Rủi ro “chiến tranh thương mại” đang đẩy châu Âu về phía Trung Quốc?

11/04/2018 20:20 PM | Xã hội

Trong khi EU và Mỹ đương nhiên là đối tác trong việc viết lại luật chơi thương mại với Trung Quốc, chiến lược của Tổng thống Trump khiến nước Mỹ tự đánh mất đi một đồng minh quan trọng.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang tạo ra thế “tiến thoái lưỡng nan” cho Liên minh châu Âu (EU). Liệu khối thương mại lớn nhất thế giới nên chọn đứng về bên nào? Và nếu có việc đó, nên hợp tác với nước nào?

Trên lý thuyết, Mỹ đương nhiên là đồng minh của châu Âu: Hai bên đã hợp tác chặt chẽ suốt từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, họ xây dựng nên nhiều tổ chức đa phương giờ đây đang đối diện với nhiều rủi ro.

Tuy nhiên, cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với ngoại giao thương mại hiện đang đẩy EU về phía Trung Quốc. EU quan tâm đến việc các khung chính sách thương mại đa phương trong đó có WTO tiếp tục tồn tại. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có Bắc Kinh chia sẻ với EU quan điểm này, còn Washington đang ở phía đối lập.

Xét trên nhiều phương diện, Mỹ và EU đang ở cùng một “chiến tuyến” về các vấn đề Trung Quốc. Cả hai đều nhập khẩu ròng từ Trung Quốc: Thâm hụt thương mại với Trung Quốc lần lượt là 351 tỷ USD và 178 tỷ USD, theo thống kê từ Bloomberg.

Tất nhiên, ở mức độ nào đó, chênh lệch thương mại phản ánh cho trình độ phát triển của những nước này: Rất nhiều hoạt động sản xuất bị chuyển sang Trung Quốc để hưởng lợi từ mức nhân công lao động thấp hơn, cùng lúc đó tiêu dùng nội địa mới chỉ bắt đầu tăng trong thời gian gần đây.

Kể cả tính đến yếu tố trình độ phát triển khác nhau, chính phủ nhiều nước phương Tây cũng đã không ít lần phàn nàn rằng chính phủ Trung Quốc đang hỗ trợ một cách thiếu công bằng cho nhiều doanh nghiệp nội địa.

Ví như việc các tập đoàn lớn được hưởng các khoản vay có trợ cấp từ ngân hàng nhà nước Trung Quốc, nhờ vậy, họ có lợi thế cạnh tranh thiếu công bằng, hoặc chính phủ Trung Quốc cố gắng để giữ một số doanh nghiệp tồn tại giả tạo.

Trong ngành thép, ngành chịu nhiều chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cả Mỹ và EU đều tin rằng Trung Quốc cần giảm công suất thừa hơn nữa.

Cả Washington và Brussels đều chia sẻ những lo ngại liên quan đến chính sách chuyển giao công nghệ bắt buộc mà chính phủ Trung Quốc đang thực thi. Họ cáo buộc Bắc Kinh cố gắng giành lấy bản quyền trí tuệ theo cách không phù hợp, ví như bằng cách thâu tóm các công ty phương Tây.

Vì vậy, Tổng thống Trump đã lấy điều này làm căn cứ khi áp thuế 50 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Chính phủ Mỹ đồng thời cùng từng khiếu nại lên WTO về vấn đề này, từ đó đến nay EU và Nhật cũng tuyên bố chia sẻ quan điểm với Mỹ.

Thế nhưng trong khi EU và Mỹ đương nhiên là đối tác trong việc viết lại luật chơi thương mại với Trung Quốc, chiến lược của Tổng thống Trump mới đây đang khiến nước Mỹ tự đánh mất đi một đồng minh quan trọng. Tổng thống Trump không ngừng chỉ trích chính sách thương mại của EU mà theo ông nó rất thiếu công bằng với Mỹ.

Tổng thống Trump chỉ chấp nhận miễn thuế phút chót cho EU đối với mặt hàng thép và nhôm. Tuy nhiên, việc miễn trừ thuế này cũng chỉ diễn ra tạm thời bởi Tổng thống Trump đang buộc EU phải nhượng bộ trong nhiều mảng thương mại khác. Còn EU không hề muốn một “người bạn” lại đối xử với họ như thế.

Quan trọng hơn, chính quyền Mỹ đang muốn né tránh hệ thống thương mại đa phương mà nước Mỹ từng góp phần xây dựng. Ngày thứ Sáu vừa rồi, Tổng thống Trump khẳng định WTO không công bằng với nước Mỹ. Ông đã sử dụng quá mức những khung chính sách của WTO – ông áp thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu dựa trên quan điểm bảo vệ an ninh quốc gia.

Ngược lại, Trung Quốc đang cố gắng tiếp tục tuân thủ luật thương mại đa phương. Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, không ngừng nhắc đến Trung Quốc như một bên có quan điểm bảo vệ chặt chẽ toàn cầu hóa, ông từng có bài phát biểu gây tiếng vang tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại Davos vào năm ngoái.

Giờ đây, Trung Quốc đang thách thức Mỹ bằng chính chính sách của WTO – dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn giữ nguyên cơ chế giải quyết tranh chấp hiện tại. Quan điểm này đồng nhất với quan điểm của EU.

Bắc Kinh đang ngày một xích lại gần EU. Đại sứ của Trung Quốc tại EU, ông Zhang Ming, trong tuần trước đã viết rằng “Trung Quốc và EU, một thành viên quan trọng của WTO và đồng thời là đối tác chiến lược toàn diện cần có quan điểm rõ ràng chống lại chính sách bảo hộ”. Và đây chính là thứ duy nhất mà EU có thể dựa vào ở hiện tại.

EU và Trung Quốc ngoài ra có quá nhiều thứ để chia sẻ với nhau. Bắc Kinh đang cố gắng kêu gọi sự giúp đỡ cho sáng kiến “Một vành đai, một con đường” – chiến lược phát triển với mục tiêu phát triển hạ tầng cả ở châu Á, châu Âu và châu Phi. Chính phủ nhiều nước lớn ở châu Âu như Pháp và Đức đã quan tâm đến dự án này và điều này sẽ tiếp diễn.

Sẽ còn lâu EU mới “buông” Mỹ để xích thật gần đến Trung Quốc, tất nhiên là vậy. EU có quá nhiều thứ để cẩn trọng với chính sách thương mại Trung Quốc, và không có dấu hiệu gì cho thấy chính sách này sẽ sớm thay đổi.

Thế nhưng chính sách của Tổng thống Trump đang khiến cho EU mất niềm tin và làm mất đi “sức mạnh mềm” mà nước Mỹ đã gây dựng được với châu Âu tính từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Điều này hoàn toàn không tốt với nước Mỹ và kinh tế thế giới.

Theo Trung Mến

Cùng chuyên mục
XEM