[Sách hay] Sự chuyên quyền của các chuyên gia

08/01/2015 21:43 PM |

Sự chuyên quyền của các chuyên gia lý giải nguyên nhân giàu có và nghèo đói giữa các quốc gia trên thế giới và cố gắng trả lời câu hỏi là tại sao có quốc gia giàu có và phát triển trong khi vẫn tồn tại song song các quốc gia nghèo đói và lạc hậu.

Thông tin sách:

Tên sách: The Tyranny of Experts: Economists, Dictators, and the Forgotten Rights of the Poor (tạm dịch: Sự chuyên quyền của các chuyên gia: Các nhà kinh tế học, lãnh đạo độc tài, và các quyền bị lãng quên của người nghèo)

Tác giả: William Easterly

“Sự chuyên quyền của các chuyên gia” được xuất bản vào tháng 3 năm 2014 bởi Nhà xuất bản Basic Books, Hoa Kỳ. 

Giới thiệu sách:

Nghèo đói là vấn đề lớn và đòi hỏi nhiều giải pháp từ các chuyên gia trên thế giới nhằm mục tiêu tạo ra các chính sách đúng đắn và hữu hiệu để giảm đói nghèo thông qua việc thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cải cách thị trường tài chính hay cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, các cách tiếp cận để giải quyết vấn đề nghèo đói hiện nay vẫn mang tính nhất thời, và đã bỏ qua những nguyên nhân sâu xa nhất trong đó có yếu tố về hệ thống chính trị. 

William Easterly, một nhà kinh tế học có nhiều tâm huyết và trăn trở với vấn đề đói nghèo và chênh lệch giàu nghèo trên thế giới đã đưa ra những ý tưởng rất độc đáo về khía cạnh này trong tác phẩm gần đây nhất mang tên “The Tyranny of Experts: Economists, Dictators, and the Forgotten Rights of the Poor (tạm dịch: Sự chuyên quyền của các chuyên gia: Các nhà kinh tế học, lãnh đạo độc tài, và các quyền bị lãng quên của người nghèo).

Trong cuốn sách thú vị này, Easterly đưa ra các lập luận phản đối cách tiếp cận truyền thống để tạo ra phát triển kinh tế là các hoạt động cứu trợ, hay trợ giúp quốc tế. Đồng thời ông cũng chỉ ra tác động “hại nhiều hơn lợi” của hoạt động cứu trợ theo hình thức cho một quốc gia nghèo đói được thực hiện bởi cộng đồng quốc tế. Bên cạnh đó, ông cũng bác bỏ tư tưởng cho rằng điều quan trọng và cần thiết cho các quốc gia nghèo đói là sự “tư vấn” và giúp đỡ từ bên ngoài. 

Bắt đầu vấn đề của cuốn sách, Easterly cho rằng kể từ năm 1949, khi Harry S. Truman tuyên bố về chương trình viện trợ nước ngoài đầu tiên, Hoa Kỳ và phương Tây đã mang một niềm tin rằng giải quyết vấn đề nghèo đói đơn thuần chỉ là một vấn đề mang tính kỹ thuật cũng như việc “tuân theo các giải pháp kỹ thuật như phân bón, thuốc kháng sinh, hoặc bổ sung dinh dưỡng” trong sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo tác giả thì vấn đề không hoàn toàn đơn giản như vậy. Easterly cho rằng viện trợ nước ngoài chỉ góp phần trao công việc phân phát tiền mặt và hỗ trợ cho một người cai trị chuyên chế có vai trò lớn. Điều này về lâu dài càng làm cho quốc gia nhận viện trợ lún sâu hơn trong nghèo đói. Tác giả dẫn chứng Kwame Nkrumah tại Ghana người mà Washington hỗ trợ và có ham muốn quyền lực cuối cùng dẫn đến một tội ác dã man với những người đồng hương của mình là một ví dụ điển hình.

"Sự chuyên quyền của các chuyên gia” trải dài theo khu vực địa lý, lịch sử và cả kiến thức học thuật. Một câu chuyện được Easterly dẫn chứng ví dụ về sự phẫn nộ của người dân nông thôn Ohio. Cụ thể vào năm 2010 ở Uganda, 20.000 nông dân bị chĩa súng để tước đoạt đất đai, nhà cửa, mùa màng thì bị đốt cháy để mở đường cho thương mại lâm nghiệp. Đây chính là hình ảnh đại diện cho sự tước quyền được cai trị bởi Yoweri Museveni - một nhà chuyên quyền trong câu chuyện này. 

Easterly giải thích rằng chính “sự nuông chiều” của phương Tây cho những kẻ chuyên quyền, độc đoán ở các nước kém phát triển khởi nguồn niềm tin sai lầm rằng nếu họ được trang bị những điều tốt nhất thì họ sẽ giúp quốc gia đó đạt được kết quả tốt nhất trong giải quyết nghèo đói, và phát triển kinh tế trong điều kiện khó khăn và hỗn loạn ở các quốc gia này.

Ông cho rằng các chuyên gia đã bỏ qua bằng chứng rằng lợi ích lớn nhất của một xã hội mang đến từ sự “tự nguyện”. Người dân nghèo ở các nước nghèo xứng đáng có được các quyền cá nhân như bất kỳ công dân của một xã hội phồn thịnh nào trên thế giới. Do đó, cần thức tỉnh quyền tự quyết và động lực cho chính người nghèo để họ thoát ra khỏi tình trạnh nghèo đói là điều quan trọng.

Theo tác giả, các xã hội kém phát triển dường như đã tước đoạt đi những quyền cá nhân quan trọng của chính người nghèo. Easterly cho rằng khái niệm của Adam Smith về bàn tay vô hình thể hiện dòng chảy tự nhiên của quá trình dân chủ, ý chí của nhân dân, sức mạnh để làm cho một chính phủ có trách nhiệm cho hành động của mình, quyền giải quyết khiếu nại chính là động lực rất tiềm năng để người nghèo được sống trong cộng đồng như ở các quốc gia giàu có. 

Easterly đổ lỗi cho nhiều sự thất bại của phát triển như là một phong trào bắt nguồn từ phương Tây. Ông cho rằng sự đau khổ ở châu Phi một phần là do những di sản của chủ nghĩa đế quốc và sự phân biệt chủng tộc. Easterly viết: "Phát triển các ý tưởng đã hình thành trước khi có cả sự tôn trọng tối thiểu nhất ở phương Tây cho quyền lợi của các cá nhân". Phân biệt chủng tộc phương Tây chỉ là một phần, nhưng ở châu Phi đó là trung tâm của khái niệm phát triển.

Cuốn sách này của Easterly nhằm lý giải nguyên nhân giàu có và nghèo đói giữa các quốc gia trên thế giới và cố gắng trả lời câu hỏi là tại sao có quốc gia giàu có và phát triển trong khi vẫn tồn tại song song các quốc gia nghèo đói và lạc hậu. Rõ ràng những lập luận của tác giả nhằm bác bỏ vai trò quan trọng của viện trợ quốc tế đối với việc giải quyết vấn đề nghèo đói ở các quốc gia đang phát triển rất đáng được quan tâm.

Giới thiệu tác giả: 

William Easterly là giáo sư kinh tế học tại Đại học New York và Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Đại học New York (NYU Development Research Institute).

Ông là tác giả của ba cuốn sách: “The Tyranny of Experts: Economists, Dictators, and the Forgotten Rights of the Poor” (tháng 3 năm 2014), “The White Man’s Burden: Why the West’s Efforts to Aid the Rest Have Done So Much Harm and So Little Good” (2006), và “The Elusive Quest for Growth: Economists’ Adventures and Misadventures in the Tropics” (2001).Ông đạt được Giải thưởng Tiến bộ Tri thức đối với Hợp tác Phát triển của tổ chức tài chính BBVA (Banco Bilbao Vizcaya Argentaria) năm 2009. 

Hơn thế nữa, ông cũng đã xuất bản hơn 60 nghiên cứu học thuật trên tạp chí chuyên ngành. Ông là người phê bình và nhận định cho các tạp chí lớn như New York Times, Wall Street Journal, Financial Times, và Washington Post. 

Với các đóng góp quan trọng của mình trong lý thuyết kinh tế học phát triển và chính sách công, William Easterly được xem là một trong số những nhà kinh tế học phát triển có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới hiện nay.

>> [Sách hay] Creating a Learning Society: Kiến tạo xã hội học tập

Phương Huỳnh

Phương Huỳnh

Cùng chuyên mục
XEM