Reuters: TPP rất có thể sẽ được hồi sinh ngay tại Hội nghị Quan chức cấp cao APEC đang diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam sẽ hưởng lợi!

22/05/2017 14:30 PM | Kinh tế vĩ mô

Thông tin cập nhật mới nhất từ Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Tuấn: Ngay ở những cuộc họp đầu tiên của APEC, "các Bộ trưởng Thương mại các nước đều thống nhất là sẽ tiếp tục thúc đẩy TPP"

Vào thời điểm hiện tại, Bộ trưởng Thương mại các nước đã bắt đầu có những cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra tại Hà Nội, Việt Nam.

APEC kỳ này sẽ có vai trò quan trọng trong việc quyết định số phận của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trước đó, một loạt các sự kiện trong bầu không khí chính trị thế giới, như Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ và trực tiếp rút quốc gia này khỏi TPP đã khiến việc thông qua TPP bị lỡ hẹn trong một thời gian dài.

Các quốc gia còn lại trong TPP e ngại rằng việc Mỹ vừa nói không với TPP, vừa 'ỡm ờ' trong các chiến lược thương mại hướng tới châu Á sau khi đã rút khỏi TPP sẽ khiến chủ nghĩa bảo hộ có đất để hồi sinh, cũng như giúp Trung Quốc có thêm tầm ảnh hưởng tại châu Á - một điều nhiều quốc gia không mong muốn

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters đưa tin thì Nhật Bản và các nước thành viên của TPP sẽ quyết vực dậy được thỏa thuận thương mại này, kể cả sau khi Mỹ đã rút khỏi nhóm thành viên.

Reuters nhấn mạnh rằng trong buổi hội nghị, có nhiều ý kiến ủng hộ việc thúc đẩy hiệp định thương mại giữa 11 nước thành viên còn lại (sẽ được gọi là TPP 11), mà không cần có Mỹ.

Tất nhiên, TPP 11 sẽ kém hiệu quả hơn hẳn TPP 12 khi mà theo số liệu được công bố gần đây thì trao đổi thương mại trong khối liên minh 11 nước sẽ chỉ bằng 1/4 so với trước đây khi có đủ 12 thành viên.

Dù vậy, các bên đều hiểu rằng một TPP 11 là cần thiết bởi việc tiếp tục thỏa thuận thương mại này mới có thể giúp củng cố vị thế đàm phán của các thành viên trong đối thoại song phương với Mỹ. Bên cạnh đó, động thái này cũng làm giảm sự chi phối đang tăng lên trong khu vực của Trung Quốc, vốn là một trong số những mục tiêu bản chất của hiệp định TPP.

“Chúng tôi đang chờ đợi xem liệu các bộ trưởng của TPP có nói sẽ chắc chắn tiếp tục duy trì hiệp định thông qua việc thay đổi các quy định, hay liệu họ có thông báo rằng rất lạc quan về khả năng duy trì TPP nhưng cần thảo luận thêm”, ông Alan Bollard, giám đốc điều hành ban Thư ký của APEC cho biết.

Sau khi xuất hiện ý kiến không muốn tiếp tục TPP mà không có Mỹ, chính Nhật Bản đã đi đầu trong việc thúc đẩy trở lại việc đàm phán của TPP. Hôm 16/5 vừa qua, thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản đã cho biết rằng quốc gia này muốn được “điều hành cuộc đàm phán theo một định hướng rõ ràng” tại APEC diễn ra ở Hà Nội.

Không chỉ có Nhật Bản mà còn nhiều quốc gia khác khi tham gia vào một TPP 11 vẫn sẽ được hưởng lợi, dù đây là một hiệp định thiếu Mỹ. Việt Nam chính là một trong những quốc gia nhận được lợi ích lớn nhất từ TPP vì nhận được thuế suất thấp và nhiều nguồn đầu tư hơn từ Mỹ. Malaysia, bên cạnh đó, cũng nhận được lợi ích tương tự, nên cũng hy vọng vào sự trở lại của TPP.

Về động thái phía Mỹ, Reutuers đưa tin ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại mới được bổ nhiệm của Mỹ sẽ có bài phát biểu trình bày chi tiết về các kế hoạch thương mại của Washington ngay trong hội nghị APEC này.

Vậy rất có thể TPP vẫn sẽ được ký kết? Theo một thông tin cập nhất mới nhất từ Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Tuấn bên lề hội nghị APEC thì ngay ở những cuộc họp đầu tiên, "các Bộ trưởng thương mại các nước đều thống nhất là sẽ tiếp tục thúc đẩy TPP".

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM