Sabeco – Khi thương hiệu Việt trong tay ông chủ ngoại

08/01/2019 13:38 PM | Kinh doanh

Sau "một đêm" tái cơ cấu Vietnam Beverage trở thành công ty nước ngoài, ThaiBev chính thức sở hữu trực tiếp hơn 53% vốn của Sabeco, Sabeco có thể hiểu nôm na là công ty nước ngoài và phía ngược lại tổng nợ quốc gia giảm gần 5 tỷ USD, chuyển sang cho ThaiBev.

Những ngày cuối năm 2018, một loạt lùm xùm liên quan đến vấn đề nợ thuế lại xảy ra tại Sabeco sau thời gian dài lặng sóng. Trong đó, Cục thuế Tp.HCM đã bất ngờ có quyết định cưỡng chế thuế và tiền phạt thuế lên tới 3.140 tỷ đồng đối với Sabeco bằng hình thức trích tiền từ tài khoản. Một số nguồn tin ghi nhận, Cục thuế Tp.HCM đã không thể cưỡng chế vì tài khoản của Sabeco không còn tiền, Sabeco cũng đã có công văn gửi lên Cục thuế Tp.HCM, đăng tải thông tin lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), HoSE bày tỏ sự không đồng ý với quyết định này. Ngày 3/1/2019, Sabeco chính thức thông tin được Thủ tướng chỉ đạo dừng cưỡng chế truy thu thuế.

Vietnam Beverage và BeerCo đã ký thỏa thuận chuyển đổi toàn bộ số tiền cho vay và trả lãi 111.209 tỷ đồng (tương đương gần 5 tỷ USD, chuyển đổi theo tỉ giá 22.730 đồng/USD) vào tăng vốn điều lệ cho Vietnam Beverage lên 111.890 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc BeerCo thực hiện mua lại khoản nợ của VietNam Beverage, qua đó đạt tỷ lệ sở hữu 99,39%.

Ngay sau đó, ThaiBev liền tiến hành tái cơ cấu khoản vay của BeerCo (công ty con 100% thuộc sở hữu của ThaiBev) cho Công ty TNHH Vietnam Beverage nhằm mua cổ phần Sabeco hồi tháng 12/2017. Đây là động thái tiếp nối động thái ngày 3/12/2018 – Sabeco được chấp thuận nới tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100%. Được biết, việc chuyển đổi khoản vay nói trên sẽ giúp giảm tổng nợ quốc gia của Việt Nam gần 5 tỷ USD, Vietnam Beverage "sau một đêm" trở thành công ty ngoại lớn nhất cả nước. Hệ quả tiếp theo, Sabeco cũng chính thức trở thành công ty nước ngoài, ý kiến dư luận cho hay.

Thực tế, khái niệm "công ty nước ngoài" vẫn chỉ dừng lại ở suy luận, và điều này khiến chúng ta nghĩ về thương hiệu bia Việt. Nhớ lại, từng gây nhiều tranh cãi liệu thương hiệu bia Việt Nam có bị mất đi tại thời điểm ThaiBev chi 5 tỷ USD mua lại hơn 53% vốn Sabeco, phía người trong cuộc khẳng định điều này không đáng lo ngại bởi Sabeco đã có thâm niên 140 năm trên thị trường. Ngược lại việc thoái vốn khỏi Sabeco sẽ mang lại một nguồn thu lớn cho ngân sách, đồng thời cũng là tiền đề thuận lợi hóa các thương vụ thoái vốn Nhà nước tiếp theo.

ThaiBev chính thức sở hữu Sabeco, tổng nợ quốc gia giảm gần 5 tỷ USD

Như vậy, việc bán ra vốn Nhà nước tại Sabeco trước hết mang lại hàng trăm ngàn tỷ cho ngân sách, và điều này nằm trong chủ trương triển khai chính sách thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước. Thực tế, thời điểm Sabeco thoái vốn ngay lúc thị trường chứng khoán đang ở giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ, và mức giá được giới đầu tư chi trả cho cổ phiếu Sabeco lên đến 320.000 đồng, cao gấp 3 lần mức giá khi Công ty lên sàn trước đó 1 năm, đây được xem là một trong những thương vụ thoái vốn Nhà nước thành công trên thị trường.

Về phía ThaiBev, thời điểm cuối năm 2017 tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Sabeco bị giới hạn ở mức 49%, nên Tập đoàn này đã phải thông qua việc góp gần 49% vốn vào Đầu tư F&B Alliance Việt Nam, thành lập công ty Vietnam Beverage và tham gia đấu giá cổ phần Sabeco. Chưa kể, sau đấu giá cổ phiếu SAB liên tục giảm điểm, có lúc xuống dưới 200.000 đồng khiến việc giải ngân khoản nợ vay khó khăn bởi ràng buộc về điều kiện vay tương ứng với giá cổ phiếu.

 Sabeco – Khi thương hiệu Việt trong tay ông chủ ngoại  - Ảnh 1.

Giao dịch cổ phiếu SAB 1 năm qua.

Song song, ThaiBev đã phải vay ngân hàng gần 5 tỷ USD để mua vốn Sabeco và phải thanh toán trong vòng 24 tháng. Kết quả là, tổng kết năm 2017, dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả tăng đột biến 73% lên mức 21,9 tỷ USD; chủ yếu là khoản vay nước ngoài ngắn hạn của Vietnam Beverage với khoảng 5 tỷ USD, chiếm khoảng 1/4 tổng số nợ.

Như vậy sau tái cơ cấu Vietnam Beverage trở thành công ty nước ngoài, ThaiBev chính thức sở hữu trực tiếp hơn 53% vốn của Sabeco, Sabeco có thể hiểu nôm na là công ty nước ngoài và phía ngược lại tổng nợ quốc gia giảm gần 5 tỷ USD, chuyển sang cho ThaiBev.

Còn lắm sóng gió

Trở lại với thương hiệu bia Việt, bên cạnh nhiều quan ngại khi những tên tuổi lớn quốc gia rơi vào tay nước ngoài, vẫn còn đó sự lạc quan tình hình kinh doanh của Sabeco sẽ khởi sắc. Với thế mạnh về vốn, marketing… ThaiBev được kỳ vọng sẽ hỗ trợ làm tăng biên lợi nhuận hiện tại của Sabeco, đồng thời lấy lại thị phần tại Tp.HCM cũng như đưa thương hiệu bia Việt ra tầm thế giới.

Tuy nhiên, từ ngày về tay chủ ngoại, tình hình kinh doanh vẫn chưa thấy khởi sắc trong bối cảnh chịu nhiều "sóng gió" liên quan đến vấn đề thuế. Kết thúc quý 3/2018, giá vốn tăng mạnh khiến lợi nhuận trước thuế Sabeco giảm gần 10% xuống còn 1.276 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ giảm từ 1.098 tỷ xuống 975 tỷ đồng, đây là quý đầu tiên lãi ròng của Sabeco giảm xuống dưới mức 1.000 tỷ kể từ đầu năm 2017. Lũy kế 9 tháng năm 2018, Sabeco ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm hơn 6% về 3.482 tỷ đồng.

 Sabeco – Khi thương hiệu Việt trong tay ông chủ ngoại  - Ảnh 2.

Quý 3/2018 là quý đầu tiên lãi ròng của Sabeco giảm xuống dưới mức 1.000 tỷ kể từ đầu năm 2017.

Thực tế, việc giá vốn tăng cao "ngốn" sạch nỗ lực doanh thu là câu chuyện chung của toàn ngành bia, khi mà giá thóc đại mạch trung bình 9 tháng năm 2018 là 127USD/tấn (tăng 30%), giá gạo trung bình 9 tháng năm 2018 đạt 424 USD/tấn (tăng 6%). Mặt khác, thuế tiêu thụ đặc biệt tăng từ 60% lên 65% trong năm 2018, gánh nặng thuế này không được chuyển hết cho người dùng cuối cùng cũng là nguyên nhân góp phần làm giảm tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp bia. Dự báo cho năm 2019, tỷ suất lợi nhuận ngành tiếp tục giảm do giá nguyên liệu tăng, trong đó một số nguyên liệu cho quá trình sản xuất bia tại Việt Nam có xu hướng tăng giá trong 2019 là malt và gạo.

Riêng Sabeco, hiệu suất kinh doanh giảm sút còn xuất phát từ tình hình cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đi cùng thị hiếu người tiêu dùng chuyển hướng từ tiêu thụ các sản phẩm bia bình dân sang bia có chất lượng cao khiến thị phần dần rơi vào tay các hãng cao cấp khác như Heineken...

Như vậy, kỳ vọng tăng trưởng doanh số cũng như hiệu suất kinh doanh tại Sabeco của Thaibev cần nhiều thời gian để thực hiện. Thời gian qua, ThaiBev cũng đã tăng cường quảng bá thương hiệu bia Sài Gòn ở nước ngoài, điển hình là việc quảng bá thương hiệu tại giải ngoại hạng Anh, trong nước cũng chi đậm để quảng bá hình ảnh tại sự kiện AFF Cup. Thực tế với ngành bia, yếu tố quyết định thành công không nằm ở công nghệ (vì các hãng tương đồng nhau), mà phần lớn phụ thuộc vào chiến lược Marketing, tạo ấn tượng trong lòng khách tiêu dùng. Cùng với việc cho ra đời dòng bia cao cấp, HĐQT mới Sabeco mục tiêu phát triển tập trung tại khu vực Tp.HCM, phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2018.

Ngược lại, phái ThaiBev cũng kỳ vọng Sabeco là nước cờ nhằm mở rộng kinh doanh nước ngoài lên đạt mức 50% doanh thu vào năm 2020. Tính đến hiện tại, con số này đâu đó đạt 40% và tương lai trông chờ vào thị phần Việt Nam, cùng với Campuchia, Lào và Myanmar. Được biết, thông qua việc mua lại Sabeco, thị phần bia của ThaiBev chiếm 24% trong khu vực Asean với mức tiêu thụ khoảng 11 tỷ lít/năm.

Theo Tri Túc

Cùng chuyên mục
XEM