Sập bẫy đường dây lừa tặng quà tiền tỉ ra sao?

05/04/2016 19:10 PM | Kinh doanh

Tin vào màn kịch của nhóm lừa đảo sắp đặt rằng sẽ được nhận quà hay trúng thưởng triệu đô từ nước ngoài, các nạn nhân đã ứng trước số chi phí nhận quà, tiền thưởng hàng tỉ đồng.

Tổ chức lừa đảo liên kết giữa nhóm người gốc Phi với người Việt, dùng chiêu gửi quà tặng có tiền, trúng thưởng giá trị cao, lừa đảo nhiều người gần 10 tỉ đồng đã bị công an TP.HCM triệt phá.

Bảy đối tượng đã bị bắt giữ, trong đó có hai người Nigieria là chủ mưu, cầm đầu đường dây lừa đảo trúng thưởng, gửi quà tặng từ nước ngoài này.

Chuyển phí "bôi trơn" hải quan để nhận quà triệu đô

Sáng 5-4, chị T.A, một cô gái sống tại Đà Nẵng có mặt tại Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) công an TP.HCM trong tâm trạng mệt mỏi, chị kể: Mẹ chị đi du lịch nước ngoài, làm quen với một người bạn ở nước sở tại. Trong khi còn chưa về nước, người bạn mới quen này báo có gửi món quà nhân dịp sinh nhật của bà về Việt Nam theo địa chỉ bà cung cấp trước đó. Tin là thật, mẹ chị T.A báo cho con gái ở nhà nhận giúp.

Đúng như lời mẹ dặn, ít ngày sau, một người tự xưng là nhân viên công ty chuyển phát nhanh liên lạc với chị T.A báo món quà đã về tới Việt Nam, nhưng đang bị hải quan giữ tại sân bay Nội Bài vì bên trong có 1,2 triệu USD.

Để lấy được món quà này, nhân viên công ty chuyển phát nhanh đề nghị chị chuyển tiền “bôi trơn” cho hải quan để lấy hàng ra. Tin tưởng thông tin là thật, chị T.A chuyển một khoản tiền theo yêu cầu vào số tài khoản của người có tên Lê Văn Nhóc.

Ngay sau khi chuyển tiền, người tự xưng nhân viên báo lại hàng đã được hải quan thông quan nhưng bị công an Hà Nội giữ lại, muốn nhận quà thì phải chuyển tiền tiếp tục. Với hi vọng nhận được quà, chị T.A lại tiếp tục chuyển tiền theo yêu cầu.

Chuyển tiền xong, người tự xưng là công an kinh tế Hà Nội liên lạc thông báo số tiền này vi phạm pháp luật Việt Nam, yêu cầu chị nộp thêm tiền để “chạy”, nếu không mẹ chị sẽ bị “dính líu tới pháp luật, có thể bị bắt”.

Quá sợ hãi, chị T.A lần lượt làm theo yêu cầu của những người chưa từng gặp mặt, liên tục chuyển tiền theo hướng dẫn của họ. Chỉ trong ít ngày, tổng số tiền chị T.A chuyển cho nhóm lừa đảo đã lên tới hơn 2,1 tỉ đồng.

Chỉ tới khi được cán bộ của phòng PC46, Công an TP.HCM điện thoại thông báo, chị mới giật mình tỉnh ra, từ Đà Nẵng vào TP.HCM phối hợp với cơ quan điều tra.

Khác với chị T.A, chị H.C (ngụ TP.HCM), một nhân viên kế toán am hiểu về tài chính, kinh doanh cũng vô tình trở thành nạn nhân của nhóm lừa đảo này.

Khoảng tháng 1-2016, chị H.C làm quen với một người đàn ông có tên Brian Roland, người Anh qua mạng xã hội Facebook. Sau khoảng một tuần làm quen, hai người nảy sinh tình cảm với nhau, Brian Rolands nói gửi quà tặng cho chị H.C.

Người bạn trai ngoại quốc cũng hết sức tế nhị báo trong quà có tiền, gửi để em xài trước, hi vọng một ngày sớm nhất sẽ tới Việt Nam gặp mặt.

Bắt đầu bằng đề nghị gửi tiền phí vận chuyển hơn 27 triệu đồng, chuyển tiền xong lại nhận thông báo trong quà có nhiều tiền USD, bị hải quan giữ nên phải chuyển 80 triệu đồng tiền “bôi trơn” cho hải quan.

Vài ngày sau thông tin bạn trai gửi quà chị H.C. nhận được điện thoại của một phụ nữ, tự xưng là nhân viên công ty chuyển phát nhanh báo hàng về nhưng phải chuyển 5.000 USD phí vận chuyển.

Sau khi đã chuyển 3 khoản tiền trên, chị H.C. lại nhận được điện thoại có người xưng cảnh sát kinh tế dọa trong quà có USD là phạm pháp, phải nộp phạt 200 triệu đồng...

Nghi ngờ, chị H.C. tìm hiểu về người bạn thì phát hiện hình avatar của bạn trai là hình của một quan chức nước ngoài. Vừa tìm kế hoãn binh, chị vừa trình báo cơ quan điều tra và từ nguồn tin báo này, PC46 đã lần ra cả nhóm lừa đảo.

Tang vật vật thu giữ của các dối tượng - Ảnh: Gia Minh
Tang vật vật thu giữ của các dối tượng - Ảnh: Gia Minh

Chuyển phí 3,5 tỉ vì tưởng trúng thưởng... triệu đô

Trong số các nạn nhân được PC46 mời tới cơ quan điều tra xác minh, ông H. (một người có trình độ, làm việc cho một hãng hàng không trong nước) là người đau đớn, cay đắng nhất.

Trong trạng thái giận dữ, giọng run run, ông H. kể: Tôi sống và làm việc tại Hà Nội, đầu tháng 3 vừa qua điện thoại của tôi nhận tin nhắn báo số điện thoại của bạn đã trúng giải thưởng 1 triệu USD của một quỹ tại Mỹ.

Nội dung tin nhắn bằng tiếng Anh này thông báo cho tôi địa chỉ email để liên lạc, nhận giải thưởng. Tôi liên hệ theo địa chỉ email này, lần lượt được hướng dẫn thủ tục để hoàn thiện hồ sơ nhận phần thưởng trị giá 1 triệu USD.

Khi bắt đầu liên lạc với quỹ này, ngân hàng quốc tế qua địa chỉ email gửi kèm tin nhắn, tôi thấy họ làm việc rất chuyên nghiệp, thông báo, hướng dẫn cho tôi hoàn tất các thủ tục, hồ sơ để nhận thưởng.

Qua rất nhiều lần liên lạc, đều bằng email, phía đối tác thông báo tôi phải nộp các khoản thuế, phí để nhận thưởng, bắt đầu là hơn 3.800 USD.

Họ thông báo là phần thưởng phải được trao nguyên giá trị, người nhận sẽ tự chi trả các khoản thuế, phí nên tôi tin tưởng. Chuyển tiền xong lần đầu, email của đối tác thông báo lệnh chuyển tiền đã được duyệt, vài ngày sau sẽ về tới tài khoản cá nhân.

Quá vui mừng và tin tưởng rằng mình sẽ trở thành triệu phú USD, ông H. háo hức chờ.

Hai ngày sau, một email khác thông báo cơ quan Kiểm soát tiền tệ của Liên Hợp Quốc thông báo rằng khoản tiền của ông H. chưa được kiểm soát qua hai kênh chống khủng bố và chống rửa tiền, đề nghị ông hợp tác, nộp phí kiểm tra.

Mỗi loại phí này trị giá gần 14.000 USD và 15.000 USD. Nộp hai khoản này xong, ông H. nhận được email có hai chứng chỉ xác nhận không phải tiền khủng bố, rửa tiền, số tiền này sẽ được chuyển về tài khoản cá nhân qua ngân hàng trung ương Thuỵ Sỹ đặt tại Anh.

Ít ngày sau đó, một email từ Anh báo khoản tiền của ông H. đã về tới, nhưng ông phải trả 2,68% tổng số tiền mới được duyệt lệnh chuyển. Ông H. lúc này đã đuối sức, nhưng vẫn cố đi vay mượn với hi vọng sẽ nhận được tiền.

Chuyển xong thêm khoản này, lại bị đòi thêm một khoản khác hơn 46.600 USD, ông cũng tiếp tục đi vay để chuyển.

Tổng số tiền ông đã chuyển cho các “đối tác” là hơn 3,5 tỉ đồng, nhưng họ vẫn tiếp tục yêu cầu ông chuyển thêm 48.600 USD nữa, ông đã không còn nơi nào có thể vay tiền nên chưa chuyển thì nhận thông báo của PC46, Công an TP về nhóm lừa đảo này.

Danh sách số tài khoản, trên chủ tài khoản các đối tượng lừa nạn nhan chuyển tiền vào để chiếm đoạt - Ảnh: Gia Minh
Danh sách số tài khoản, trên chủ tài khoản các đối tượng lừa nạn nhan chuyển tiền vào để chiếm đoạt - Ảnh: Gia Minh

Theo Gia Minh

Cùng chuyên mục
XEM