Các hãng điện thoại Trung Quốc đang vượt lên tại Việt Nam

08/10/2017 14:00 PM | Công nghệ

Không chỉ Oppo, các hãng smartphone khác của Trung Quốc đang dần chiếm thị phần tốt tại Việt Nam.

Trong danh sách 10 điện thoại bán chạy nhất 6 tháng đầu năm nay tại Việt Nam của hai hệ thống lớn Thế Giới Di Động và FPT Shop chỉ có tên 3 hãng Samsung, Oppo, Apple. Trong đó, Samsung hơi nhỉnh hơn về số lượng, sau đó đến Oppo và Apple. Ngoài ra không có tên hãng nào khác.

Danh sách này một vài năm gần đây không có gì thay đổi, vẫn 3 cái tên nhàm chán nói trên.

Tuy vậy ở quý 3 này, lần đầu một tên hãng mới toanh gia nhập vào top 10. Trong danh sách smartphone bán chạy của FPT Shop, đứng ở vị trí thứ 8 là chiếc Y55S của Vivo. Như vậy đã có một cái tên lọt vào bộ ba quyền lực tại Việt Nam, và điều này chứng tỏ nỗ lực của các hãng mới đang có kết quả. Trong khi các anh lớn như Sony, HTC, Asus, và trước đó là LG mất hút trong các bảng xếp hạng, một hãng Trung Quốc mới toanh đã lên tiếng. Thị trường smartphone Việt đang bắt đầu phân chia giống với toàn cầu hay một vài thị trường khác, nơi chứng kiến sự trỗi dậy của các hãng Trung Quốc như Oppo, Huawei, Xiaomi, Vivo.

Mới đây, nhóm kinh doanh tiêu dùng Huawei đã thay giám đốc mới tại Việt Nam. Người phụ trách cao nhất mảng smartphone Huawei tại Việt Nam tuyên bố vào top 2 các hãng smartphone tại Việt Nam đến năm 2020. Đây là một mục tiêu rất tham vọng và khó thực hiện, tuy vậy nó phản ánh mong muốn của hãng smartphone đang dẫn đầu so với các đối thủ đồng hương ở thị trường nội địa.

Cần nói thêm rằng, trong tháng 5/2017, thị phần các hãng tại Việt Nam do GfK khảo sát cho thấy Huawei và Vivo dù đang đứng thứ 6, 7 nhưng khoảng cách so với hãng thứ 4 là Mobiistar rất nhỏ. Hai hãng này hoàn toàn có thể vượt qua hãng điện thoại thương hiệu Việt nếu có điều kiện thuận lợi.

Họ cũng có thể nhắm đến vị trí thứ 3 của Apple đang có 8,88% nhưng phải cố gắng nhiều (hai hãng đang chiếm hơn 2% thị phần). Để nhắm đến Oppo là nhiệm vụ cực khó khi hãng này đang chiếm hơn 23% thị trường.

Trong sự kiện giới thiệu smartphone mới của Xiaomi gần đây tại Việt Nam, hãng tiếp tục nhận được câu hỏi liên quan đến việc thái độ của người dùng đối với các thương hiệu Trung Quốc như Xiaomi.

Ông Donovan Sung, Giám đốc quản lý sản phẩm và tiếp thị toàn cầu Xiaomi - người từng làm cho Microsoft, Google, YouTube, Spotify - nói rằng ông biết người dùng nhiều nơi từng có ấn tượng không tốt về chất lượng sản phẩm của điện thoại Trung Quốc, tuy nhiên ấn tượng đó đang dần thay đổi.

“Chúng tôi đang nỗ lực sáng tạo để tạo ra những sản phẩm tốt sánh ngang với các thương hiệu toàn cầu", ông Donovan nói.

Trước đó, Xiaomi từng giới thiệu chiếc Mi Mix có nhiều điểm khác biệt với hầu hết smartphone trên thị trường như viền màn hình mỏng, vỏ ngoài làm từ gốm, cắt bỏ loa thoại, camera trước đặt ở dưới máy thay vì phía trên… Chiếc smartphone này được đánh giá cao về thiết kế lẫn các công nghệ tích hợp.

Trong khi đó, cách đây hơn một năm, tại trụ sở Huawei (Trung Quốc), khi nói về chiến lược của hãng, ông Jim Xu, Phó Chủ tịch khối kinh doanh tiêu dùng Huawei, với giọng chắc nịch, khẳng định Huawei sẽ đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), hiện đã có các phòng nghiên cứu ở khắp các quốc gia châu Âu, Mỹ, Nhật,...

Khác với các hãng Trung Quốc tiếp cận những thị trường mới nổi tiềm năng, ông Jim Xu cho biết Huawei thời điểm đó sản xuất sản phẩm cho thị trường châu Âu, Mỹ, nhằm khẳng định chất lượng.

“Khi vượt qua các yêu cầu khắt khe ở những thị trường khó tính, chúng tôi dễ dàng khẳng định chất lượng ở các thị trường nhỏ hơn", ông Xu nói.

Khi nói về tham vọng sánh ngang sản phẩm Trung Quốc với các thương hiệu toàn cầu, đại diện Xiaomi tác phong gần gũi, chuyên nghiệp, trong khi phía Huawei quyết liệt, sôi nổi. Dù khác nhau trong các thể hiện, nhưng cả hai đều thể hiện quyết tâm lớn khi nói về sản phẩm “Made in China".

“Có vẻ như càng bị kỳ thị, các hãng Trung Quốc càng quyết tâm hơn trong việc khẳng định mình. Điều đó khiến họ càng phải chứng minh mình nhiều hơn", một người kinh doanh lâu năm trong ngành điện thoại tại Việt Nam chia sẻ.

Chuyện các hãng smartphone Trung Quốc tạo áp lực cạnh tranh lên các hãng khác không còn là điều mới, tuy nhiên một tương lai gần khi các hãng này chiếm phần lớn thị trường là có thể lường trước được.

Theo Hải Đăng

Cùng chuyên mục
XEM