Sân bay Long Thành cần thêm 5 tỷ USD nữa để tránh thành 'ốc đảo'

02/05/2019 19:39 PM | Xã hội

Cục trưởng Hàng không Đinh Việt Thắng cho rằng trọng tâm đầu tư trở thành trung tâm trung chuyển của sân bay Long Thành sẽ đi lệch nếu không có hạ tầng kết nối.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Hàng không Việt Nam cho biết sân bay Long Thành không chỉ cần 5 tỷ USD để đầu tư mà còn cần thêm 5 tỷ USD cho các công trình xung quanh như hạ tầng đường sắt, đường bộ... để kết nối. "Nếu không, sân bay này sẽ trở thành ốc đảo, xung quanh không có gì cả", ông Thắng nói tại Phiên hiến kế du lịch, Diễn đàn Kinh tế tư nhân 2019 sáng 2/5.

Việc xây dựng sân bay Long Thành, theo ông Thắng, không chỉ do nhu cấp cấp thiết tự việc quả tải của sân bay Tân Sơn Nhất. Sân bay Long Thành được kỳ vọng mang tính tầm cỡ, trung tâm trung chuyển. Tuy nhiên, đến nay, đại diện Cục Hàng không cho rằng trọng tâm dường như đã bị sai, không có hạ tầng kết nối với nơi này.

Vị Cục trưởng cũng khẳng định sẽ quy hoạch lại sân bay Long Thành, công suất khoảng 80 triệu khách.

Bày tỏ lo ngại về tiến độ sân bay Long Thành, ông Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn Diễn đàn cho hay: "Sân bay Long Thành được Quốc hội thông qua 3 năm nhưng thủ tục hành chính chậm trễ, vẫn loay hoay trong vòng thủ tục sự án".

Lấy dẫn chứng từ việc sân bay Vân Đồn có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân thi công trong vòng 2 năm, ông Lương Hoài Nam nhắc lại kiến nghị nên để các nhà đầu tư tư nhân cũng như nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào xây dựng sân bay Long Thành.

Cục trưởng Hàng không Việt Nam, Đinh Việt Thắng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, lãnh đạo ngành hàng không cho rằng bên cạnh việc khuyến khích phải có hành lang pháp lý đầy đủ để phát triển bền vững.

Ông Thẳng lý giải, 80% doanh thu hàng không đến từ khai thác cảng. Theo đó, không thể phần nào dễ cho tư nhân làm, phần nào khó để Nhà nước. Ông cho rằng việc đầu tư hạ tầng cần có sự đồng bộ, từ đường băng cất hạ cánh... "Sắp tới đây sân bay Quảng Trị, sân bay Lào Cai, sân bay Phan Thiết... nếu tư nhân đầu tư được toàn bộ thì sẵn sàng để tư nhân làm", vị Cục trưởng khẳng định.

Nếu phát triển tự do, theo ông Thắng, nền kinh tế sẽ rơi vào khủng hoảng. Theo ông, việc phát triển ngành hàng không cần có sự tư vấn của nước ngoài với góc nhìn khách quan và dài hạn hơn.

Cùng với đó, ông Lương Hoài Nam cũng đề giải quyết bài toán quá tải tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng.

Theo ông Nam, sân bay Nội Bài đến năm 2018 đã đạt công suất 25 triệu lượt khách, chạm mức dự tính công suất theo quy hoạch từ năm 1990. Cùng với đó, nhà ga số 2 của sân bay Đà Nẵng vừa xây xong đã chạy hết công suất. Do đó, quy hoạch cho sân bay Đà Nẵng trong 10 năm nữa cũng cần được đề ra và tìm hướng kết nối với sân bay Chu Lai, Quảng Ngãi.

Với cảng hàng không Đà Nẵng, Cục trưởng Thắng khẳng định, công suất sẽ được nâng lên 30 triệu khách.

Dù vậy, theo chia sẻ của ông Đinh Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet Air nhìn nhận theo hướng khác, quá tải hàng không cũng là một tín hiệu đáng mừng. Nhiều địa phương mong muốn mình được quá tải hảng không. Từ năm 2009 đến nay, sân bay Điện Biên không có sự tăng trưởng về lượng khách chỉ xoay quanh con số 70.000 lượt/năm. Theo ông Phương, cần xem xét thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của các cảng hàng không trên cả nước. Cảng hàng không Điện Biên khó có thể phát triển khi vẫn sử dụng cơ sở hạ tầng có từ 65 năm trước.

Theo Nam Anh

Cùng chuyên mục
XEM