[Sách hay] Mass Flourishing: Thịnh vượng đại chúng

27/12/2014 13:07 PM |

“Mass Flourishing” như là một câu chuyện được Edmund Phelps kể đầy lôi cuốn và sinh động về nền kinh tế tư bản đương đại, những bất cập và sự thách thức mà nó gặp phải, và ý tưởng cho việc đạt được sự thịnh vượng trong nền kinh tế đó.

Thông tin sách:

Tựa đề: Mass Flourishing: How Grassroots Innovation Created Jobs, Challenge, and Change  (Tạm dịch: Thịnh vượng đại chúng: Cách tân ra tạo việc làm, thách thức, và thay đổi như thế nào)

Tác giả: Edmund Phelps

Được xuất bản bởi Nhà xuất Bản Princeton (Princeton University Press) vào tháng 8 năm 2013.

Cuốn sách đạt danh hiệu Sách hay theo bình chọn của Thời báo Tài chính (Financial Times) năm 2013

Giới thiệu sách: 

Cuốn sách của kinh tế gia nổi tiếng từng đoạt giải Nobel năm 2006 Edmund Phelps lý giải nguyên nhân tạo nên sự thịnh vượng đại chúng, đó là sự giàu có và sung túc mà một xã hội tạo ra cho tất cả các thành viên của nó, bất kể họ là ai. Một xã hội thịnh vượng mà trong đó không có thành viên nào bị bỏ rơi và ai cũng được hưởng thành quả  của nền kinh tế là điều chúng ta luôn hướng đến.

Tuy nhiên vạch ra được một con đường đến sự thịnh vượng đó không phải là một nhiệm vụ đơn giản. “Mass Flourishing” như là một câu chuyện được Edmund Phelps kể đầy lôi cuốn và sinh động về nền kinh tế tư bản đương đại, những bất cập và sự thách thức mà nó gặp phải, và ý tưởng cho việc đạt được sự thịnh vượng trong nền kinh tế đó. 

Tác giả cho rằng thế kỷ 19 đã chứng kiến sự thành công kinh tế vượt bậc của xã hội loài người với tăng trưởng thu nhập lao động không giới hạn, công ăn việc làm được tạo ra, và thỏa mãn cao với công việc. Tuy nhiên những thành quả như vậy đang dần biến mất trong thế kỷ 20. Trong quyển sách này, Phelps cố gắng lý giải nguyên nhân thành công của nền kinh tế và cả sự thất bại của nó.

Để lý giải nguyên nhân thành công của nền kinh tế trong thế kỷ 19, Phelps cho rằng tăng trưởng thu nhập tạo ra phúc lợi cho con người dẫn đến sự thịnh vượng nhưng chính nó không phải là một hình thái của sự thịnh vượng. Sự thịnh vượng của một con người có nguồn gốc từ sự cách tân với những trải nghiệm và sự chia sẻ quý giá mang tinh lan toả các ý tưởng, và tư duy mới.

Cuốn sách thảo luận một cách sinh động về đổi mới văn hoá từ cả góc độ tư duy quản lý doanh nghiệp lẫn những giá trị văn hoá cốt lõi trong giai đoạn chuyển đổi. Tác giả đã nhìn nhận chủ nghĩa tư bản hiện đại dưới góc nhìn sâu sắc của một nhà nghiên cứu nhân văn khi ông cho rằng “những hậu quả không được báo có thể luôn song hành cùng với các ẩn số là một phần có giá trị cho sự trải ngiệm chứ không hẳn là một nhược điểm.”

Tương tự sự thịnh vượng ở tầm quốc gia, được gọi là thịnh vượng đại chúng, cần liên quan đến hầu hết cá nhân trong xã hội. Họ cần tham gia và đóng vai trò trong tiến trình cách tân, và sáng tạo từ hình thành ý tưởng, phát triển và lan tỏa. Từ đó, Phelps định hình nên chủ nghĩa năng động nhằm ám chỉ vai trò của việc sáng tạo không ngừng để tạo nên thịnh vượng mang tính rộng khắp. 

Tác giả cho rằng thách thức lớn của nền kinh tế hiện này là suy giảm khả năng sáng tạo. Các hoạt động mang tính sáng tạo và thỏa mãn trong công việc đang suy giảm nghiêm trọng ở Hoa Kỳ khi so sánh với giai đoạn trước thập niên 1970. Do vậy theo Phelps nền kinh tế đương đại đang đánh mất đi sự thịnh vượng thật sự. 

Theo tác giả các nền kinh tế hiện đại bây giờ muốn phát triển thì không phải chỉ dựa vào tài nguyên thiên mà còn những phát kiến tri thức nữa. Trong thế kỷ vừa qua, các chính phủ cố gắng tạo công ăn việc làm nhiều hơn nhằm tạo môi trường cho không gian sáng tạo, hoặc chí ít duy trì và phát triển sự sáng của nền kinh tế đối với nhóm có việc làm.

Tuy nhiên theo Phelps chính phủ các nước đã làm không hiểu quả nhiệm vụ quan trọng này do chỉ tập trung vào việc tác động đến phía “cung” và “cầu” trên thị trường mà quên đi những nền tảng về thể chế, cơ chế tạo nên ý tưởng, và sự sáng tạo cho nền kinh tế. 

Tác giả nhấn mạnh một xã hội tự do và đề cao các giá trị mang tính cá nhân để hình thành nên một môi trường cho sáng tạo và đổi mới. Đó được xem là các giá trị hiện đại của một nền kinh tế tạo nên thịnh vượng đại chúng. Phelps tranh luận rằng các giá trị cốt lõi của nền kinh tế hiện đại đang bị đe dọa là do sự tái hiện của các giá trị tập thể truyền thống trong đó các cá nhân bị hạ thấp bởi cộng đồng hay nhà nước.

Tác giả lập luận rằng sự thịnh vượng đại chúng là sự kết hợp từ phúc lợi vật chất mà con người có được và cả một cuộc sống hạnh phúc. Sự thịnh vượng này hoàn toàn dựa trên sự sáng tạo rộng khắp trong nền kinh tế. Rõ ràng, Phelps tiếp cận vấn đề về thịnh vượng không chỉ theo lý thuyết kinh tế học mà còn sự trên lập luận mang tính triết học sâu sắc. 

Giới thiệu tác giả: 

Edmund Phelps sinh ra vào năm 1933 tại Evanston, Ill., dành thời thơ ấu của ông ở Chicago, và từ sáu tuổi cho đến khi trưởng thành ông sống ở Hastings-on-Hudson, New York.  Ông đã lấy bằng cử nhân từ Amherst vào năm 1955 và bằng tiến sĩ từ Yale vào năm 1959. Ông hiện đang là giáo sư McVickar về Kinh tế chính trị tại Đại học Columbia, Giám đốc Trung tâm Columbia về Chủ nghĩa Tư bản và Xã hội.  Năm 2006 Ông đạt được giải thưởng Nobel về Kinh tế học.

Sự nghiệp của ông bắt đầu với một thời gian làm tại Tổng công ty RAND. Từ năm 1960, ông làm việc tại Yale và Cowles Foundation cho đến năm 1966, sau đó ông làm việc trên cương vị một giáo sư trong năm năm tại Penn. Năm 1970, ông chuyển đến New York và làm việc tại Columbia vào năm 1971.

Phelps nắm giữ nhiều vị tiến sĩ danh dự và giáo sư từ Université libre de Bruxelles (2010), Tsinghua University (2007) và Institut d'Etudes Politiques de Paris (2006) và một số nơi khác. Phelps là một thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học và là thành viên xuất sắc của Hiệp hội Kinh tế học Hoa Kỳ. Vào năm 2001, một hội nghị được tổ chức Festschrift để vinh danh ông. Năm 2008, ông được đặt tên là Chevalier de la Légion d'Honneur và trao giải Premio Pico della Mirandola và giải Global Economy Kiel. 

Cùng năm đó trường Luật UBA thành lập Catedra Phelps và Huân chương Phelps cho đổi mới. Năm 2010, ông được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng Trường Kinh doanh New Huadu tại Đại học Minjiang. Năm 2011, Giáo sư Phelps nhận giả thưởng Lãnh đạo sáng tạo Louise Blouin và được bầu làm  thành viên chính thức của Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Vào năm 2012 ông được bầu làm một Chủ tịch danh dự của Hiệp hội Triết học đại học tại Trinity College và đã được tặng thưởng Huân chương Mendeleev cho Thành tựu trong khoa học.

>> [Sách hay] Flash Boys - A Wall Street Revolt: Cuộc nổi dậy ở Phố Wall

Phương Huỳnh

Phương Huỳnh

Cùng chuyên mục
XEM