"Quy hoạch quốc gia thời kỳ 10 năm là quá ngắn"

26/05/2017 10:53 AM | Kinh tế vĩ mô

Nhiều đại biểu Quốc hội nêu ý kiến, quy hoạch Quốc gia phải có tầm nhìn xa, ổn định mới mang lại hiệu quả lâu dài.

Trong phiên họp sáng ngày 26/5, Quốc hội tiếp tục làm việc với nội dung xoay quanh báo cáo giải trình, tiếp thu báo cáo luật Quy hoạch. Trong đó, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đó là thời kỳ quy hoạch.

Ông Vũ Hồng Thanh, ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, quy hoạch là cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và phải phù hợp với chiến lược. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội hiện nay đang có thời kỳ là 10 năm. Quy định thời kỳ quy hoạch 10 năm cùng với thời kỳ của Chiến lược để đảm bảo sự thống nhất giữa chiến lược và quy hoạch; tầm nhìn quy hoạch sẽ dài hơn từ 20-50 năm nhằm đảm bảo cho việc xác định tính ổn định, tính kế thừa của quy hoạch, nhất là đối với các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật phải có tầm nhìn dài hơn để giảm thiểu tình trạng điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thường xuyên, nhiều lần, gây xáo trộn cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

'Quy hoạch phụ thuộc lớn vào năng lực dự báo. Hiện nay, do sự biến động tình hình phát triển kinh tế - xã hội cả trong nước và quốc tế nên dự báo thường chỉ chính xác cho thời kỳ 10 năm, các dự báo cho thời kỳ dài hơn thường thiếu chính xác. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo Luật', ông Thanh nói.

Ý kiến này vấp phải tranh luận của nhiều Đại biểu Quốc hội trên nghị trường.Một số ý kiến đề nghị thời kỳ quy hoạch là 20 năm, tầm nhìn 50 năm vì nếu thời kỳ quy hoạch không đủ dài thì quy hoạch lãnh thổ không thể phát huy được vai trò làm cơ sở để lập các quy hoạch ngành, đô thị - nông thôn và các quy hoạch khác. Thêm vào đó, quy hoạch tiến hành theo các cấp, nếu thời kỳ chỉ 10 năm dễ rơi vào tình cảnh quy hoạch cấp dưới mới được phê duyệt thì quy hoạch quốc gia đã hết hạn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương của Cần Thơ cho rằng, thời kỳ quy hoạch phải được phân chia cho từng cấp cụ thể, trong đó quy hoạch quốc gia phải dài hơn quy hoạch cấp tỉnh.

'Quy hoạch quốc gia thời kỳ 10 năm là quá ngắn, phải có tầm nhìn xa, ổn định mới có hiệu quả lâu dài. Theo tôi, quy hoạch quốc gia nên có thời kỳ tối thiểu 20 năm, tầm nhìn 30 năm, quy hoạch cấp tỉnh có thời kỳ 10 năm, tầm nhìn 20 năm', ông Phương phát biểu.

Đại biểu Trần Văn Tiến của Vĩnh Phúc cũng đồng tình thời kỳ quy hoạch 10 năm là quá ngắn, đồng thời cũng cho rằng thời kỳ quy hoạch nên chia cho mỗi cấp quy hoạch, từ cấp xã, tỉnh tới thành phố, hơn kém nhau 5 năm là hợp lý.

Sẽ phải sửa tới 50 điều luật?

Một vấn đề khác được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đó là mối quan hệ của Luật quy hoạch với các luật liên quan để hủy bỏ những nội dung luật hiện hành trái với luật quy hoạch sắp ra mắt, đảm bảo tính thống nhất của pháp luật.

Theo báo cáo của các cơ quan được phân công rà soát, có tới 32 Luật sẽ cần sửa đổi, bổ sung để phù hợp với Luật quy hoạch. Với việc luật quy hoạch sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, việc chỉnh sửa 32 điều luật đòi hỏi thời gian thực hiện rất gấp rút.

Đại biểu Trần Thị Dung của Điện Biên cho biết, việc sửa đổi văn bản luật, điều khoản phải cụ thể. Hiện tại, dự thảo vẫn chưa đề cập đến nội dung cụ thể sửa đổi 32 luật như thế nào, cũng chưa đề xuất thời gian cụ thể để thay đổi những điều luật trên.

‘Luật theo danh mục phải sửa đổi là 32 luật, nhưng theo chúng tôi quan sát thì còn cần bổ sung, tiếp tục rà soát và sửa đổi, có thể phải sửa tới trên 50 luật’, bà Dung cho biết.

Chẳng hạn, đại biểu Tô Văn Tám của đoàn Kon Tum chia sẻ, trong số 32 luật phải sửa, chưa thấy luật đầu tư công. Hiện tại, chi phí hoạt động theo dự thảo Luật quy hoạch được quy định sử dụng từ vốn đầu tư công, theo quy định Luật đầu tư công. Tuy nhiên, quy trình điều tra, thẩm định, giám sát theo luật quy hoạch khác nhiều dự án theo luật đầu tư công. Để áp dụng được, chắc chắn sẽ cần phải chỉnh lý, sửa đổi.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng Đề án rà soát tổng thể các quy hoạch hiện hành với lộ trình phù hợp để từng bước điều chỉnh bằng các chính sách, quy định pháp luật để đến năm 2020 có thể thực thi đồng bộ các quy hoạch theo Luật quy hoạch.

Ngoài ra, để bảo đảm kịp tiến độ chuẩn bị cho việc xây dựng chiến lược phát triển, quy hoạch kinh tế – xã hội của địa phương cho giai đoạn 2021-2030, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề xuất Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng để yêu cầu Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương được tiến hành các bước chuẩn bị cho công tác quy hoạch theo quy định và chỉ được phê duyệt các quy hoạch phù hợp với quy định của Luật này trong thời gian Luật quy hoạch chưa có hiệu lực

Tùng Lâm- Trần Dũng

Cùng chuyên mục
XEM