này là điểm mấu chốt đem lại lượng khách hàng và doanh thu cao hơn hẳn của các cửa hàng tiêu chuẩn so với các đối thủ cạnh tranh, trong khi các cửa hàng nhỏ không tạo được sự khác biệt này. Dù vậy, ngay cả cửa hàng Bách Hóa Xanh nhỏ, tuy mở sau, cũng có thể chia sẻ lượng khách tương đương với CoopFood hay SatraFood.

Từ tháng 5 tới tháng 8, Bách Hóa Xanh đã chuyển đổi khoảng 100 cửa hàng và giúp kết quả kinh doanh chuyển biến đáng kể.

Giá cả

Chi phí cho thực phẩm hiện chiếm khoảng 1/3 thu nhập hàng tháng của người Việt. Do vậy, yếu tố giá cả đóng vai trò rất quan trọng trong quyết định mua sắm, nhất là đối với người nội trợ bình dân - đối tượng khách hàng Bách Hóa Xanh hướng đến.

Theo khảo sát của Rồng Việt, giá các mặt hàng tiêu dùng (hàng khô) hầu như không có sự khác biệt lớn giữa Bách Hóa Xanh, CoopFood và SatraFood. Tuy nhiên, phần lớn các loại thực phẩm tươi sống tại Bách Hóa Xanh có giá bằng hoặc rẻ hơn từ 10-30% so với các chuỗi khác, và khá cạnh tranh so với giá ở chợ (chưa kể đến các ưu đãi giảm giá cho thực phẩm để qua ngày).

Sau 2 năm thử và sai, Bách Hóa Xanh đang đứng ở đâu so với các đối thủ CoopFood, SatraFood? - Ảnh 2.

Những khó khăn của Bách Hóa Xanh

Cho dù đã tìm được mô hình chuẩn, nhưng Bách Hóa Xanh sẽ phải giải bài toán doanh thu cho gần 200 cửa hàng nhỏ, là "di sản" của quá trình thử nghiệm. Theo Bách Hóa Xanh, công ty sẽ nâng cấp các cửa hàng cũ lên mô hình tiêu chuẩn, trong khi các cửa hàng không thể nâng cấp sẽ chuyển hóa thành mô hình cửa hàng mini có diện tích dưới 100m2, hoặc bị đóng cửa.

Số lượng mặt hàng lớn mặc dù mang lại doanh thu vượt trội cho Bách Hóa Xanh so với các chuỗi khác, nhưng lại làm tăng vấn đề quản lý hàng tồn kho. Rồng Việt cho rằng, sẽ cần nhiều thời gian phát triển hệ thống ERP cho Bách Hóa Xanh để phân tích chính xác nhu cầu tại từng địa điểm/thời gian cụ thể. Tuy nhiên, đây là sự đánh đổi cần thiết vào giai đoạn ban đầu để có được lượng khách hàng cao và làm tăng giá trị của mỗi đơn hàng.

Nhờ gia tăng quy mô, cải thiện quản lý chi phí và thay đổi cơ cấu mặt hàng, biên lợi nhuận gộp của Bách Hóa Xanh đã tăng đáng kể, từ 12% cả năm 2017 lên 14% trong Quý 1 và 16% trong Quý 2 năm 2018. Mặc dù vậy, Rồng Việt ước tính chuỗi này phải cần đạt được 18% biên LN gộp để đạt được mức hòa vốn EBITDA. Trong khi đó, việc mở rộng kinh doanh tiến vào các khu vực sầm uất hơn cũng như triển khai thêm các trung tâm phân phối (bao gồm kho trữ lạnh thực phẩm) sẽ làm tăng chi phí hoạt động chuỗi Bách Hóa Xanh từ đây đến cuối năm 2018.

Hà My

Cùng chuyên mục
XEM