Rò rỉ thông tin chủ thẻ ngân hàng: Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

09/11/2018 08:39 AM | Kinh doanh

Hình thức thanh toán bằng thẻ rất tiện lợi khi mua sắm nhưng cũng có tỷ lệ rủi ro chứ không an toàn tuyệt đối.

Vụ rò rỉ thông tin 5 triệu người dùng được cho là đã mua hàng tại Thế giới Di động bị hacker tung thông tin lên mạng đang làm người dùng thẻ ở TP.HCM hoang mang lo lắng về độ bảo mật và tính an toàn của hình thức thanh toàn này. Tuy thông tin này ngay sau đó bị Công ty Cổ phần Thế giới di động bác bỏ nhưng vẫn khiến nhiều khách hàng bất an. Qua vụ việc này, người sử dụng thẻ và cơ quan chức năng nên có biện pháp gì để tăng tính an toàn, bảo mật của hình thức thanh toán qua thẻ?

Chị Nguyễn Thị Mỹ ở đường Nguyễn Văn Lạc, quận Bình Thạnh cho biết thường xuyên sử dụng thẻ ATM của mình để thanh toán khi mua hàng hóa, nhưng sau vụ rò rỉ thông tin của khách hàng khi thanh toán qua thẻ, chị cảm thấy rất lo lắng.Hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt được Nhà nước khuyến khích vì tính tiện lợi, hạn chế rủi ro cho người dùng, đồng thời giúp cơ quan chức năng kiểm soát tốt hơn tình trạng gian thương mại, trốn thuế, buôn lậu, làm ăn phi pháp, tham nhũng… Nhiều người đã chuyển dần thói quen sử dụng tiền mặt sang thanh toán thẻ vì lợi ích và tính tiện lợi của nó.

“Việc nghi lộ thông tin của khách hàng từ Thế giới Di động tôi cũng hoang mang, lo lắng. Tôi lo không biết phần tử xấu ‘hack’ thông tin tài khoản sẽ làm gì với thông tin đó. Đề nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp đảm bảo an toàn hơn cho khách hàng khi mua sắm thanh toán qua các loại thẻ qua ngân hàng”, chị Mỹ nói.

Theo một số chuyên gia ngân hàng, hiện nay công nghệ thông tin ngày càng phát triển. Các hình thức thanh toán qua ngân hàng các loại thẻ ngày càng tiện lợi hơn cho người dùng khi mua sắm. Tuy nhiên, hình thức này cũng có tỷ lệ rủi ro chứ không an toàn tuyệt đối, không chỉ ở nước ta và ngay cả các nước phát triển như Mỹ, hay châu Âu cũng vậy.

Cùng với sự phát triển công nghệ thì hacker cũng có những hình thức tinh vi để đánh cắp thông tin. Quan trọng nhất là khách hàng phải biết tự bảo vệ mình, như không thể tùy tiện đưa thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ của mình cho nhân viên bán hàng đến quầy thanh toán để quẹt thẻ.

Trong trường hợp cần thiết phải đưa thẻ cho họ thì phải quan sát, tránh bị sao chép. Vì mặt trước có tên chủ thẻ, số thẻ, ngày hết hiệu lực, mặt sau bên cạnh chữ ký sẽ 3 mã số, code này nếu người nắm được và biết tên chủ thẻ và số thẻ họ có thể sử dụng thẻ để thanh toán. Tuy nhiên, hình thức  đánh cắp thông tin tinh vi hơn là rò rỉ thông tin từ bên thứ 3 trong quá trình quét thẻ thanh toán thì khách hàng không thể kiểm soát được, mà đòi hỏi phải có sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ của cơ quan an ninh và Bộ Công thương.

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Bộ Công thương phải có quy trình để tất cả các doanh nghiệp  nhận thanh toán của khách hàng bằng thẻ phải qua một quy trình chặt chẽ để đảm bảo thông tin không bị rò rỉ.  Về công nghệ thông thì Bộ Công thương phải quy định những  công ty chấp nhận thanh toán thẻ thì công nghệ thông tin thì ở mức độ như thế nào, quy quy trình gì, tường lửa như thế nào, việc bảo vệ thông tin như thế nào phải có quy trình cụ thể chi tiết”.

Vụ hacker tung thông tin của khách hàng lên mạng cũng là lời cảnh báo cho người dùng thẻ cần cẩn thận hơn trong bảo mật thông tin. Bên cạnh tuân thủ những quy định, quy trình chặt chẽ theo quy định thì các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra để các doanh nghiệp chấp hành tốt, đảm bảo an toàn cho người sử dụng thẻ ngân hàng thanh toán khi giao dịch, tránh tình trạng “mất bò rồi mới lo làm chuồng”./.

Theo Lệ Hằng

Từ khóa:  thẻ ngân hàng
Cùng chuyên mục
XEM