Sao người Việt quá phấn khích khi lọt top 20 nền giáo dục tốt nhất thế giới, còn người Phần Lan đứng đầu lại chẳng tự hào?

15/01/2017 09:55 AM | Sống

Khi những kết quả đầu tiên của Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) được công bố vào tháng 12/2001 với kết quả Phần Lan xếp số 1, một số người Phần Lan tự nhủ: Hẳn chúng ta đã sai ở đâu đó…

Bài báo "Những quốc gia tốt nhất thế giới để đến học" đăng trên The Independent thống kê các quốc gia có kết quả điểm số PISA (Programme for International Student Assessment - Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế) năm 2015 cao nhất, và Việt Nam đứng thứ 19, Phần Lan tiếp tục duy trì vị thế Top 5.

Nói riêng về PISA, khi những kết quả đầu tiên của chương trình này được công bố vào tháng 12/2001 với Phần Lan xếp số 1, một số người Phần Lan tự nhủ: Hẳn chúng ta đã sai ở đâu đó khi đứng nhất trong hệ thống đánh giá dựa trên kết quả các bài thi/kiểm tra theo chuẩn nhằm đo lường thành tích của học sinh trong 3 lĩnh vực học thuật.

“Có rất ít, nếu có, nhà giáo dục ở Phần Lan cho rằng hệ thống trường học Phần Lan là tốt nhất thế giới” – trích cuốn Bài học Phần Lan 2.0 xuất bản mới đây.

Từ những năm 1990, khi các nước OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) lần đầu tiên thảo luận sự cần thiết phải tạo ra những phương pháp thống kê và đo lường mới để so sánh thành tựu giáo dục ở những nước phát triển nhất, các nhà chức sắc Phần Lan đã lo lắng tự hỏi đấy có phải là một ý tưởng tốt hay không.

Họ lo ngại chương trình đánh giá học sinh mới này sẽ trở thành một bảng xếp hạng quốc tế, xếp hạng toàn bộ các hệ thống giáo dục từ tốt nhất đến dở nhất bằng cách sử dụng duy nhất một tiêu chí.

Theo mô tả của OECD về PISA trên trang oecd.org: Kể từ năm 2010, cứ 3 năm một lần, học sinh 15 tuổi từ các trường được chọn ngẫu nhiên trên khắp thế giới tham gia bài kiểm tra trong các môn học chủ chốt: Đọc, Toán học và Khoa học, với mỗi năm tiến hành đánh giá sẽ tập trung vào một môn trong số đó.

Học sinh làm bài kiểm tra trong 2 tiếng đồng hồ. Bài kiểm tra là sự pha trộn giữa các câu hỏi mở và câu hỏi trắc nghiệm được tổ chức theo nhóm dựa trên một đoạn văn ngắn nói về một tình huống ngoài đời thực.

Nhận định về hiện tượng giáo dục Phần Lan, báo cáo của OECD cho biết: “Phần Lan là một trong những nước dẫn đầu thế giới về thành tích học tập của học sinh trung học, và đã giữ vững vị trí này suốt một thập kỷ qua”.

Theo kết quả PISA mới nhất năm 2015, Việt Nam xếp thứ 19, còn Phần Lan tiếp tục củng cố vị thế Top 5 của mình.

Và Phần Lan cũng như Singapore, Hàn Quốc…, cùng với sự nổi lên của PISA, trở thành “cứ điểm” đón hàng nghìn đoàn đại biểu từ các nước đến để khám phá “bí mật” của những nền giáo dục hàng đầu thế giới.

Nhưng điều ngạc nhiên là các nhà giáo dục Phần Lan không quá phấn khích với kết quả PISA như nhiều người nước ngoài nghĩ.

Một nền giáo dục tốt đâu thể hiện ở điểm số!


Nguồn: Universities.academy.

Nguồn: Universities.academy.

Nhiều giáo viên và hiệu quả trường phổ thông Phần Lan cho rằng PISA chỉ đo lường một nhánh hẹp của toàn bộ việc học trở trường. Cũng có những người Phần Lan cho rằng sẽ giống như trong thể thao, việc quá chú trọng vào tranh đua trên trường đấu quốc tế có thể dẫn tới những hành động phi đạo đức nhất thời nhắm tới việc nâng cao thành tích để vươn lên về thứ hạng trên bảng tổng kết.

Và với người Phần Lan, một hệ thống giáo dục tốt và thành tích giáo dục cao đâu chỉ thể hiện ở điểm số học tập.

Quả thực, có một cuộc tranh luận ngày càng nóng lên về việc những bài kiểm tra quốc tế này thực sự đo lường điều gì, và liệu chỉ riêng PISA không thôi có thể đánh giá được chất lượng của các hệ thống giáo dục hay không.

Rất nhiều nhận định đã đưa ra những lời nhắc nhở rằng: PISA là một đầy tớ tốt nhưng là một ông chủ tồi.

Cho dù hiện tại PISA đang là bài đánh giá quốc tế tốt nhất để so sánh giữa các hệ thống trường học, song, lại đang đo lường những gì tốt nhất của quá khứ.

Hơn nữa, nhiều người e ngại rằng PISA, giống nhiều chỉ số xã hội khác, là chỉ số để chứng minh cho Định luật Campbell.

Theo định luật này, bất cứ chỉ số xã hội mang tính định lượng nào, nếu càng được sử dụng cho quá trình ra quyết định xã hội, thì nó sẽ càng phải gánh chịu nhiều áp lực tham nhũng và sẽ càng có xu hướng bóp méo và làm băng hoại các quá trình xã hội mà nó được thiết kế ra để giám sát.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM