Sai lầm lớn nhất của Lưu Bị, 3 lần mời Gia Cát Lượng xuất sơn nhưng lại bỏ qua một vị cao nhân tuyệt đỉnh

08/12/2019 13:15 PM | Sống

Lưu Bị lúc đó trong đầu chỉ có một mình Gia Cát Lượng mà đã bỏ qua một nhân tài thậm chí còn hơn cả Gia Cát Lượng. Người này là ai và đã xảy ra chuyện gì?

Nếu nói về những người có ảnh hưởng lớn nhất tới Lưu Bị thì nhất định sẽ là Từ Thứ và Gia Cát Lượng. Khi Lưu Bị vẫn còn đang ẩn nấp ở Tân Dã thì Từ Thứ đã tới đầu quân cho ông, ban đầu, Lưu Bị cho rằng đây chỉ là một mưu sĩ bình thường, bởi dẫu sao thì Lưu Bị cũng chưa từng gặp qua mưu sĩ nào quá tài giỏi. 

Không lâu sau, Tào Nhân đem quân đi đánh Tân Dã, lúc này, nhận thấy được mưu lược cao siêu và nghệ thuật chỉ huy quân sự của Từ Thứ đã đánh bại được Tào Nhân, lại còn là đánh nhanh thắng gọn, Lưu Bị mới nhận ra được tầm quan trọng của việc có cho mình một vị quân sư tài giỏi. 

Từ Thứ trước khi ra đi đã giới thiệu Gia Cát Lượng cho Lưu Bị, còn nói với Lưu Bị phải làm mọi cách để có được sự phò tá của Khổng Minh, Lưu Bị lúc này tin tưởng tuyệt đối vào Từ Thứ nên đã ba lần đích thân đến mời Gia Cát Lượng xuất sơn. Lưu Bị lúc đó trong đầu chỉ có một mình Gia Cát Lượng mà đã bỏ qua một nhân tài thậm chí còn hơn cả Gia Cát Lượng. Người này là ai và đã xảy ra chuyện gì?

Sau khi Từ Thứ đi, Lưu Bị quay trở về Tân Dã, sau khi thăm dò từ nhiều nguồn biết được Gia Cát Lượng có biệt danh là Ngọa Long, hơn nữa nhiều người còn nói có được ông là có được cả thiên hạ. 

Lưu Bị vì muốn có được Gia Cát Lượng mà đã tốn không biết bao tinh lực mới biết được Gia Cát Lượng ở Long Trung, vậy là liền đem theo Quan Vũ và Trương Phi không ngừng nghỉ đi tới Long Trung, chỉ sợ Gia Cát Lượng đã được người khác mời đi mất. Đến nơi được đồng tử nói rằng Gia Cát Lượng hiện đang chu du tứ hải, không biết bao giờ mới quay trở lại, mong Lưu Bị đến vào hôm khác.

Sai lầm lớn nhất của Lưu Bị, 3 lần mời Gia Cát Lượng xuất sơn nhưng lại bỏ qua một vị cao nhân tuyệt đỉnh  - Ảnh 1.

Nhân vật Gia Cát Lượng trên màn ảnh nhỏ

Mấy tháng sau, sau khi giải quyết hết sự vụ ở Tân Dã, Lưu Bị lại một lần nữa đến Long Trung, trên đường đi, Lưu Bị gặp được danh sĩ nổi tiếng Kinh Châu là Tư Mã Huy, ông là người đức cao vọng trọng, ở Kinh Châu bồi dưỡng ra rất nhiều học trò, chẳng hạn như Từ Thứ, Mã Lương... 

Lưu Bị sau khi chào hỏi Tư Mã Huy đã đi đến nhà Gia Cát Lượng, lúc này ông gặp được một người trông khá thư sinh, cho rằng đây chính là Gia Cát Lượng, liền đến giới thiệu thân phận. Người này nói ông là Thôi Châu Bình, là bạn tốt của Gia Cát Lượng, hôm nay đến muốn đàm kinh luận đạo với Gia Cát Lượng, nhưng Gia Cát Lượng lại không có nhà. 

Lưu Bị tỏ ra rất thất vọng liền để lại một bức thư, trong thư bày tỏ lý tưởng và khát vọng của bản thân, mong có thể lại tới bái kiến một lần nữa. Nhưng, khi đó Lưu Bị không hề biết rằng, ông đã vô tình bỏ qua Thôi Châu Bình, một người mà năng lực thậm chí còn vượt xa cả Gia Cát Khổng Minh.

Thôi Châu Bình xuất thân quan thần thế gia, cha ông từng là Thái úy Đông Hán, bản thân Thôi Châu Bình ngay từ nhỏ đã lớn lên trong ánh mắt hi vọng của nhiều người, mọi người đều cho rằng năng lực của ông còn vượt xa cả cha mình. Vì vậy, Thôi Châu Bình ngay từ nhỏ đã quyết chí phấn đấu, ép bản thân học binh pháp và sách của các thánh nhân, tuổi còn trẻ mà đã được đề cử làm quan ở Lạc Dương, sau này còn được nhậm chức quan lớn Hổ bôn trung lang.

Sai lầm lớn nhất của Lưu Bị, 3 lần mời Gia Cát Lượng xuất sơn nhưng lại bỏ qua một vị cao nhân tuyệt đỉnh  - Ảnh 2.

Nhân vật Thôi Châu Bình trên màn ảnh nhỏ

Khoảng thời gian Đổng Trác làm loạn ở kinh đô, bản thân Thôi Châu Bình cảm thấy rồi cả thiên hạ sẽ đại loạn, hơn nữa, Tây Hà là đất mà quân Hung Nô khi Nam hạ nhất định sẽ đi qua, vậy là ông viết tấu chương đề nghị triều đình cử mình đi nhậm chức Thái thú Tây Hà, hi vọng có thể cống hiến cho xã tắc. Từ ngày được điều tới Tây Hà, Thôi Châu Bình đã rất chú trọng vào nông tang, tổ chức huấn luyện dân binh, đào tạo riêng một đội quân tinh nhuệ, nhiều lần đánh bại sự tiến công của quân Hung Nô. Sau khi Đổng Trác mất, thiên hạ đại loạn, 

Thôi Châu Bình lúc này tỏ ra rất thất vọng, nên đã từ chức trở về Kinh Châu, đồng thời kết thành bạn tốt với Gia Cát Lượng. Sau khi Gia Cát Lượng ra phò tá Lưu Bị, Thôi Châu Bình thậm chí còn đưa ra lời dự đoán rằng Gia Cát Lượng dưới trướng Lưu Bị không thể phò tá Hán thất, thậm chí còn phải rơi vào kết cục tang thương. 

Sau này, kết cục của Gia Cát Lượng quả thực giống như lời dự đoán của Thôi Châu Bình, cả đời cống hiến cho Thục Hán, cuối cùng chết vì lao lực. Từ đây có thể thấy năng lực của Thôi Châu Bình không hề thua kém, thậm chí còn vượt xa Gia Cát Lượng.

Kết: Thực ra, Thôi Châu Bình cũng giống như những cư sĩ ẩn danh khác trong lịch sử Trung Quốc, thà để tài năng của mình mai danh ẩn tích, cũng không muốn cống hiến sức lực của mình cho thiên hạ, khiến thiên hạ chư hầu và bách tính cảm thấy tiếc nuối.

Như Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM