[Sách hay] Cùng con vượt qua hàng rào giao tiếp: Cẩm nang dành cho các bậc phụ huynh dắt tay các em bé tự kỷ bước qua cánh cửa hẹp để ra ngoài xã hội

16/03/2019 09:40 AM | Kinh doanh

Khi em bé cất tiếng khóc chào đời bắt đầu bước vào một môi trường giao tiếp và sử dụng một loại ngôn ngữ đặc thù để xây dựng mối quan hệ gắn bó với những người thân, nhất là với người mẹ. Em bé sẽ không phát triển tốt nếu không thiết lập được sự gắn

Thông tin sách:

- Tên sách: Cùng con vượt qua hàng rào giao tiếp

- Tác giả: Chuyên gia tâm lý Lê Khanh

- NXB Thế Giới

- Phát hành: Skykids

Giới thiệu nội dung:

Nhiều bậc phụ huynh khi con mình bị "chẩn đoán" là tự kỷ thì thường có cảm giác như nhận 1 bản án chung thân và hoàn toàn mất phương hướng về việc can thiệp cho con mình. Với thời gian trong ngày có hạn, cùng với những "kiến thức – kỹ năng" hạn chế, các bậc cha mẹ cho rằng mình không thể làm gì cho con và ra sức tìm một chuyên gia giàu kinh nghiệm, không tiếc tiền của để cho con "điều trị" nhưng lại không hiểu rằng, điều đứa trẻ cần nhất chính là khả năng giao tiếp, và cha mẹ chính là người thầy tốt nhất của con mình.

Với 25 năm làm việc cùng trẻ em có khuyết tật rối loạn phát triển của tác giả, cuốn sách "Cùng con vượt qua hàng rào giao tiếp" sẽ giúp cha mẹ vượt qua rào cản tâm lý chăm sóc trẻ đặc biệt, hướng dẫn can thiệp và tham vấn các hoạt động giáo dục tại gia đình, để qua đó giúp cho trẻ có được niềm vui của một người tự kỷ trong cuộc sống đời thường, đây mới chính là điều quan trọng nhất để có thể mở được cánh cửa vào đời cho con.

Lời tác giả:

Quá trình sinh nở không phải là một con đường bằng phẳng, nếu có những đứa trẻ mạnh khỏe, thông minh hay trí tuệ bình thường… thì cũng không thiếu trẻ đã mang theo trong mình những rối loạn phát triển về thần kinh và tâm lý ngay từ thuở sơ sinh cho đến lúc trưởng thành.

Bên cạnh đó, những tác động đến từ việc bố mẹ không có nhiều thời gian dành cho con hay sự thiếu hiểu biết trong quá trình chăm sóc như không ôm ấp, vuốt ve, trò chuyện với trẻ khi cho bú. Hay vì bận rộn, muốn cho trẻ ăn nhanh, muốn trẻ không làm phiền mình những người chăm sóc đã cho trẻ xem ti vi, chơi iPad, bấm điện thoại thường xuyên… Hoặc mẹ không có thời gian gần gũi con, giao con cho người giúp việc, cho ông bà chăm cháu, chỉ biết cho ăn, dỗ ngủ mà không biết trò chuyện tương tác với trẻ. Và theo đó cánh cửa giao tiếp lẽ ra phải được mở rộng để cho trẻ vững bước vào đời, thì giờ đây, lại vô tình khép lại. Điều này kết hợp cùng với những khó khăn về giác quan, vận động ngôn ngữ… mà bố mẹ cũng vô tình bỏ qua, khiến cho khả năng tương tác của trẻ ngày càng hạn chế, ngôn ngữ không phát triển thêm, thậm chí có thể thoái lùi hoặc trở nên rối loạn.

Em bé khi sinh ra, có hai loại tuổi, thứ nhất là tuổi sinh lý tính từ ngày sinh, nếu theo Tử Vi còn phải tính cả giờ sinh; loại tuổi thứ hai là tuổi tâm lý.

Ở một đứa trẻ bình thường, có sức khoẻ và ổn định về tâm thần, thì hai loại tuổi này bằng nhau và cùng phát triển. Nếu như tuổi tâm lý hay còn gọi là tuổi trí tuệ phát triển nhanh hơn tuổi sinh lý hay thể chất, ta sẽ có một đứa bé khôn trước tuổi, phát triển các năng lực về trí tuệ cao hơn và nhanh hơn các trẻ cùng trang lứa.

Trong trường hợp ngược lại, khi trẻ gặp phải những nguy cơ ngay từ khi còn trong bụng mẹ, khiến cho trẻ khi sinh ra, có thể bình thường, khỏe mạnh về cơ thể nhưng về mặt trí tuệ thì lại chậm phát triển hơn so với tốc độ phát triển của cơ bắp. Ta sẽ có một đứa trẻ chậm phát triển trí tuệ hay chậm khôn.

Cũng có những trẻ đặc biệt khác, trí tuệ không chậm phát triển, nhưng lại phát triển không đồng đều. Trẻ có thể có một trí nhớ tốt, chỉ nhìn một sự vật hay một khung cảnh, một con người là có thể nhớ như in. Hoặc trẻ có những tài năng khác người như có thể làm tính nhẩm rất nhanh, nhớ thuộc lòng không sai một dấu chấm cả một cuốn sách, rất giỏi về sự lắp ráp các mảnh ghép hay đồ chơi lego… hoặc có khi nói rất đúng tiếng nước ngoài, nhưng tiếng mẹ đẻ lại khó nói ra.

Nhưng dù giỏi về mặt này hay mặt khác thì hầu như các bé này đều có một đặc điểm chung, là rất khó khăn trong việc giao tiếp với người khác. Từ việc giao tiếp bằng lời nói, cho những ứng xử phù hợp với bối cảnh bên ngoài, đều có những cử chỉ hành vi rất kỳ lạ, kém thích nghi. Không những thế, trẻ còn hay bùng nổ và khó kiểm chế cảm xúc… khiến cho nhiều người tưởng đây là trẻ ở "cõi trên" hay một đứa trẻ "vô giáo dục"!

Với mong muốn giúp các bậc phụ huynh và trẻ vượt qua khung của hẹp của những khó khăn trong giao tiếp, nhất là với các gia đình ở những vùng chưa có nhiều hoạt động giáo dục, can thiệp hay các tài liệu cần thiết với những kiến thức cơ bản nhất, chúng tôi cho ra đời cuốn sách nhỏ này với những thông tin được đúc kết từ một số bài viết đã được giới thiệu trên Facebook và trang web tamlytreem.com.

Đây là những kiến thức và kinh nghiệm trong hơn 20 năm làm việc với trẻ đặc biệt, với ước mong được góp một phần nhỏ vào hoạt động giúp cho cha mẹ và những người chăm sóc các trẻ nhút nhát, thụ động, chậm nói và nhất là những em có tình trạng rối loạn phát triển, hạn chế ngôn ngữ và giao tiếp sẽ cải thiện được tình trạng của mình.

Giúp cho các bậc phụ huynh và các giáo viên có thêm một cái nhìn đầy đủ hơn và những kinh nghiệm thực tế về tình trạng này, để có thể thêm những kỹ năng và biện pháp giúp trẻ vượt qua cánh cửa hẹp của hàng rào giao tiếp, để có thể hội nhập vào thế giới mở rộng bên ngoài.

Chuyên gia Tâm lý Lê Khanh - Giám đốc Công ty Giáo dục KidsTime

Tú Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM