Sát hạch ông đồ tại Văn Miếu

02/02/2018 10:18 AM | Xã hội

Hội chữ Xuân Văn Miếu khai mạc từ 24 tháng Chạp (9/2/2018). Trước đó cả tháng, gần trăm ông đồ kinh qua các vòng khảo thí để có chỗ tại khu gian hàng cho chữ.

RỌC PHÁCH

Hội chữ xuân Văn Miếu bước sang năm thứ 5, vì lẽ đó BTC xác định hết giai đoạn thử nghiệm và chuyển sang cách tổ chức chặt chẽ hơn. Ngày 13/1, các ông đồ bước vào kỳ khảo tuyển - như BTC tự nhận “chặt chẽ, công khai và minh bạch”. Các câu lạc bộ thư pháp, người viết chữ tự do đều có quyền đăng ký.

Cả thảy 97 người, trong đó 74 người viết thư pháp chữ Hán Nôm, 23 người viết chữ Quốc ngữ. Chủ đề thi lần này là Hiền tài, nội dung thi trong các văn bia tiến sỹ không có ý đánh đố các thầy đồ. Nội dung và chủ đề này công khai trước kỳ thi một tháng. Người ra đề, giám thị và chấm chọn đều độc lập, thậm chí chỉ ra đề trước khi tổ chức ít phút để đảm bảo công minh.

“Vòng 1 các ông đồ phải thi văn phạm để tránh trường hợp không biết mặt chữ, diễn ra trong 30 phút. Với những người viết chữ quốc ngữ, người ra đề lấy một câu trong văn bia tiến sĩ để thí sinh giảng nghĩa. Những người trúng bước vào vòng 2, mỗi người nộp hai tác phẩm thư pháp tự chuẩn bị. Kết quả phản ánh rõ chất lượng, thường những ai văn phạm tốt chữ đều đẹp.

Chúng tôi có rọc phách, chấm xong mới ghép phách lại”, ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hoá Khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám nói. Sau hai vòng thi, 55 người đủ điều kiện cho chữ, trong đó có 45 người viết thư pháp Hán Nôm. BTC cũng chọn được 35 tác phẩm thư pháp triển lãm xuân này. Trong số ông đồ thi đậu, có 13 người đủ điều kiện viết thư pháp trong ba năm liên tiếp, những người còn lại năm sau vẫn phải thi nếu muốn cho chữ.

Ông Trần Quốc Chí, Trưởng Ban liên lạc các CLB Thư pháp Việt Nam tham mưu cho Văn Miếu cách thức tổ chức để “đi từ tự phát đến tự giác”. Ông kể, có những người viết thư pháp ở chùa Hương năm trước trượt, cuối tuần nào cũng đi xe máy lên Hà Nội học và đã vượt qua kỳ thi. “Chúng tôi cũng soạn thảo bộ tài liệu chia thành nhiều chủ đề với khoảng 200 thành ngữ. Đây chính là cẩm nang để khi bí bách ông đồ có thể tra cứu, không viết võ đoán như trước”, ông Chí nói. Ông cũng băn khoăn rằng dù hiện nay chúng ta dùng chữ quốc ngữ nhưng Hán Nôm vẫn là di sản cha ông. Ông mong giới trẻ quan tâm hơn tới các lớp thư pháp này. Nhà thư pháp Kiều Quốc Khánh, chủ khảo thư pháp quốc ngữ cho biết anh thường xuyên mở lớp bổ sung về kỹ thuật chữ viết.

MỞ HỘI Ở HỒ VĂN

Hồ Văn thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu-Quốc Tử Giám tiếp tục trở thành không gian của Hội chữ Xuân Mậu Tuất 2018. BTC sẵn sàng cho ngày khai mạc 9/2, kéo tới 25/2, mở cửa từ 8-20h, riêng đêm giao thừa mở tới 2h sáng, ba ngày tết mở tới 22h. Không gian Hồ Văn được sắp xếp thành các khu: Sân khấu trung tâm ngay cổng vào là nơi diễn ra nghệ thuật truyền thống, khu vực triển lãm thư pháp, 63 gian hàng cho chữ, khu vực tái hiện cảnh trường thi xưa gồm nhà Thập đạo, chòi canh, lều chõng. Khu vực làng nghề truyền thống như giấy dó, tranh dân gian, gốm sứ, mây tre đan, cói, thêu dệt, chạm khắc gỗ, đúc đồng cùng khu trò chơi dân gian được bố trí bao quanh hồ.

Một hoạt động mới: lễ hội hoa đăng. Khách bốc thăm để chọn chữ như An khang, Thịnh vượng, Như ý… dán vào đèn thả xuống hồ. Đơn vị xã hội hoá hỗ trợ tổ chức hội chữ cho biết, khu vực Nhà Việt cạnh Hồ Văn được coi như nhà lễ tân giải đáp thắc mắc của du khách, tiếp nhận đăng ký nhu cầu thả hoa đăng.

BTC có phương án điều tiết mật độ phù hợp, tránh ùn tắc lộn xộn. Ở các gian hàng thủ công, du khách có cơ hội trải nghiệm và tìm hiểu quy trình làm giấy dó. Khu vực ẩm thực truyền thống, BTC bố trí các hoạt động trải nghiệm gói bánh chưng, giới thiệu một số món ăn cổ truyền và nhất là ẩm thực gắn liền với sĩ tử trong các kỳ thi. Bên cạnh phương án an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ BTC cũng bố trí nhà vệ sinh di động ở khu vực diễn ra hội chữ.

Giải quyết chỗ gửi xe

Sau hai tháng du khách không có chỗ gửi xe do Hà Nội yêu cầu dừng nhận trông giữ xe tại Vườn Giám, Giám đốc Trung tâm Văn Miếu cho biết UBND TP Hà Nội chỉ đạo quận Đống Đa tổ chức điểm trông giữ xe tại vỉa hè khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ 22/1. Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội nói, trong dịp Tết Nguyên đán Sở trình UBND thành phố Hà Nội đề xuất cho Văn Miếu mở lại bãi trông giữ xe tại Vườn Giám, thời gian từ 24 tháng Chạp cho tới hết Ngày thơ Việt Nam vào Rằm tháng Giêng.

Theo Nguyên Khánh

Cùng chuyên mục
XEM