Sài Gòn - Hà Nội, dân đô thành 1 năm hứng 'thảm họa'

09/12/2019 11:50 AM | Xã hội

Khủng hoảng nước sạch, ô nhiễm không khí, mùi hôi rác thải,... dân cư đô thị năm 2019 gánh đủ những vận đen. Làm thế nào thoát cảnh “sống trong sợ hãi” là câu hỏi vẫn chưa ai có thể giải quyết.

Thuỷ ngân từ vụ cháy Rạng Đông

Sau sự cố cháy nghiêm trọng tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, kết quả quan trắc cho thấy ô nhiễm thủy ngân vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO và ATSDR Mỹ từ 10-30 lần là “cú sốc” với cư dân đô thị.

Khu đô thị 54 Hạ Đình là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do thủy ngân rò rỉ từ vụ cháy. Sau vụ cháy, 95% hộ dân đã phải di tản. Nhiều ngôi nhà khóa cửa, nhiều cửa hàng ngừng hoạt động vì không còn khách. Những người ở lại đeo khẩu trang, có người đeo mặt nạ phòng độc khi ra ngoài.

Sài Gòn - Hà Nội, dân đô thành 1 năm hứng thảm họa - Ảnh 1.

Cư dân sơ tán sau sự cố Rạng Đông

Ngày 9/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan liên quan tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lý hậu quả.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 10/9, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã ký văn bản hỏa tốc, giao các đơn vị chuyên trách khắc phục hậu quả, tẩy độc toàn bộ khu vực, đồng thời khẩn trương di dời nhà máy đến cơ sở sản xuất mới.

Các hộ dân yêu cầu Công ty Rạng Đông bồi thường về vật chất và tinh thần cho người dân và di dời cơ sở ra khỏi khu dân cư cũng như hoàn tất quá trình tẩy độc, dọn dẹp, đảm bảo quy định an toàn về môi trường, sức khỏe cho người dân.

Đáng chú ý, các hộ dân yêu cầu công ty Rạng Đông bồi thường 1 tỷ đồng cho mỗi lít máu bị nhiễm 0,1 microgram thủy ngân, bồi thường tổn thất tinh thần với số tiền 60 triệu đồng/người, bồi thường tiền khám chữa bệnh cho mỗi người là 4 triệu đồng, bồi thường tiền thuê nhà ở là 60 triệu đồng/hộ, bồi thường mất thu nhập 6-8 triệu đồng/người.

Kẻ ác đầu độc sông Đà, dân lo giá đắt nước sông Đuống

Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận ở Hà Nội như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm... Rất nhiều khu chung cư có hàng trăm đến hàng ngàn hộ dân ở Hà Nội náo loạn vì thiếu nước sạch . Cảnh tượng náo loạn, thảm cảnh còn quá cả thời bao cấp những năm 60 của thế kỷ trước.

Chẳng khác gì vụ cháy nhà máy Rạng Đông mới đây, người dân một lần nữa tự phải lo cho chính tính mạng, sức khỏe của mình trước. Gần 1 tuần sau khi sự cố xảy ra, Hà Nội mới khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước nhiễm dầu.

Sài Gòn - Hà Nội, dân đô thành 1 năm hứng thảm họa - Ảnh 2.
Sài Gòn - Hà Nội, dân đô thành 1 năm hứng thảm họa - Ảnh 3.
Sài Gòn - Hà Nội, dân đô thành 1 năm hứng thảm họa - Ảnh 4.

Sau khi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội yêu cầu cấp nước miễn phí 24/24 giờ cho người dân TP bị ảnh hưởng bởi nước nhiễm dầu thải, ngày 16/10, 4 nhà máy nước tại Hà Nội đồng loạt xả van, cung cấp nước cho các xe téc chở tới các khu dân cư ở xa và mở cửa để người dân xung quanh tới lấy nước sạch về sinh hoạt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó đã yêu cầu Hà Nội, Hòa Bình kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm. Đồng thời, giao Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Viwasupco không đảm bảo chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đến nay những thủ phạm đổ dầu đầu độc nguồn nước đã bị bắt để điều tra.

Sau chuyện nước sông Đà, nước sông Đuống lại khiến dư luận xôn xao. Thông tin Hà Nội chấp thuận giá bán nước sạch tối đa Nhà máy Sông Đuống là 10.246 đồng/m3. Cùng đó, lộ trình tăng giá tối đa 7%/năm, đã gây "bão" trong dư luận do mức giá này cao hơn nhiều so với mức giá nước bán lẻ khiến ngân sách phải bù lỗ.

Tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội ngày 12/11, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Việt Hà cho biết, tổng mức đầu tư của nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng khoảng 3.998 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào sử dụng, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. “Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước khoảng 20%, tức là khoảng 2.003 đồng/m3”, ông Hà nói.

Thông tin khiến nhiều người đặt câu hỏi, năng lực tài chính DN hạn chế, phải đi vay ngân hàng một lượng vốn lớn rồi sau đó buộc người dân phải gánh lãi suất khá cao trong mỗi m3 nước.

Tuy nhiên, sau đó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: "Thành phố chưa mất một đồng nào bù giá. Chắc chắn không bao giờ bù giá”.

Mới đây, ông Chung cho biết, phát biểu của Giám đốc Sở Tài chính rằng người dân phải chịu cả chi phí lãi vay khoảng 2.003 đồng/m3 nước sạch sông Đuống là rất sai lầm.

Báo động đỏ ô nhiễm không khí

Trong tháng 9 vừa qua, vấn đề ô nhiễm không khí đã trở thành điểm nóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Các chỉ số do AirVisual công bố cho thấy mức độ ô nhiễm của hai đô thị lớn nhất Việt Nam liên tục đứng top đầu thế giới đã gây nên mối lo ngại cho người dân.

Mức độ ô nhiễm tăng cao, người dân “đổ xô” mua máy lọc không khí và khẩu trang chống bụi, khiến thị trường những mặt hàng này trở nên sôi động.

Tuy nhiên, Tổng cục Môi trường nhận định, đây là hiện tượng thường gặp trong thời gian này do đây là giai đoạn giao mùa, chất lượng không khí chịu tác động rất nhiều của các yếu tố thời tiết kết hợp với các nguồn gây ô nhiễm..

Sài Gòn - Hà Nội, dân đô thành 1 năm hứng thảm họa - Ảnh 5.
Sài Gòn - Hà Nội, dân đô thành 1 năm hứng thảm họa - Ảnh 6.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khuyến cáo người dân ra đường mang theo khẩu trang, hạn chế tham gia giao thông vào giờ cao điểm, tránh các điểm đang tắc đường (có thể đi sớm hơn hoặc muộn hơn... ). Tăng cường sử dụng các phương tiện công cộng; Các hộ dân không sử dụng bếp than tổ ong; Đối với các công trình xây dựng phải che chắn đúng quy định, thực hiện các biện pháp phun nước giảm bụi đúng quy định.

Rác thải mốc mùi đô thị

Bên cạnh ô nhiễm không khí, ô nhiễm rác thải cũng là vấn nạn tại nhiều khu đô thị hiện tại. Chỉ riêng rác thải sinh hoạt, mỗi ngày Hà Nội thải ra ước tính khoảng 6.500 tấn. Tuy nhiên, rác thải của Hà Nội hiện nay được chôn lấp đến 89%, hầu như chưa hề có các nhà máy xử lý chất thải công nghệ cao, và đây chính là nguồn cơn của nỗi nhức đầu vì rác. Trong 6.500 tấn rác Hà Nội thải ra mỗi ngày, bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) “hứng” tới 4.500-4.700 tấn, nên chỉ cần bãi rác này “hắt xì” là cả Hà Nội “sổ mũi”.

Tháng 7, khi nhiều người dân chặn xe rác, cả Hà Nội náo loạn. Đại diện cơ quan chức năng cho rằng: “Chúng ta chỉ cầm cự được 3-4 ngày thôi, sang đến ngày sau sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.

Sài Gòn - Hà Nội, dân đô thành 1 năm hứng thảm họa - Ảnh 7.

Dân đô thị náo loạn sau sự cố rác thải

Tại TP.HCM, cư dân ở khu Phú Mỹ Hưng, các chung cư quận 7 như: La Casa, The Era Town, Belleza... cùng các khu dân cư ở huyện Bình Chánh, Nhà Bè hơn tháng nay cũng "kêu trời" vì mùi hôi nồng nặc. Người dân đã cầu cứu lên các cấp chính quyền để giải quyết nhưng hiện chưa có giải pháp nào được đề ra để cải thiện tình hình, thậm chí mùi hôi ngày càng nặng và thường xuyên.


Trước tình trạng mùi rác thải “hoành hành”, nhiều cư dân sống trong những khu vực bị ảnh hưởng đã tìm cách “tháo thân”.

Vấn đề ô nhiễm bụi và mới nhất là ô nhiễm nguồn nước sạch tại Hà Nội khiến nhiều người tự hỏi, phải chăng đã đến lúc xem lại vấn đề quy hoạch và thiết kế các đô thị hiện đại?

Dù không ai mong muốn, sự cố cháy gây ô nhiễm môi trường cũng đã xảy ra. Cái mất đi khó mà thống kê đầy đủ. Nhưng điều dư luận luôn mong là sự thật về mức độ ô nhiễm; sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng, đặc biệt là sự phối hợp của doanh nghiệp để sớm có kết luận chính thức về mức độ ô nhiễm, cũng như đưa ra giải pháp xử lý kịp thời, tránh gây hoang mang cho người dân.

Theo Duy Anh

Cùng chuyên mục
XEM