Rạp phim Trung Quốc lao đao vì người dân chán xem phim nội địa

01/09/2016 15:33 PM | Kinh doanh

Gu thưởng thức khắt khe của người xem và chất lượng phim trong nước đi xuống là những nguyên nhân khiến doanh thu phòng vé ở Trung Quốc lao dốc.

Ngành điện ảnh Trung Quốc đang trải qua một mùa hè khó khăn. Trong mùa phim bom tấn truyền thống này, doanh thu phòng vé ở Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên trong 5 năm. Chỉ tính trong tháng 7, số lượt khách đến rạp đã giảm 15%.

Tình hình còn đặc biệt bi đát với phim Trung Quốc. Thành tích của các phim nội địa kém đến nỗi, chính phủ phải tạm bỏ hạn ngạch chiếu phim Hollywood có từ lâu để cứu doanh thu phòng vé.

Đây là một diễn biến bất ngờ với ngành công nghiệp đã tăng trưởng hơn 50% trong năm ngoái. Mặc dù sự đi xuống này có thể chỉ là tạm thời, nó chỉ ra những thách thức đang âm ỉ trong ngành điện ảnh Trung Quốc.

Nguyên nhân trực tiếp của sự đi xuống trên là chính phủ đang mạnh tay trấn áp nạn làm giả số liệu doanh thu phòng vé. Hoạt động này đã tồn tại từ lâu ở Trung Quốc. Nhà phân phối bỏ ra hàng triệu USD mua phim của chính mình nhằm thúc đẩy doanh thu phòng vé và tạo tiếng vang trên thị trường.

Chưa rõ chiến lược này giúp thúc đẩy doanh thu của họ đến đâu, nhưng nó khiến chính phủ không thể làm ngơ. Sắp tới, nhà làm phim Trung Quốc sẽ không còn có thể vẽ ra doanh thu đẹp như trước nữa.

Việc chính phủ trấn áp nạn làm giả số liệu không phải là nguyên nhân duy nhất khiến doanh thu phòng vé lao dốc. Vấn đề đáng lo hơn là sự suy giảm niềm tin của người xem Trung Quốc. Trong quý 1/2016, giá vé phim trung bình đã tăng lên 3,35 USD so với 2,54 USD của cùng kỳ năm ngoái.

Người xem phim đã quen với việc mua vé giá rẻ nhờ chính sách trợ giá của các nhà bán lẻ trực tuyến. Nhưng các chương trình chiết khấu này đang dần biến mất. Với nhiều khán giả Trung Quốc, điều này làm tăng chi phí giải trí của họ, nhất là trong bối cảnh kinh tế giảm tốc và tình trạng thất nghiệp gia tăng ở nhiều lĩnh vực.

Việc phim được chiếu lậu tràn lan trên mạng cũng khiến người xem không còn mặn mà đến rạp nữa. Các nhà phân phối đã tăng cường áp dụng những công nghệ chiếu phim hiện đại như 3-D, IMAX và chú trọng chiếu các phim Hollywood có nhiều hiệu ứng đặc biệt để thu hút người xem tới rạp.

Song, những trải nghiệm mới này bắt đầu trở nên nhàm chám với khán giả. Khi phim "Jason Bourne" chỉ được công chiếu ở định dạng 3-D ở Trung Quốc, khán giả đã giận dữ với quyết định này. Họ cho rằng xem phim ở định dạng 2-D là đủ tốt rồi và không đáng phải trả thêm tiền để xem phim 3-D.

Điều này giải thích tại sao phim nội địa Trung Quốc lại có thành tích kém như vậy trong thời gian qua. Sau nhiều năm tiếp xúc với phim nước ngoài được chiếu lậu trên mạng, khán giá Trung Quốc ngày càng đòi hỏi cao với cốt truyện, diễn xuất và giá trị phim mang lại. Mặc dù khán giả Trung Quốc được cho là dễ tính hơn ở nhiều nước khác, họ đang tỏ ra khắt khe hơn so với các thế hệ khán giả trước đây.

Vấn đề là Trung Quốc thiếu một đội ngũ viết kịch bản chuyên nghiệp, có thể liên tục tạo ra các sản phẩm phim và truyền hình chất lượng. Năm ngoái, một giám đốc sản xuất phim nổi tiếng ở Trung Quốc thậm chí thừa nhận rằng, xưởng phim của ông đã phải làm kịch bản dựa vào thảo luận trên các diễn đàn trực tuyến hoặc truyện do fan tự viết.

Nguyên nhân cuối cùng là nhà làm phim Trung Quốc không có truyền thống mạo hiểm. Họ làm phim với tư duy thận trọng và không dám phiêu lưu về mặt nghệ thuật. Phim cổ trang và phim tình cảm vẫn là những dòng phim phổ biến ở nước này dù khán giả đã thấy quá nhàm chán với chúng.

Chính phủ Trung Quốc nên kích thích cạnh tranh bằng cách nới lỏng hạn ngạch phim nước ngoài được chiếu hàng năm ở Trung Quốc (hiện nay là 34). Nghiên cứu cho thấy hệ thống hạn ngạch không hiệu quả. Ở Hàn Quốc, việc nới lỏng hạn ngạch đã thực sự làm ngành điện ảnh nội địa tăng trưởng mạnh hơn và giúp tăng cường ảnh hưởng của phim Hàn ở nước ngoài (đặc biệt là ở Trung Quốc). Ngoài ra, chính sách trên cũng giúp doanh thu phòng vé tăng vọt.

Việc tăng cường cạnh tranh sẽ làm nhiều nhà sản xuất và xưởng phim Trung Quốc không vui. Nhưng đó là cách tốt nhất để nâng tầm chất lượng của điện ảnh Trung Quốc. Nếu làm được điều đó, khán giả sẽ chẳng quản nắng mưa để xếp hàng mua vé như trước.

Nam Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM