Rau muống dễ nhiễm kim loại nặng hơn các loại rau khác? Chuyên gia giải đáp

19/04/2023 12:25 PM | Sống

Rau muống được ví là loại rau 'quốc dân' của người Việt với nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng lại có tin đồn rằng rau muống dễ hấp thu kim loại nặng hơn các loại rau khác.

Loại rau dân dã này từng được ví như 'sâm' vì giàu dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất.

Rau muống dễ trồng, dễ sống cả ở môi trường nước hoặc đất. Điều này cũng làm dấy lên lo ngại rằng loại rau 'quốc dân' này có nguy cơ nhiễm kim loại nặng hơn các loại rau khác.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết rau muống có nguy cơ nhiễm kim loại nếu sống ở nơi không an toàn. Ví như rau được trồng tại những khu vực ao tù, nước đọng hoặc trồng thả bè trên những dòng sông ô nhiễm. 

Đặc biệt, rau muống được trồng ở những nơi có nguồn nước là nước thải của các làng nghề, nhà máy dệt nhuộm, các khu công nghiệp sẽ rất nguy hiểm do trong nước có chứa hàm lượng kim loại nặng nhất định. Rau muống trồng thả bè ở những nơi này, các kim loại nặng có trong nước sẽ hấp thu vào rễ và chuyển hóa lên thân, lá.

Loại rau quốc dân ví như 'sâm' nhà nhà ăn có nguy cơ dễ bị kim loại nặng: Chuyên gia nói gì? - Ảnh 1.

Rau muống (Nguồn ảnh: Amazon)

Khi nói tới vấn đề rau muống có nguy cơ hấp thu kim loại nặng cao hơn các loại rau khác, vị chuyên gia công nghệ thực phẩm khẳng định: "Không có chuyện rau muống dễ hấp thu kim loại nặng hơn các loại rau khác. Tất cả các loại rau nếu trồng tại những nơi không an toàn đều có nguy cơ hấp thu kim loại nặng.

Nếu trồng rau muống ở những nơi có đất, nước sạch, bón phân hữu cơ thì làm sao hấp thu kim loại được.

Tuy nhiên, hiện nay nguy cơ ô nhiễm môi trường nhiều, phân bón hoá học, chất thải… nên rau muống sẽ bị hấp thu những chất bẩn từ môi trường".

Vị chuyên gia công nghệ cho biết thêm, không chỉ rau muống tất cả các loại rau sống dưới nước nếu môi trường bẩn đều có nguy cơ nhiễm bẩn vào rau.

Thân của các loại rau sống dưới nước đều rỗng do đặc tính để có thể nổi trên mặt nước. Cũng vì lẽ đó, chất bẩn trong nước sẽ hấp thu vào lá, thân rau.

Do vậy, để rau muống sạch thì phải được trồng ở môi trường sạch. Nếu môi trường ô nhiễm do phân bón, hoá chất sẽ rất nguy hiểm cho sức khoẻ.

Các chuyên gia cho rằng ngoài nhiễm kim loại nặng, rau muống nếu trồng tại môi trường bẩn còn có nguy cơ nhiễm vi sinh vật, giun, sán cao. Đặc biệt, nếu trong nước nhiều amoniac, rau muống cũng có thể hấp thu nitrat và nitrit không tốt cho sức khoẻ

PGS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo thêm: "Rau được tận dụng trồng ở những nơi ven đường, đặc biệt là nơi xe cộ đi lại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn. Do khi xe chạy trên mặt đường bê tông, đường nhựa tạo ra bụi bê tông và bụi nhựa (bụi này thường siêu mịn) sẽ bám vào lá, thân cây rau.

Các loại rau trồng thường xuyên tiếp xúc với bụi đường, chất ô nhiễm, khí thải xe, kim loại nặng sẽ dễ hấp thu các chất này vào lá, thân. Khi rửa rau chỉ sạch được chất bẩn có trên bề mặt, không thể rửa được trong thân, lá của rau. Ăn những loại rau này tưởng sạch hoá ra lại không hề an toàn với sức khoẻ con người".

Theo chuyên gia, bằng cảm quan rất khó có thể phát hiện ra rau có nhiễm kim loại nặng, tồn dư chất hoá học hay không. Vì vậy, để chọn rau an toàn thì người dân nên mua ở nơi có nguồn gốc xuất xứ, có kiểm định rõ ràng.

Đối với rau tự trồng nên tránh trồng ở những nơi ven đường hoặc gần cống rãnh có nước thải.

Khi trồng rau cần phải tuân thủ những nguyên tắc về phun thuốc bảo vệ thực vật, bón phân đủ ngày mới thu hoạch để đảm bảo an toàn.

Theo Ngọc Minh

Cùng chuyên mục
XEM