Sắp có laptop dùng chip Qualcomm và chạy Windows 10 đầy đủ

09/12/2016 11:01 AM | Công nghệ

Sản phẩm sẽ ra đời nhờ một hợp tác giữa Microsoft và Qualcomm.

4 năm trước, Microsoft từng muốn loại bỏ ứng dụng Windows desktop truyền thống để thay thế bằng loạt ứng dụng mới được thiết kế cho tablet màn hình cảm ứng dùng chip ARM (các chip do Qualcomm, Samsung... đang phát triển). Windows RT là cái tên chính thức của hệ điều hành chạy trên các thiết bị cảm ứng này, và nó lần đầu tiên ra mắt trên chiếc Surface RT của chính hãng phần mềm Mỹ.

Windows RT là tham vọng của Microsoft nhằm nhảy vào thị trường thiết bị di động - với smartphone và tablet - vốn được đánh giá sẽ là tương lai của công nghệ và là kẻ thay thế máy tính truyền thống với con chuột và bàn phím. Tuy nhiên, Microsoft đã không thể hiện thực hóa những tham vọng của mình bởi những gì Windows RT mang lại là không đủ để người dùng từ bỏ PC. Một phần nguyên nhân của sự thất bại đó chính là việc Windows RT không thể chạy được ứng dụng Windows truyền thống vốn là các phần mềm quen thuộc của nhiều người để phục vụ công việc. Đó là sai lầm trong quá khứ của Microsoft. Hôm nay, hãng đang muốn sửa chữa sai lầm đó khi công bố kế hoạch hỗ trợ Windows cho các thiết bị dùng chip ARM.

Theo đó, bắt đầu từ năm sau, Windows 10 sẽ có thể giả lập ứng dụng desktop truyền thống, cho phép các nhà sản xuất thiết bị tạo ra những chiếc laptop, tablet, và điện thoại hỗ trợ hàng triệu ứng dụng Windows hiện nay. Windows 10 trên ARM được ra đời nhờ một hợp tác giữa Microsoft và Qualcomm. Microsoft sẽ hỗ trợ các chip Snapdragon 835 của hãng chip di động, và laptop được kỳ vọng sẽ là loại thiết bị đầu tiên ra đời nhờ sự hợp tác này. Chúng hứa hẹn sẽ ra mắt thị trường vào năm sau.

Microsoft có thể đưa Windows 10 lên các chip ARM một cách trực tiếp bằng cách phát triển một bộ giả lập trong hệ điều hành. Các thiết bị sẽ chạy được ứng dụng x86 win32 như Chrome hay Photoshop, còn hãng phần mềm không hỗ trợ phiên bản x64 của các ứng dụng. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề gì quá lớn khi mà số lượng ứng dụng x64 là không nhiều, và hầu hết chúng đều có phiên bản x86.

Điều này có nghĩa là người dùng sẽ có thể mua được những chiếc laptop có trọng lượng nhẹ, thời lượng pin tốt, và chạy được ứng dụng Windows desktop truyền thống ngay trong năm 2017. "Đó sẽ là một Windows 10 mà người dùng đã dùng quen và biết đến" - Terry Myerson, người đứng đầu nhóm Windows và Thiết bị của Microsoft giải thích. Microsoft cũng sẽ có các hỗ trợ cho các phụ kiện, ứng dụng, và thậm chí là các công cụ dành cho doanh nghiệp.

Hãng hiện chưa giải thích cụ thể cơ chế hoạt động của bộ giả lập, tuy nhiên, các lập trình viên sẽ không phải làm gì nhiều để ứng dụng của họ chạy được trên chip ARM. Các gói MSI hay EXE thông thường sẽ hoạt động tương tự như trên thiết bị dùng chip Intel.

Microsoft cũng tiến hành demo ứng dụng desktop trên ARM với phần mềm Photoshop của Adobe. Hãng đồng thời không quên nhắc rằng bất kỳ ứng dụng nào trong hàng triệu ứng dụng truyền thống cũng đều có thể hoạt động trên thiết bị dùng chip ARM. "Người dùng phải tự mình trải nghiệm thiết bị, và tôi cho rằng đó sẽ là một trải nghiệm thú vị" - Myerson cho biết.

Như vậy, sau Windows RT, đây là lần thứ 2 Microsoft cố gắng hỗ trợ các chip ARM chạy Windows. Windows RT đã thất bại cay đắng và gần như không được nhà sản xuất PC nào ủng hộ. Nó cũng đã chính thức bị "khai tử" năm ngoái khi Microsoft dừng sản xuất các tablet Surface 2 và Lumia 2520.

Vậy vì sao Microsoft lại cần phải xây dựng bộ giả lập này? Khi được hỏi, đại diện Microsoft trả lời rằng "Người dùng mong muốn các thiết bị với pin tốt hơn và có kết nối mạng dữ liệu di động". Myerson ý nói tới các thiết bị dùng chip Qualcomm vốn cho thời gian dùng pin tốt và hỗ trợ kết nối 3G/4G. Myerson cũng nói thêm rằng các nhà sản xuất thiết bị đã yêu cầu hãng tích hợp bộ giả lập và tìm cách hỗ trợ thực sự với ứng dụng Windows. "Đó là lý do vì sao chúng tôi đầu tư vào đây, và Microsoft rất vui mừng công bố nó".

Không như Windows RT vốn có chế độ desktop nhưng không thể chạy ứng dụng desktop, ARM trên Windows 10 sẽ trông rất giống với Windows 10 thông thường và hoạt động cũng gần như giống nhau. Những mẫu laptop bán ra trong năm sau, vì vậy, cũng sẽ không khiến người dùng phải "cảm thấy bối rối" - khi mà họ có thể mua phải máy dùng chip ARM khiến không thể dùng nó cho công việc bởi không cài được ứng dụng.

Những chiếc laptop dùng chip ARM và chạy được Windows 10 hứa hẹn sẽ cho thời lượng pin ấn tượng, điều mà laptop dùng chip Intel chưa bao giờ làm được. Nó cũng có nghĩa là các smartphone cũng có thể chạy được ứng dụng desktop đầy đủ, giúp hiện thực hóa ý tưởng về tính năng Continuum của Microsoft cho phép biến smartphone thành PC.

Khi được hỏi liệu Microsoft có ưu đãi nào cho các nhà sản xuất laptop khi lựa chọn chip ARM thay vì Intel hay không, câu trả lời của Myerson là không. "Kế hoạch của chúng tôi là bán bản quyền Windows theo giá như nhau cho các loại chipset" - đại diện Microsoft chỉ rõ. Điều đó cũng có nghĩa là laptop ARM chưa chắc đã có giá rẻ, và bởi phải gánh thêm phí bản quyền Windows, chúng sẽ đắt hơn các mẫu Chromebook trên thị trường hiện nay.

Windows trên chip ARM cũng sẽ là một thách thức đối với Intel, đồng thời là một dấu hiệu cho thấy sự thất vọng của Microsoft với đối tác này khi mà chip Intel vẫn chưa giải quyết được nhược điểm về pin và kết nối mạng. Microsoft cùng các nhà sản xuất thiết bị cũng gặp khó khăn với chip Intel Skylake, tuy nhiên, Myerson phủ nhận việc hỗ trợ ARM là dấu hiệu cho thấy công ty mất niềm tin vào Intel. "Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Intel hơn bao giờ hết. Quan hệ giữa 2 bên là tốt hơn trước đây. Việc hỗ trợ ARM chỉ là bởi Qualcomm có các con chip có kết nối tích hợp và tiêu thụ điện ít hơn khi nhàn rỗi - giúp chúng ta có thể phát triển một dòng thiết bị mới".

Hợp tác mới với Qualcomm có ảnh hưởng thế nào tới nền tảng "universal apps" của Microsoft hay không? Trả lời câu hỏi này, Myerson nói rằng "Nền tảng universal app là nền tảng tương lai của chúng tôi. Việc quan trọng Microsoft phải làm đó là làm sao tất cả các ứng dụng được viết cho Windows trong hơn 25 năm qua có thể tiếp tục chạy tốt". Microsoft muốn đầu tư cho cả 2 nhưng hãng hy vọng rằng lập trình viên sẽ tận dụng universal app để hỗ trợ tốt hơn cho các cách thức nhập liệu mới như màn hình cảm ứng, bút cảm ứng…

Chưa có nhiều thông tin về hợp tác với Qualcomm được Microsoft tiết lộ trong đợt này, tuy nhiên, laptop dùng chip Qualcomm và chạy Windows 10 đầy đủ qua bộ giả lập sẽ không ra mắt kịp bản cập nhật Creators Update của Windows 10 vốn sẽ phát hành vào tháng 3 năm sau.

Hãng phần mềm muốn ưu tiên phát triển laptop trước, và khi được hỏi liệu khả năng sẽ có smartphone chạy ứng dụng Windows hay không, Myerson trả lời: "Chúng tôi đang nghĩ về 1 nền tảng có thể hỗ trợ thiết bị màn hình nhỏ, màn hình lớn, hay thậm chí các thiết bị không có màn hình như màn hình head-mounted. Bởi vậy, sản xuất thiết bị nào sẽ là điều do chính các nhà sản xuất thiết bị quyết định".

Theo M.T

Cùng chuyên mục
XEM