Rủi ro nhờ người đứng tên mua nhà

01/09/2019 19:46 PM | Bất động sản

Nhờ người thân, bạn bè đứng tên mua nhà hộ rất có thể dẫn đến những tranh chấp không đáng có về sau nếu không có hợp đồng, thỏa thuận chặt chẽ trước đó.

Chị Thảo (TP.HCM) muốn mua một căn chung cư tại quận 2 nên đã tham khảo ý kiến của người thân, bạn bè. Khi được một người bạn thân kể rằng có em gái tên Nhung có nhiều kinh nghiệm mua bán nhà đất và có thể mua với giá ưu đãi nên chị Thảo đã nhanh chóng liên lạc để nhờ giúp đỡ.

Nhung khoe với chị Thảo có chơi thân với một sếp lớn là chủ đầu tư một dự án ở quận 2 nên sẽ mua được căn hộ với giá rẻ hơn giá thị trường. Vì tin tưởng nên chị Thảo đưa trước 70 triệu tiền cọc cho Nhung và nhờ Nhung thay mặt để giao dịch.

Sau khi cầm phiếu thu và hợp đồng, chị Thảo tiếp tục đưa hơn 1 tỷ đồng cho chị Nhung. Tất cả những lần 2 người gặp nhau đều là trước trụ sở công ty của chủ đầu tư dự án.

Mãi không thấy thông báo giao nhà như thỏa thuận mà Nhung lại yêu cầu đưa thêm tiền, chị Thảo vì nghi ngờ nên đã tự đi xác minh thì phát hiện toàn bộ chứng từ mà chị nhận từ Nhung đều là giả mạo. Không chỉ bị lừa mất hơn 1 tỷ đồng, chị Thảo còn mất nhiều thời gian và tiền bạc để khởi kiện.

Tương tự, anh Hòa ở Hà Nội cũng vướng nhiều rắc rối khi nhờ một người bạn làm việc tại công ty bất động sản đứng tên mua nhà giúp để được hưởng những ưu đãi dành riêng cho nhân viên của công ty. Theo đó, người bạn này sẽ đứng tên trên hợp đồng mua bán nhà và sau 1 năm sẽ chuyển nhượng lại căn hộ cho anh Hòa.

Không chỉ nhờ bạn bè, rất nhiều trường hợp tin tưởng nhờ chính người thân trong gia đình mua nhà đất hộ nên đã rơi vào cảnh vừa mất tình thân, vừa mất tiền.

Khi nhờ người khác đứng tên mua hộ bất động sản, người chủ thực sự chỉ có thể định đoạt tài sản của mình thông qua người đứng tên nên có rất nhiều rủi ro, phổ biến nhất là bị chiếm đoạt tài sản.

Trong trường hợp người đứng tên trên sổ đỏ chết, bất động sản đó theo quy định sẽ là di sản của người đã chết và sẽ được chia thừa kế. Rắc rối hơn là những người nhận thừa kế lại không thừa nhận có việc nhờ đứng tên trước đó.

Hay trong trường hợp người đứng tên ly hôn và người vợ hoặc chồng của người này yêu cầu phân chia tài sản chung do tài sản này phát sinh trong thời kỳ hôn nhân thì việc chuyển trả lại tài sản cho chủ sở hữu thực sự sẽ rất phức tạp, phải trải qua nhiều thủ tục hành chính, tốn nhiều thời gian và tiền bạc để giải quyết tranh chấp.

Một rủi ro khác là người được nhờ đứng tên có một nghĩa vụ tài sản với một người thứ ba và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã quyết định tài sản đó bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ… Khi đó, người chủ thực sự có thể mất hoàn toàn quyền lợi đáng lẽ được hưởng với tư cách là chủ sở hữu của bất động sản.

Do vậy, nếu nhờ người khác đứng tên mua nhà, chủ tài sản cần lập thành văn bản có người làm chứng, giữ giấy tờ đăng ký sở hữu tài sản sau khi giao dịch chuyển nhượng hoàn tất.

Để tránh rủi ro sau này, chủ thực sự và người đứng tên cần làm hợp đồng đặt cọc, đồng thời cam kết sẽ bán lại nhà cho chủ thực sự vào thời điểm nào, giá thỏa thuận giữa hai bên ra sao. Bên cạnh đó, trong thời gian chưa chuyển nhượng, chủ thực sự nếu muốn sinh hoạt trong ngôi nhà này thì cần yêu cầu người đứng tên làm hợp đồng ủy quyền việc quản lý, sử dụng ngôi nhà.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, hai bên cần tới văn phòng công chứng để công chứng hợp đồng mua bán nhà ở, sau đó làm thủ tục sang tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.

Dưới góc độ pháp lý, việc nhờ người khác đứng tên trên Giấy chứng nhận là trái với quy định của pháp luật.

Bởi Khoản 16 điều 3 Luật đất đai năm 2013 quy định: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất".

Theo Phùng Dung

Cùng chuyên mục
XEM