Rắc rối ập xuống đầu dân khi dùng căn cước công dân, CMND mới

25/11/2019 14:02 PM | Xã hội

Nhiều người gặp phải phiền toái, rắc rối "trên trời" bởi việc thay đổi CMND sang dùng thẻ căn cước công dân khi thực hiện các hoạt động giao dịch.

Phiền toái khi đổi số CMND

Kể từ năm 2016, thời điểm Luật Căn cước công dân có hiệu lực, có ba loại giấy tờ tùy thân cùng tồn tại là chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, CMND 12 số và thẻ căn cước công dân.

Hơn 3 năm trôi qua, nhiều người cho biết họ gặp không ít rắc rối, phiền toái từ những giấy tờ tùy thân trên khi giao dịch trong các lĩnh vực ngân hàng, thuế, công chứng..., đặc biệt với những trường hợp thay đổi số CMND nhiều lần.

Anh N.X.Trung (27 tuổi, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, anh vừa mất toàn bộ giấy tờ tuỳ thân bao gồm CMND và thẻ ngân hàng. Sau khi xin cấp căn cước công dân (CCCD) thay thế CMND, anh đến ngân hàng để làm thủ tục cấp lại thẻ. Tuy nhiên, nhân viên ngân hàng yêu cầu anh phải đưa ra CMND cũ hoặc bản photo mới có thể làm thủ tục vì tài khoản ngân hàng của anh được đăng ký bằng số CMND trước đây.

"Điều này là rất vô lý khi tôi bị mất giấy CMND mới phải đi làm lại thẻ căn cước mà họ lại yêu cầu tôi phải xuất trình CMND hoặc có bản photo CMND cũ.

Tôi phải về nhà lật hết giấy tờ sổ sách để tìm kiếm nhưng không còn bản photo nào, may mắn sau đó tôi lên cơ quan đang làm việc xin kiểm tra hồ sơ ở đó và tìm được 1 bản photo CMND cũ. Không hiểu nếu không tìm thấy bản photo đó, họ sẽ giải quyết cho tôi thế nào", anh Trung nói.

Rắc rối ập xuống đầu dân khi dùng căn cước công dân, CMND mới - Ảnh 1.

Tương tự, ông B.Đ Sơn (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, ông khốn khổ sau khi đổi CMND sang thẻ căn cước. Mới  đây, khi đi rút tiền tiết kiệm ở ngân hàng, ông Sơn không thể tất toán được sổ vì CCCD hiện tại của ông khác với CMND trước đây.

Khi ra rút tiền, nhân viên nói vẫn biết đúng là tôi nhưng họ không thể giải quyết được. Để rút được tiền, tôi phải về công an phường nơi tôi cư trú xin xác nhận việc tôi đã đổi CMND”, ông Sơn bức xúc.

Bi đát hơn anh Trung và ông Sơn, chị Vũ Thị Hằng từ quê lên mua nhà tại Hà Nội để sinh sống hơn 10 năm nay. Do đã có hộ khẩu mới nên chị làm lại căn cước công dân ở Hà Nội, và đây là lần thứ 3 chị thay đổi giấy tờ tuỳ thân, bên cạnh 2 CMND cũ trước đây.

Gần đây, chị Hằng muốn thế chấp nhà đất cho ngân hàng để vay vốn. Tuy nhiên, khi làm thủ tục, chị Hằng bị vướng khi ngân hàng đổi chiếu giấy tờ kết hôn của chị và chồng lại ghi số CMND đầu tiên.

Ngân hàng không làm thủ tục và yêu cầu chị phải có xác nhận số CMND cũ với thẻ CCCD hiện nay từ cơ quan công an.

Tuy nhiên, khi quay về quê để nhờ cơ quan công an xác nhận CMND cũ, chị Hằng tiếp tục gặp phải rất nhiều khó khăn vì đã qua 2 lần đổi số CMND và chị không còn lưu giữ.

Cuối cùng, chị Hằng phải từ bỏ ý định thế chấp căn nhà để vay vốn ngân hàng do không có cách nào hoàn tất thủ tục.

Đơn giản hoá thủ tục cho dân

Bình luận về việc này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, bên cạnh những rắc rối, phiền toái phát sinh từ việc người dân “tự nhiên” được thêm một số CMND mới thì việc cấp CMND theo quy định mới nhất của Bộ Công an cũng gây nhiều phiền lụy.

Rắc rối ập xuống đầu dân khi dùng căn cước công dân, CMND mới - Ảnh 2.

Nhiều người dân gặp phiến phức khi thực hiện các giao dịch có liên quan đến việc thay đổi số CMND. (Ảnh minh hoạ)


Căn cứ Thông tư số 27/2012/TT-BCA ngày 16/5/2012 quy định về mẫu CMND, số CMND gồm 12 chữ số thay cho 9 chữ số như mẫu CMND cũ đã được cấp trước đây. Cũng theo Thông tư này, CMND (9 số cũ) nếu vẫn còn thời hạn thì vẫn còn giá trị sử dụng. Người dân nếu có yêu cầu đổi thì sẽ được thực hiện theo Thông tư mới.

Tuy nhiên, vấn đề mà người dân quan tâm nếu họ đổi CMND theo mẫu mới thì sẽ giải quyết ra sao đối với rất nhiều giấy tờ của người dân đều mang số CMND cũ (ví dụ đăng ký xe, tài khoản, sổ tiết kiệm tại ngân hàng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà…).

Người dân sẽ không thể thực hiện các giao dịch hàng ngày như đối với các trường hợp vừa nêu. Hay đơn giản hơn chỉ là khi một người làm mất thẻ sim điện thoại, ra yêu cầu khôi phục, lấy lại sim, nhà mạng cũng không giải quyết, bởi chủ thuê bao đăng ký với nhà mạng là bằng một số CMND hoàn toàn khác.

Để việc sử dụng các giấy tờ, bằng cấp có liên quan đến số CMND cũ không gặp nhiều phiền phức, đồng thời giải quyết các giao dịch được thiết lập trước đó với cá nhân, cơ quan, tổ chức, theo hướng dẫn của ngành công an, khi làm thủ tục cấp đổi CMND, người dân có thể yêu cầu cơ quan công an cấp thêm giấy xác nhận về số chứng minh cũ.

Tuy vậy, việc xin giấy xác nhận của ngành công an đối với nhiều người dân cũng là một thủ tục không đơn giản, phải đi lại, chờ đợi mất thời gian. Hơn thế, khi hàng loạt giấy tờ mang số CMND cũ, nghĩa là họ phải thực hiện rất nhiều công việc, giao dịch liên quan.

Trong khi đó, nếu chỉ trình giấy xác nhận thì không vấn đề gì, nhiều cơ quan khi giải quyết công việc còn đề nghị giữ lại luôn bản chính (hoặc photo có chứng thực) để làm “bằng chứng” chứng minh người thực hiện giao dịch đó đúng là người có số ghi trên CMND. Việc này đồng nghĩa người dân phải đi xin xác nhận nhiều lần, hoặc phải đi đến UBND cấp xã chứng thực sao y.

"Để tạo điều kiện cho người dân, ngành công an cần trù liệu những rắc rối phát sinh và tạo điều kiện tối đa khi người dân có yêu cầu xác nhận giữa CMND cũ – mới. Tốt nhất là nên trao cho mỗi người dân một giấy xác nhận số cũ và số mới kèm theo.

Người dân cũng có thể sao y bản chính lưu lại bản cũ để làm bằng chứng trước khi xin cấp đổi lại, liệu trù các tình huống để xin xác nhận số cũ và số mới khi đi làm CCCD", luật sư Bình nói.

Theo Xuân Trường

Cùng chuyên mục
XEM