Sát thủ thầm lặng đang hủy hoại chúng ta 40 tiếng/tuần mang tên "kiệt sức": Đừng biến mình thành cái xe hỏng, ngoài trông ổn nhưng bên trong thì rệu rã!

10/05/2019 16:16 PM | Sống

Kiệt sức có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào. Quan trọng là chúng ta phải biết cách đối mặt với nó.

Ai cũng có những ngày tồi tệ ở cơ quan, khi mà chúng ta cảm thấy hoàn toàn thiếu động lực, chán nản và kiệt sức. Thế nhưng nếu những ngày này kéo dài cả tuần, cả tháng và cả năm thì sao?

Trong xã hội ngày nay, nhiều người vẫn nghĩ, chỉ cần làm việc cật lực và yêu quý việc mình làm là có thể thành công. Đây là quan niệm thiếu thực tế và nguy hiểm, có thể dẫn tới tình trạng khổ sở và lo âu lâu dài, ảnh hưởng đến sự nghiệp của bạn. Lao động tới kiệt sức, chẳng khác nào bạn đang chọn cách “tự sát”!

Mọi người thường lầm tưởng rằng kiệt sức là kết quả của những tháng ngày làm việc lao lực đến mệt nhoài. Tuy nhiên, kiệt sức cũng có thể là do bạn đã kiệt quệ về cả tinh thần lẫn cảm xúc. Bằng cách “giết chết” động lực và làm giảm năng lượng của bạn, nó khiến bạn cảm thấy mất phương hướng, bực tức về công việc và cuộc sống hiện tại.

Chúng ta kiệt sức cũng giống như chiếc xe bị hỏng. Xe hỏng do nhiều nguyên nhân, với các mức độ thiệt hại khác nhau. Nhìn bề ngoài, ta thấy chiếc xe trông vẫn ổn, nhưng thật ra bên trong cần sửa chữa rất nhiều. Có những chỗ chỉ cần sửa qua, có những chỗ phải sửa chữa rất nhiều. Tuy nhiên, muốn sửa đúng cách, bạn phải tìm ra đâu là chỗ hỏng hóc.

Dưới đây là 3 loại kiệt sức mà mọi người thường gặp, cũng như cách đối phó với chúng để sự nghiệp của bạn phát triển hơn.

Kiệt quệ vì công việc quá “nhàm chán”

Sẽ có lúc bạn cảm thấy công việc của mình dường như đang quá “an nhàn”. Bạn có thể cảm thấy chán nản, uể oải và lười biếng. Bạn đi làm muộn nhưng về sớm, dành cả ngày chỉ để lướt mạng xã hội ở cơ quan. Bạn cảm thấy như cuộc sống của mình nhẽ ra phải thú vị hơn thế. Quá ngán ngẩm công việc nhàm chán, bạn sẵn sàng cho bất kỳ thách thức nào đang chờ đợi mình trong sự nghiệp.

Nếu có những dấu hiệu trên, đã đến lúc bạn cần đi tìm mục đích trong công việc của mình. Bạn nên tìm một công việc khác, hay một ngành nghề khác, thậm chí là bắt đầu kinh doanh riêng hoặc học một ngôn ngữ mới. Nếu bạn thấy cuộc sống của mình không còn gì thú vị, hãy mau chóng bước ra khỏi vùng an toàn.

Kiệt quệ vì áp lực dồn nén

 Sát thủ thầm lặng đang hủy hoại chúng ta 40 tiếng/tuần mang tên kiệt sức: Đừng biến mình thành cái xe hỏng, ngoài trông ổn nhưng bên trong thì rệu rã!  - Ảnh 1.

Với kiểu kiệt sức này, bạn cảm giác như mọi thứ đều đang kéo mình đi xuống, mặc dù bạn thực sự yêu thích công việc. Có thể là do môi trường làm việc quá áp lực, sếp hay bắt bẻ, hoặc bạn phải làm việc ngoài giờ. Kết quả là, cuộc sống, các mối quan hệ và sức khỏe của bạn cũng bị ảnh hưởng theo. Đây cũng là loại áp lực dễ biến bạn trở thành người cầu toàn thái quá, loay hoay quản lý thời gian trong vô vọng. Nhiều vị lãnh đạo cho biết, họ cảm thấy kiệt sức, “không thể nào theo kịp được tiến độ công việc”. Bạn sẽ mệt mỏi cả về thể chất lẫn tinh thần, thèm khát được thư giãn, giải tỏa khỏi stress.

Muốn giải quyết triệt để loại kiệt sức này, bạn cần đảm bảo mình có đủ thời gian để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nhất. Hãy xác định những công việc không quá cần thiết và để chúng lại. Thay vào đó, bạn nên tập trung cho những ưu tiên của mình - những thứ giúp bạn tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn.

Kiệt quệ vì thiếu động lực làm việc

 Sát thủ thầm lặng đang hủy hoại chúng ta 40 tiếng/tuần mang tên kiệt sức: Đừng biến mình thành cái xe hỏng, ngoài trông ổn nhưng bên trong thì rệu rã!  - Ảnh 2.

Đây dường như là loại kiệt sức gây tổn hại nhất đối với sự nghiệp của bạn. Nếu đang trải qua cảm giác này, bạn sẽ thấy không có động lực để ra khỏi giường vào mỗi sáng. Dù là cuối tuần, bạn cũng thấy chán ghét vì thứ 2 sắp tới, và bạn không còn đủ năng lượng để làm bất cứ việc gì khác. Thậm chí, bạn còn nghĩ tới chuyện bỏ việc.

Việc bạn cần làm là nhìn nhận nghiêm túc vấn đề kiệt sức này. Nó đòi hỏi bạn phải đánh giá lại sự nghiệp của mình cũng như những khía cạnh chưa ổn trong cuộc sống. Bạn cũng có thể thoát khỏi tình trạng này bằng cách tìm kiếm sự hỗ trợ từ bác sĩ trị liệu hoặc huấn luyện viên. Họ sẽ giúp bạn tìm thấy niềm vui trong cả cuộc sống lẫn công việc.

Kiệt sức có thể xảy ra với bất kỳ ai, vào bất kỳ lúc nào. Nếu bạn không còn cảm thấy vui vẻ, thoải mái khi làm việc, cuộc sống và sự nghiệp của bạn sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy kiệt sức nguy hiểm là vậy, nhưng chỉ cần nhận thức được vấn đề và cố gắng sửa chữa, bạn sẽ nhanh chóng quay trở lại đường đua tới thành công trong sự nghiệp của mình.

Theo Ngọc Hà

Cùng chuyên mục
XEM