Rủi ro tiềm ẩn khi xuất khẩu gỗ sang Mỹ, EU và Úc

24/05/2016 08:33 AM | Kinh tế vĩ mô

TS Tô Xuân Phúc – chuyên gia nghiên cứu cho biết các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đang tiêu thụ tại trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2015, ngành chế biến gỗ xuất khẩu chiếm vị trí thứ 6 về kim ngạch trong số các nhóm hàng xuất khẩu của quốc gia.

Tuy nhiên, theo một số thông tin, nguồn gỗ nhập khẩu từ Campuchia và Lào được khai thác từ một số dự án liên quan đến vấn đề như tham nhũng, các khoản thuế, phí và lệ phí khiến cho tính pháp lý của gỗ căm xe nhập khẩu vào Việt Nam gây nhiều tranh cãi.

Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất đối với các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam. Năm 2015 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường này đạt 2,64 tỉ USD, cao nhất trong tất cả các thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tại Mỹ tiếp tục mở rộng.

Theo TS Tô Xuân Phúc, vấn đề tính hợp pháp về nguồn gỗ nguyên liệu được sử dụng trong một số sản phẩm xuất khẩu. Cụ thể, theo nguồn Hải quan, trong năm 2015, Việt Nam xuất khẩu 1800 m3 gỗ tròn là gỗ căm xe, trị giá khoảng 1,2 triệu USD vào Mỹ. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng căm xe là gỗ nhập khẩu từ Campuchia và Lào và được khai thác từ những diện tích rừng chuyển đổi (sang cây công nghiệp) hoặc từ các dự án cơ sở hạ tầng như thủy điện, làm đường.

Quá trình xin phép và thực hiện dự án này liên quan đến một số vấn đề như tham nhũng, các khoản thuế, phí và lệ phí. Điều này khiến cho tính pháp lý của gỗ căm xe nhập khẩu vào Việt Nam gây nhiều tranh cãi.

Rủi ro về tính hợp pháp của gỗ cũng tồn tại đối với một số sản phẩm thuộc nhóm mã HS 4415 (hòm, thùng, giá kê bằng gỗ), HS 4416 (thùng bằng gỗ), HS 4418 (đồ mộc dùng trong xây dựng, panel gỗ, ván sàn), 4418 (bộ đồ ăn, đồ bếp) và HS 4420 (đồ tượng, khảm, đồ gỗ trang trí).

Cụ thể, trong nhóm 4415 và một số sản phẩm thuộc nhóm 4418 có sản phẩm làm bằng gỗ cao su và gỗ dái ngựa. Gỗ cao su chủ yếu được khai thác từ các khu rừng cao su thanh lý trong nước. Hiện tình trạng pháp lý của nguồn gỗ này vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt đối với các diện tích trước kia là các diện tích rừng tự nhiên. Gỗ dái ngựa là gỗ tự nhiên, được nhập khẩu từ Philippines và Indonesia, với thông tin về tình trạng pháp lý chưa rõ ràng.

“Một số sản phẩm thuộc nhóm HS 4420 được làm từ gỗ căm xe, gỗ dầu và gỗ chiêu liêu. Đây đều là các loại gỗ được nhập khẩu từ Campuchia và Lào, thường có tình trạng pháp lý không rõ ràng. Nguy cơ về vi phạm Đạo luật Lacey (Mỹ) của các doanh nghiệp đang sử dụng các loại gỗ này trong các sản phẩm xuất khẩu đi Mỹ là rất lớn”, ông Phúc nhấn mạnh.

Tương tự, EU cũng là thị trường xuất khẩu quan trọng thứ 4 của Việt Nam. Nếu chỉ tính riêng các mặt hàng về gỗ thì EU là thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam. Úc là thị trường nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ lớn thứ 6 của Việt Nam và là thị trường tiềm năng khi TPP được kí kết.

Trong bối cảnh hội nhập, thiếu thông tin về các yêu cầu của thị trường xuất khẩu là một trong những rủi ro lớn của doanh nghiệp chế biến gỗ tại Việt Nam. Theo kết quả khả sát 39 doanh nghiệp thì ½ số doanh nghiệp hiện tại xuất khẩu gỗ sang Mỹ không nắm được các quy định liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm của mình tại thị trường này.

Nói về vấn đề này, TS Tô Xuân Phúc cho biết đa số các DN chế biến tại Việt Nam chủ yếu làm việc thông qua người mua hàng đại diện chứ không tiếp cận trực tiếp đến các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này khiến các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam thụ động khi tham gia thị trường.

Theo H.M

Cùng chuyên mục
XEM