Quy tắc tìm kiếm công ty giá trị của Warren Buffett

06/04/2016 22:00 PM | Kinh tế vĩ mô

Rất nhiều bài báo, ấn phẩm, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm đầu tư đã phân tích về phương pháp đầu tư “buy and hold”, đầu tư giá trị của huyền thoại Benjamin Graham, gồm ba bước cơ bản sau: (1) Chọn một công ty giá trị; (2) Đợi đến khi thị trường định giá cổ phiếu của công ty đó dưới mức giá trị thực mà nó đang sở hữu; (3) Mua tối đa và lặp lại quy trình.

Tuy nhiên, không giống như thầy của mình, Benjamin Graham, Warren Buffett không đưa ra một công thức cụ thể nào cho việc làm sao chọn được một công ty giá trị.

Dựa vào những ấn phẩm xuất bản gần đây bởi những chuyên gia đầu tư gần gũi với quan điểm của Warren Buffett như Quy tắc đầu tư số 1 – triệu phú Phil Town Đạo của Warren Buffett – David Clark, chúng ta có thể rút ra hai quy tắc cơ bản để chọn đúng doanh nghiệp giá trị theo quan điểm của Warren Buffett.

Quy tắc 1: Mua công ty - Không phải mua cổ phiếu

Đi theo quan điểm tiên quyết của Warren: “Không bao giờ để mất tiền”, triệu phú Phil Town chia sẻ quan điểm đầu tư đã giúp ông từ một hướng dẫn viên du lịch trở thành triệu phú: “Khi bạn mua cổ phiếu nghĩa là bạn đang sở hữu toàn bộ những gì mà công ty đó có, hãy tự hào về công ty bạn đang sở hữu. Tôi sẽ không sở hữu công ty này trong 10 phút nếu tôi không sẵn sàng sở hữu nó trong 10 năm”.

Phil Town luôn khuyên các nhà đầu tư đặt vị trí của mình vào vị trí khách hàng, những người mua sản phẩm của công ty đó.

Bằng lý thuyết ba vòng tròn, trả lời ba câu hỏi: “Bạn yêu thích việc gì nhất?”, “Năng khiếu nổi bật, lĩnh vực xuất sắc nhất của bạn là gì?” và “Bạn tiêu tiền hay kiếm được tiền từ những việc nào?”, Town bắt đầu con đường kiếm 1 triệu USD trong năm năm như sau:

Town nhận ra du lịch chính là lĩnh vực ông yêu thích, hiểu biết và dành nhiều thời gian nhất, vì vậy chiếm 50% danh mục đầu tư của ông cho đến nay vẫn là những công ty trong ngành du lịch.

Đây cũng là lý do Warren Buffett không bao giờ đầu tư vào Microsoft dù ông là bạn thân của tỉ phú Bill Gates; thay vào đó, sở thích uống năm lon Coca-Cola/ngày đã giúp ông có cái nhìn chi tiết và tường tận hơn về thương hiệu này trước khi đưa ra quyết định đầu tư mạo hiểm và cũng là quyết định đầu tư thành công nhất của mình vào Coca-Cola, khi giá trị hãng nước giải khát này đang giảm sút nghiêm trọng và bị cả thị trường nghi ngờ do thất bại của chiến dịch “New Coke” năm 1988 (Warren bắt đầu mua cổ phiếu Coca-Cola từ năm 1988, trong vòng ba năm sau, giá trị cổ phiếu Coca-Cola mà ông nắm giữ tăng từ 1,02 tỉ USD lên 3,75 tỉ USD).

Quy tắc 2: Lợi thế cạnh tranh, giá trị bền vững của doanh nghiệp

Lợi thế cạnh tranh được định nghĩa đơn giản là những rào cản khiến công ty đối thủ khó xâm phạm vào thị trường kinh doanh của doanh nghiệp. Phil Town đưa ra bốn lợi thế cạnh tranh giúp bạn nhìn thấy tương lai tươi đẹp cho một doanh nghiệp bất kể hiện tại nó đang ngập trong những khó khăn như sau:

Uy tín nhãn hiệu

Một nhãn hiệu có uy tín và triết lý kinh doanh nhất quán, phục vụ cộng đồng sẽ luôn tạo được niềm tin cho khách hàng, tránh xa những rắc rối trong tương lai và tạo được bệ phóng tốt cho đường hướng phát triển lâu dài.

Bí quyết kinh doanh

Những công thức bí mật, những bằng sáng chế độc quyền luôn giúp doanh nghiệp giữ được lợi thế cạnh tranh so với đối thủ, ít nhất là về mặt pháp lý và marketing. Cho đến nay, sau 130 năm, công thức bí mật của Coca-Cola vẫn chỉ có hai người biết và dù đó có phải là sự thật hay chỉ là một phương pháp marketing kích thích sự tò mò của khách hàng, thì cũng chỉ có Pepsi có thể “đối đầu” trong cuộc cạnh tranh với Coca-Cola cho đến ngày nay.

Khả năng bị thị trường khống chế, giá cả sản phẩm

Những công ty phải phụ thuộc vào thị trường, vào nhà cung ứng quá lớn, thường không thể tự chủ về giá bán sản phẩm, rõ ràng không phải là những công ty có thể tạo nên giá trị bền vững. Trong giai đoạn 1886-1959, suốt 73 năm, giá một chai Coca-Cola vẫn luôn giữở mức 5 cent dù trong giai đoạn sau Thế chiến thứ nhất (1914-1918), giá đường đã có thời điểm tăng gấp ba lần. Chính nhờ sự ổn định về giá này đã giúp Coca-Cola thâu tóm thị trường nước giải khát của Mỹ nhanh chóng như vậy.

Sản phẩm thay thế

Ưu thế cạnh tranh cuối cùng chính là khả năng bị thay thế trong tương lai. Sự vững chắc của câu nói: “Trừ khi loài người diệt vong thì họ mới ngừng uống sữa” đã giúp không ít người tăng khối tài sản của mình lên hơn sáu lần khi chọn mua cổ phiếu Vinamilk vào thời điểm năm 2010 (giá khoảng 21.000 đồng/cổ phiếu vào tháng 3/2010; hiện nay giá dao động khoảng 130.000 đồng/cổ phiếu, chưa kể cổ tức hằng năm), nhưng Town tin rằng nếu bạn không chịu mở rộng kiến thức và tiếp thu những điều mới mẻ hằng ngày, thì những sản phẩm định vị lại thế giới như iPhone, iPod… sớm muộn gì cũng sẽ tiêu diệt giá trị bền vững của bạn.

Theo TUẤN THÀNH

Cùng chuyên mục
XEM