Rocket Internet lập tới 100 startup và đang phải vật lộn để chứng minh khả năng kiếm lời của chúng

18/07/2016 19:51 PM | Công nghệ

Công ty công nghệ của Đức này đã thành lập tới 100 startup khác nhau nhưng hầu hết số này đều không mang về lợi nhuận.

Năm 2011, công ty Rocket Internet SE của Đức đã thành lập một startup chuyên giao thực phẩm tươi có thể dễ dàng chế biến thành bữa ăn tới tận nhà, hoạt động tại Thụy Điển. Ngay sau đó, Rocket nhanh chóng nhân rộng mô hình này tại nhiều quốc gia khác.

Một trong những phiên bản nhái này là HelloFresh, hoạt động tại 3 châu lục bao gồm cả Mỹ, nơi startup này phải đối mặt với các đối thủ như Blue Apron hay Plated với khó khăn chồng chất.

Tháng 11 năm ngoái, Rocket quyết định tạm ngưng kế hoạch lên sàn cho HelloFresh, startup từng được định giá 2,9 tỷ USD. Vào tháng 5 vừa qua, HelloFresh công bố báo cáo tài chính quý đầu năm với khoản lỗ đã leo lên gấp 3 lần (hơn 30 triệu USD) mặc cho doanh thu có tăng so với trước đó.

Tuy nhiên đây mới chỉ là một trong số rất nhiều các công ty thua lỗ của Rocket. Công ty được coi là “vườn ươm” startup này đã thành lập tới 100 startup tại 110 quốc gia với tổng cộng 36.000 nhân viên, hoạt động trong đủ mọi lĩnh vực từ cung ứng thực phẩm, quần áo cho đến xe hơi cũ hay thậm chí cả dịch vụ giặt là.

Rocket Internet thực sự có thể ví như phiên bản thu nhỏ của hệ sinh thái Internet startup toàn cầu. Loạt startup của Rocket cũng chính là đại diện cho tình trạng suy thoái của giới startup công nghệ hiện nay với việc liên tục phải vật lộn để thu về lợi nhuận.

Tháng 4 vừa qua, định giá của Rocket cũng tụt giảm từ mức 3.3 tỷ USD xuống 1.1 tỷ USD. Lý do được cho là vì lợi nhuận của Rocket liên tục suy giảm mặc dù thị trường của công ty vẫn đang được mở rộng.

Cũng trong tháng 4, Rocket báo cáo về các khoản lỗ ròng trước khi hoàn thuế năm 2015 từ 8 công ty con lớn nhất của mình, rơi vào khoảng hơn 1 tỷ USD. Các nhà đầu tư bắt đầu phải phát hoảng. Giá cổ phiếu của Rocket hiện nay chỉ bằng 1/3 so với thời điểm chạm đỉnh vào năm 2014, chốt phiên ở mức 20.49 USD vào thứ Sáu vừa qua.

Cửa hàng Fashion for Home tại Berlin trước khi được startup Home24 của Rocket mua lại
Cửa hàng Fashion for Home tại Berlin trước khi được startup Home24 của Rocket mua lại

Rocket cũng đang đánh mất đối tác và cũng là nhà đầu tư lâu năm từng rót rất nhiều tiền cho các startup mới của công ty là tập đoàn khổng lồ Kinnevik AB của Thụy Điển.

Năm ngoái, CEO của Kinnevik đã từ chức chủ tịch Rocket. Chỉ một vài tuần trước, Kinnevik cũng bãi nhiệm 2 giám đốc của mình khỏi hội đồng quản trị của Rocket với lý do tập đoàn đang bắt đầu cạnh tranh nhiều hơn với Rocket về nhiều khoản đầu tư cho nên việc đặt 2 đại diện trong hội đồng quản trị như vậy sẽ gây ra xung đột về lợi ích cho cả hai bên.

Chủ tịch hội đồng quản trị của Rocket là Marcus Englert thì cho rằng quyết định của phía Kinnevik là hoàn toàn “thẳng thắn và dễ hiểu”.

Đồng sáng lập kiêm CEO Rocket Internet Oliver Samwer từng được ca ngợi là niềm hy vọng của Châu Âu khi nỗ lực xây dựng một đế chế startup có thể cạnh tranh với Thung lũng Silicon. Thế nhưng những ngày này, vị CEO 43 tuổi lại đang liên tục phải trả lời về việc liệu Rocket có trở thành một bong bóng startup chuẩn bị vỡ hay không.

Trong một cuộc phỏng vấn, Samwer hứa hẹn sẽ mang lại kết quả khả quan hơn cho các nhà đầu tư và cho biết “Chúng tôi vẫn đang trong quá trình học hỏi từ thị trường toàn cầu.”

Samwer cũng cho rằng bánh trướng thị trường quá nhanh có thể dẫn đến nhiều sai lầm nhưng ông vẫn rất tin tưởng vào chiến lược bành trướng nhanh và mạnh hết mức trong khoảng 5-9 năm trước khi thu về lợi nhuận của công ty. Theo thời gian, thua lỗ sẽ giảm dần và Rocket sẽ có một khoản lợi nhuận khổng lồ trong tay.

Bảng kê các công ty con lớn nhất của Rocket Internet
Bảng kê các công ty con lớn nhất của Rocket Internet

Trên thực tế, tổng số lỗ của 7 công ty lớn nhất trực thuộc Rocket đã rơi vào khoảng 155 triệu USD trong quý đầu tiên, có giảm so với mức 198 triệu USD vào cùng kỳ năm trước. Cùng lúc đó, tổng doanh thu của Rocket cũng tăng từ 442 triệu USD lên 586 triệu USD so với thời điểm 1 năm trước đó. Rocket cho biết tính đến cuối năm ngoái, công ty đã nắm trong tay gần 2 tỷ USD tiền mặt.

Giám đốc vận hành Johannes Bruder cho biết “Điều cốt lõi mà chúng tôi chú trọng là quá trình thực hiện và vận hành. Rocket Internet đang hoạt động như một vườn ươm startup. Bạn có thể thấy quá trình xây dựng đầy tính hệ thống này của chúng tôi các biểu đồ tổng hợp về những công ty mà Rocket đã thành lập.”

Rocket được 3 anh em Oliver, Marc và Alexander Samwer thành lập vào năm 2007. Thành công đầu tiên họ lập được là từ một website nhái eBay và cuối cùng bán lại được cho chính eBay.

Rocket tập trung vào các startup cung cấp thực phẩm, trang phục và các mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ khác qua Internet, thường bắt đầu từ việc thành lập rồi nắm giữ một lượng lớn cổ phần đủ để điều hành các startup này hoặc dần bán lại cho các nhà đầu tư bên ngoài.

Hiện Rocket đã thay đổi chiến lược 2 năm trước và bắt đầu đầu tư vào cả các startup không do mình thành lập, hoạt động gần giống như các công ty đầu tư mạo hiểm.

Năm 2014, Rocket lên sàn Frankfurt Stock Exchange tại Đức, lập nên thương vụ IPO lớn nhất trong một thập kỷ qua, gọi được 1.9 tỷ USD với mức định giá 7.4 tỷ USD.

Trên tầng cao nhất tại văn phòng 7 tầng của mình, các nhân viên của Rocket Internet vẫn đang ngày đêm nghiên cứu về các mô hình startup trên toàn cầu. Khi một ý tưởng được thông qua, Rocket sẽ huy động các kỹ sư, chuyên viên marketing cũng như quản lý.

Khi mô hình kinh doanh phát triển lên, công ty sẽ chuyển đội ngũ làm việc xuống dần các tầng dưới, cho đến tầng dưới cùng thì công ty sẽ bắt đầu tìm kiếm các văn phòng khác ở ngoài cho họ làm việc.

Rocket chỉ đạo các nhóm nhân viên của mình thành lập công ty startup riêng rồi thuê nhân lực full-time cho các công ty mới này, sau đó các nhân sự này sẽ lại được điều động ngược về công ty mẹ Rocket.

Tuy vậy, các startup của Rocket liên tục gặp khó khăn về vận hành cũng như hòa nhập văn hóa trong quá trình bành trướng điên cuồng sang các thị trường mới. Họ cũng phải đối mặt với các đối thủ đi copy lại chính các mô hình kinh doanh họ đã nhái lại từ các bên khác trước đó.

Cựu giám đốc thị trường Mỹ của HelloFresh cho biết “Rocket cần phải copy các mô hình kinh doanh thật nhanh chóng ngay từ lúc chúng vẫn đang trong giai đoạn phôi thai.”

Bản thân HelloFresh cũng đang phải đối mặt với nhiều đối thủ tại Mỹ và thất bại thảm hại tại Pháp, nơi người tiêu dùng hoàn toàn ngó lơ mô hình này. 2 nhân sự cấp cao của HelloFresh cũng chia sẻ rằng công ty không thu hút được nhiều người dùng như kỳ vọng khi mới thành lập 5 năm về trước. Họ cho rằng rào cản khiến HelloFresh chưa thành công như mong đợi chính là việc nó hướng đến nhóm đối tượng quá hẹp – các cặp đôi tầm tuổi 20-30 thường xuyên nấu ăn tại nhà.

Tuy nhiên, Schmincke, cựu quản lý tại HelloFresh và nay đang làm việc tại một công ty đầu tư của Thụy Điển cho biết ông tin công ty sẽ phát triển thành một doanh nghiệp thu về nhiều lợi nhuận. Oliver Samwer cũng chia sẻ HelloFresh và một số công ty con khác của Rocket vẫn đang đi đúng hướng.

Cùng chuyên mục
XEM