Sai lầm quản lý hiếm người làm sếp để ý tới: Quá đồng cảm với nhân viên!

21/06/2018 14:45 PM | Kinh doanh

Đồng cảm với nhân viên không phải là điều xấu nhưng trong hoạt động quản lý doanh nghiệp, người lãnh đạo cần sử dụng cả trí óc thay vì chỉ thuần trái tim. Chính vì vậy những nhà lãnh đạo giỏi sẽ cân bằng được 2 điều này thay vì nghiêng về 1 phía.

Một vài nhà lãnh đạo được biết đến như người của quần chúng. Họ là những người rất nhạy cảm, luôn đồng cảm với người khác, biết tạo động lực thúc đẩy người khác làm việc, có khả năng phát triển tài năng, luôn chân thành và tử tế. Những thuộc cấp trực tiếp của họ thường rất trung thành và luôn được thúc đẩy mạnh mẽ.

Trong một số hoàn cảnh nhất định và ở một số công ty nhất định, những nhà lãnh đạo này làm việc rất hiệu quả. Tuy nhiên, xu hướng nhân văn của họ có thể khiến họ làm việc không hiệu quả. Trên thực tế, đó có thể là một sai lầm bởi quá tin tưởng vào triết lý sống về tình cảm giữa con người với con người.

Chuyện về một trong những thành viên ủy ban điều hành của công ty hoạt động không hiệu quả và gây ảnh hưởng tới toàn bộ tổ chức. Giám đốc điều hành của công ty này cũng như toàn bộ ủy ban điều hành hiểu rằng thay đổi là cách tốt nhất để mang lại lợi ích cho tổ chức. Tuy nhiên, giám đốc điều hành đã làm việc với người phụ nữ này trong suốt sự nghiệp của mình và giữa hai người có một mối quan hệ gắn bó bền chặt.

Ngoài ra, vị giám đốc điều hành này cũng hiểu rằng bà đang phải làm việc hết mình để cáng đáng một gia đình với người chồng luôn say xỉn, bà được những người trong đội rất yêu quý và ngưỡng mộ, và bà đang chịu áp lực từ rất nhiều phía. Tuy nhiên, cho dù nhận được rất nhiều ý kiến, những buổi huấn luyện, những thông điệp trực tiếp từ phía những người có cùng địa vị, bà vẫn không đủ khả năng để lãnh đạo đội vượt qua những thách thức mà công ty đang phải đối mặt.

Trong ví dụ này, một giám đốc điều hành mang xu hướng lãnh đạo nhân trị sẽ nhìn nhận người phụ nữ này như một người bạn và người đồng nghiệp có thể tin tưởng được, và cho phép bà tiếp tục công việc. Ông ta có thể quyết định rằng bộ phận mà bà quản lý không thực sự liên quan đến những mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Ông có thể quyết định sẽ đầu tư nhiều vào việc đào tạo để giúp bà làm việc hiệu quả hơn. Ông có thể thuyết phục bản thân rằng bà đang ở trong một giai đoạn khó khăn và bà sẽ nhanh chóng vượt qua.

Trong khi đó, tất cả các đồng nghiệp lại tỏ ra bất bình với cách làm việc không hiệu quả của bà và thực tế, lý do khiến bà giữ được công việc của mình là vì bà được giám đốc điều hành quý mến.

Do vậy, những người quản lý cần nhận thức được những dấu hiệu của một nhà lãnh đạo mang quá nhiều xu hướng nhân trị:

- Không sẵn sàng đối chất với những người làm việc kém cỏi, không hiệu quả; càng không sẵn sàng sa thải hay hạ cấp khi những người đó không tiến bộ.

- Phản xạ theo hướng hợp lý hóa mọi vấn đề, giải thích loanh quanh với người khác về lý do ông ta cho phép ai đó tiếp tục công việc một cách không hiệu quả theo cái cách mà cuối cùng cũng chỉ là để tự vệ.

- Sử dụng chiến thuật trì hoãn; né tránh việc phải đối chất hoặc sa thải một cá nhân bằng cách có những hành động để giải quyết vấn đề kiểu như giao cho cô ta một nhiệm vụ mới cùng với nguồn lực bổ sung, hoặc yêu cầu cô ta thực hiện một chuỗi những mục tiêu mới.

- Phải sử dụng đến những tranh luận về sự trung thành; bảo vệ những người đã làm việc cho công ty trong một thời gian dài chỉ vì họ trung thành với công ty.

- Sử dụng những lý do cá nhân. Quy lý do làm việc kém hiệu quả là do chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ các vấn đề trong cuộc sống (con ốm, li dị chồng, nhà có người mất...) và cho những người này một khoảng thời gian quá dài để hồi tâm và trở lại bình thường.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM