[Sách hay] Kỷ nguyên Park Chung Hee: Chuyển hoá Nam Hàn

06/12/2014 09:48 AM |

“Những năm tháng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Park Chung Hee đã mang lại một sự chuyển hoá mạnh mẽ cho Nam Hàn. Từ một Nam Hàn sa lầy trong đói nghèo, lạc hậu vào những năm 1961. Đến năm 1979, Nam Hàn đã có một nền kinh tế công nghiệp mạnh mẽ.”

Thông tin sách: 

Tên sách: The Park Chung Hee Era: The Transformation of South Korea. Tạm dịch: Kỷ nguyên Park Chung Hee: Chuyển hoá Nam Hàn. 

Chủ biên: Byung-Kook Kim, Ezra F. Vogel.

Xuất bản tháng 4/2011, Nhà xuất bản Đại học Harvard (Harvard University Press).

Giới thiệu sách: 

Park Chung Hee là một nhà hoạt động chính trị người Hàn Quốc, từng là Thiếu tướng và Thủ lĩnh Đảng Dân chủ Cộng hòa. Ông nắm quyền trong một cuộc đảo chính vào năm 1961 và trở thành vị Tổng thống thứ ba của Đại Hàn Dân Quốc từ ngày 17/12/1963. Tổng thống Park Chung Hee tại nhiệm trong bốn nhiệm kỳ cho đến khi ông bị ám sát bởi chính giám đốc tình báo của mình vào tháng 10/1979. Ông là người thành lập nền Cộng hòa thứ ba trong lịch sử Hàn Quốc. 

Con gái lớn của ông, bà Park Geun Hye là Tổng thống Hàn Quốc kể từ ngày 25/2/2013 đến nay và là nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hàn Quốc.

Mười tám năm nhiệm kỳ của Tổng thống Park Chung Hee đã mang lại một sự chuyển hoá mạnh mẽ cho Nam Hàn. Từ một Nam Hàn sa lầy trong đói nghèo, lạc hậu vào những năm 1961. Đến năm 1979, Nam Hàn đã có một nền kinh tế công nghiệp mạnh mẽ. 

“Kỷ nguyên Park Chung Hee: Chuyển hoá Nam Hàn” là cuốn sách đầu tiên vẽ lên một bức tranh toàn cảnh chi tiết của nền kinh tế chính trị đằng sau sự chuyển hoá của Hàn Quốc trong kỷ nguyên Park Chung Hee. 

Bao gồm 5 phần, trong đó Phần 1 có tên “Sinh ra trong khủng hoảng” (Born in Crisis)  nói về cuộc đảo chính và chính quyền quân sự của Park Chung Hee. Phần 2 có tên “Chính trị” (Politics) tập trung vào những ý tưởng của Park Chung Hee và nền tảng chính trị của ông. 

Phần 3 của cuốn sách có tên "Kinh tế và Xã hội" (Economy and Society) phân tích sự phát triển về kinh tế, xã hội nông thôn, và các Chaeya (Trí thức chống đối - dissident intelligentsia). Phần 4, "Quan hệ quốc tế" (International Relations) thảo luận về quan hệ Mỹ-Hàn trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh Việt Nam với “vụ tai tiếng Koreagate”, chương trình hạt nhân, và Bình thường hoá quan hệ Hàn-Nhật (Korea-Japan Normalization).

Cuối cùng, phần 5 có tên “So sánh toàn cảnh" (Comparative Perspective) tập trung vào việc so sánh Park Chung Hee và thành quả của ông với ba nhà lãnh đạo khác Kemal Ataturk ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) ở Singapore, và Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, 4 chương kết luận trong phần cuối cùng của cuốn sách cũng tập trung phân tích Hàn Quốc trong một góc nhìn so sánh rộng với các khu vực xung quanh như Philippines, Argentina, Brazil, Chile, Mexico, Nhật Bản, Đài Loan trong cùng giai đoạn.

“Kỷ nguyên Park Chung Hee: Chuyển hoá Nam Hàn” đã làm sáng tỏ cách Hàn Quốc trở thành một cường quốc kinh tế mạnh mẽ với một nền dân chủ sôi động dưới chế độ độc tài kéo dài trong 18 năm của kỷ nguyên Park Chung Hee. 

Giới thiệu tác giả:

Byung-Kook Kim là thành viên hội đồng nghiên cứu của Diễn đàn nghiên cứu về Dân chủ quốc tế (International Forum for Democratic Studies).

Ông tốt nghiệp Đại học Harvard với bằng cử nhân kinh tế và “Phi Beta Kappa” năm 1982, cũng chính tại nơi này ông đã hoàn thành bằng Tiến sĩ về khoa học chính trị năm 1988.

Ông từng làm việc trong Ban Biên tập Hankukilbo (1994-1995), Ủy ban của Tổng thống về hoạch định chính sách (1994-1998), và giảng dạy tại John F. Kennedy School of Government và Đại học Harvard vào năm 2003. Tiến sĩ Byung-Kook Kim từng ở vị trí chỉ đạo các Viện Á Đông từ năm 2002 đến năm 2008, trước khi trở thành Thư ký Cấp cao Ngoại giao và An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung Bak vào năm 2008. Giáo sư Kim từng là một thành viên của Ban Chấp hành , Hiệp hội Khoa học Chính trị Quốc tế (2006-2009).

Ông giảng dạy chính trị đảng phái (party politics), phương pháp luận và lý thuyết chính trị so sánh tại Đại học Hàn Quốc. Giáo sư Byung-Kook Kim từng giữ chức Chủ tịch Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (Korea Foundation) từ năm 2010 đến năm 2012 và là Viện trưởng Học viện Ngoại giao Quốc gia Hàn Quốc năm 2012 đến năm 2013. 

Ezra Vogel Feivel sinh ra trong một gia đình Do Thái vào năm 1930 tại Delaware, Ohio. Ông tốt nghiệp Đại học Ohio Wesleyan vào năm 1950 và nhận bằng Tiến sĩ về Quan hệ xã hội vào năm 1958 tại Đại học Harvard. Ông là một giáo sư khoa học xã hội và là giáo sư danh dự tại Đại học Harvard. Ông viết về Nhật Bản, Trung Quốc và châu Á nói chung. 

>> [Sách hay] Hậu duệ thịnh vượng - Dòng họ và Lịch sử tiến triển xã hội

Phương Huỳnh

Phương Huỳnh

Cùng chuyên mục
XEM