Rộ trào lưu người dùng tự nâng cấp những trang bị đã bị cắt bỏ trên ô tô tại Việt Nam

24/01/2019 17:23 PM | Công nghệ

Không ít người đã tự mày mò hoặc mang ra xưởng ngoài để lắp đặt những thiết bị còn thiếu của xe mình so với bản tại các thị trường khác.

Vì một số lý do nhất định, nhiều mẫu xe tại Việt Nam không có đầy đủ tính năng như bản quốc tế. Nguyên nhân có thể đến từ việc nhà phân phối muốn hạ giá thành, cảm thấy trang bị đó không phù hợp với điều kiện sử dụng trong nước hoặc những tính năng cao cấp hơn không nằm trong kế hoạch phân phối sản phẩm của hãng tại một số thị trường nhất định.

Thời đại Internet bùng nổ, người dùng dễ dàng tiếp cận hơn tới những thông tin về xe trên thế giới và việc đặt đồ từ nước ngoài về cũng trở nên thuận lợi hơn. Bởi vậy, không ít người chọn cách đặt linh kiện, phụ tùng về, sau đó dùng phần mềm để kích hoạt lại những tính năng còn thiếu trên chiếc xe của mình. Với những người không có chuyên môn về kỹ thuật, họ chọn phương án đưa xe ra những xưởng độ ngoài để thực hiện.

Rộ trào lưu người dùng tự nâng cấp những trang bị đã bị cắt bỏ trên ô tô tại Việt Nam - Ảnh 1.

Khôi phục, hoặc chính xác hơn là nâng cấp trang bị của xe khiến chủ xe thỏa mãn nhưng tốn khá nhiều công sức.

Nâng cấp tiện nghi

Đối với phiên bản tiêu chuẩn của một số mẫu xe, những tính năng bên trong như ghế chỉnh điện, sưởi và thông gió ghế, nhớ vị trí ghế thường bị loại bỏ. Mazda3 có điều hòa tự động nhưng không có màn hình báo nhiệt độ. Ford Focus bản Trend chỉ có đầu CD và màn đơn sắc, thua cả những chiếc Hyundai Grand i10 hơn 300 triệu đồng.

Để được như bản "full", nhiều người chấp nhận bỏ thêm khoảng 10 triệu đồng để có ghế chỉnh điện và vài triệu nữa để thêm thông gió ghế. Đối với ghế ngồi chỉnh điện, các xưởng độ phải thay hoàn toàn ghế mới. Còn với những xe bản quốc tế đã có tính năng thông gió và sưởi ghế, việc độ lại yêu cầu thiết bị quạt gió và bộ phận sưởi, làm lỗ thông gió trên ghế da và bộ nút bấm chính hãng để kích hoạt.

Rộ trào lưu người dùng tự nâng cấp những trang bị đã bị cắt bỏ trên ô tô tại Việt Nam - Ảnh 2.

Để có ghế chỉnh điện, người dùng phải chấp nhận thay bộ ghế mới.

Nâng cấp tính năng giải trí cũng khá tốn kém. Với Focus, để lắp bộ đầu Sony như bản cao cấp, người dùng phải bỏ thêm tầm 20 triệu đồng. Việc lắp đặt cũng phức tạp, yêu cầu sự hiểu biết về kỹ thuật.

Cốp xe mở điện, gương tự động gập và chỉnh điện, kính tự động một chạm… cũng là những tính năng được nhiều người tìm nâng cấp.

Nâng cấp trải nghiệm vận hành

Ga tự động (Cruise Control) là tính năng được nhiều người tìm nâng cấp nhất. Những phiên bản thấp hoặc mẫu xe cũ thường không có tính năng này. Độ khó của việc nâng cấp tùy mẫu xe, với giá dao động từ 2-3 triệu đồng.

Rộ trào lưu người dùng tự nâng cấp những trang bị đã bị cắt bỏ trên ô tô tại Việt Nam - Ảnh 3.

Chiếc Focus Trend được nâng cấp Cruise Control và LIM (giới hạn tốc độ) như bản S và Titanium.

Một số chi tiết khác như lẫy chuyển số sau vô-lăng hay màn hình hắt kính (HUD) cũng có thể khôi phục được. Tuy nhiên, người dùng phải chấp nhận thay toàn bộ linh kiện mới hoặc cắt gọt phần nhựa của chiếc xe để lắp lên. Lẫy chuyển số sẽ lấy tín hiệu lên/xuống số từ ngay cần số và nối dây lên vô-lăng. HUD yêu cầu phải thay nguyên cụm đồng hồ để đảm bảo giống nguyên bản.

Nâng cấp tính năng an toàn

Công nghệ an toàn chủ động hiện đại như cảnh báo điểm mù, báo phương tiện cắt ngang, báo lệch làn và hỗ trợ giữ làn đường, hỗ trợ phanh khẩn cấp tự động, ga tự động thích ứng, camera 360 độ… đã có mặt trên rất nhiều mẫu xe phổ thông trên thế giới, đến từ các thương hiệu như Mazda, Honda, Kia, Hyundai… Tuy nhiên, xe tại Việt Nam đã bị lược bỏ đi. Do đó, người dùng chọn cách tự khôi phục lại bằng cả phần cứng lẫn phần mềm.

Những tính năng an toàn "mơ ước" đã có trên xe Mazda bản quốc tế từ nhiều năm trước đây.

Đây là hạng mục phức tạp và tốn kém nhất. Người thực hiện phải có hiểu biết sâu về kỹ thuật. Phần cứng đặt về phải đúng loại mới có thể kích hoạt được. Khó khắn hơn, phần cứng lắp vào xe nếu không biết cách sử dụng phần mềm thì đồng nghĩa với việc lắp vô ích.

Nhiều chủ xe đang sử dụng các mẫu Mazda3, Mazda6, CX-5, Honda CR-V, Hyundai Tucson, Santa Fe… tại Việt Nam đã thực hiện nâng cấp cho chiếc xe của mình. Tính năng cảnh báo điểm mù yêu cầu các thiết bị đặt về như mặt gương, ra-đa. Hỗ trợ giữ làn đường cần camera phía trước. Ga tự động thích ứng phải có ra-đa ở đầu xe.

Rộ trào lưu người dùng tự nâng cấp những trang bị đã bị cắt bỏ trên ô tô tại Việt Nam - Ảnh 5.

Một chiếc Mazda3 được khôi phục toàn bộ tính năng an toàn chủ động.

Thử tính năng cảm biến trước, cảnh báo điểm mù và báo phương tiện cắt ngang khôi phục trên xe Santa Fe.

Do có độ khó cao, ít người dùng xe tại Việt Nam tự khôi phục tính năng an toàn. Họ chọn cách mang ra xưởng độ ngoài hoặc chia sẻ với nhau trên các diễn đàn.

Không chỉ các dòng phổ thông, người "chơi" xe sang như Mercedes-Benz hay BMW cũng đã khôi phục lại nhiều công nghệ an toàn hiện đại trên xe. Đối với những dòng xe đắt tiền, chi phí nâng cấp cũng cao hơn, lên tới cả trăm triệu đồng.

Mặc dù thỏa mản sự trải nghiệm của người dùng, việc khôi phục tính năng không được các hãng xe khuyến khích, bởi đã can thiệp thay đổi kết cấu một chiếc xe nguyên bản. Điều đó đồng nghĩa với một số hạng mục sẽ không được bảo hành. Lấy ví dụ, màn hình xe Mazda3 sau khi root để xem video khi xe đang chạy không được hãng bảo hành.

Theo Khôi Nguyên

Từ khóa:  ô tô , nâng cấp
Cùng chuyên mục
XEM