Rau quả nông dân Việt xuất khẩu hơn 1,68 tỉ USD, nhiều hơn tiền bán dầu thô

26/09/2016 10:25 AM | Kinh tế vĩ mô

So sánh với những mặt hàng vốn là được xem là chủ lực của Việt Nam như gạo (1,6 tỉ USD), dầu thô (1,56 tỉ USD) thì hiện đã bị rau quả vượt qua về kim ngạch.

Cuối tháng 7, những người làm ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam vui mừng khi loại trái cây duy nhất chỉ có Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ là vú sữa. Đây là loại quả thứ 5 từ Việt Nam được thị trường này chấp nhận gồm: Thanh long, chôm chôm, vải và nhãn. Một thị trường khó tính khác là Úc mới đây chấp nhận lô xoài tươi đầu tiên xuất khẩu từ Việt Nam.

Mặt hàng rau quả từ vị trí xuất khẩu khiêm tốn ngày càng tỏ rõ vai trò quan trọng khi các mặt hàng xuất khẩu nông sản khác có dấu hiệu chững lại. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tính đến 15/9, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 1,68 tỷ USD.

So sánh với những mặt hàng vốn là được xem là chủ lực của Việt Nam như gạo (1,6 tỉ UDD), dầu thô (1,56 tỉ USD) thì hiện đã bị rau quả vượt qua về kim ngạch. Rau quả hiện là mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu nhiều thứ 4 của Việt Nam sau thủy sản, cà phê và hạt điều.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành, rau quả Việt Nam vào được các thị trường khó tính như Mỹ, Úc,… còn khá ít với kim ngạch từ 30-60 triệu USD. Trong khi đó kim ngạch xuất khẩu vào Trung Quốc là 1 tỉ USD, chiếm tới 65% (tính tới 15/9).

Việc chưa thể đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc có thể gây ra rủi ro toàn ngành là bị áp đặt tiêu chuẩn.

“Trung Quốc tiêu chuẩn nào họ cũng mua nên nếu để nông dân làm theo họ thì phá vỡ chất lượng của ngành hàng. Đó chính là rủi ro của ngành rau quả VN nếu không có sự nhận thức để thay đổi”, một tổng giám đốc doanh nghiệp xuất khẩu rau quả cho biết.

Bên cạnh đó diện tích trồng rau quả tại Việt Nam đa số là của hộ nông dân có quy mô nhỏ lẻ nên việc kiểm soát chất lượng và giá cả khá khó khăn. Do đó xu hướng trong thời gian tới của các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây là trở thành nhà sản xuất với việc đầu tư đất đai, công nghệ để kiểm soát chất lượng.

Thảo Nguyên

Cùng chuyên mục
XEM