Quỹ đầu tư quốc gia là gì?

05/11/2017 09:24 AM | Xã hội

Quỹ đầu tư quốc gia của Na Uy với giá trị lớn nhất thế giới vừa vượt mức 1 nghìn tỷ USD lần đầu tiên. Khi các quỹ đầu tư quốc gia trên toàn thế giới phát triển về quy mô và số lượng, chúng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh tài chính toàn cầu. Bất chấp sự gia tăng nhanh chóng, các quỹ này thường không được hiểu rõ bằng các loại đầu tư khác.

Trước hết, về định nghĩa, quỹ đầu tư quốc gia đơn giản là một cơ chế để các nước đầu tư thông qua nó. Một lượng tiền - thường được lấy từ dầu mỏ và các loại hàng hóa khác - sau đó được dùng để đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản hoặc các lĩnh vực có tiềm tiềm năng phát triển khác.

Nhiều đất nước sở hữu quỹ đầu tư quốc gia (SWF) có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào một nguồn thu nhập, ví dụ như các khoản thu từ dầu mỏ ở Na Uy và Trung Đông. Các khoản đầu tư được thực hiện qua các SWFs là cách hiệu quả để các quốc gia này đa dạng hóa nguồn thu và ít phụ thuộc vào một nguồn thu nhập duy nhất.

Lên kế hoạch cho tương lai

Na Uy, nơi có SWF có giá trị lớn nhất thế giới, là nhà sản xuất dầu thô lớn và bắt đầu sử dụng SWF cho đầu tư từ năm 1996. Nhiệm vụ của nó là tích lũy của cải cho quốc gia này khi dự trữ giàu mỏ và khí đốt cạn kiệt.

Theo Viện Quỹ đầu tư quốc gia, SWF của Na Uy đã vươn lên trở thành một trong những nhà đầu tư cổ phiếu lớn nhất thế giới, sở hữu lượng cổ phiếu trị giá 667 tỷ USD ở hơn 9000 công ty trên toàn thế giới bao gồm cả Apple và Microsoft.

Các đất nước khác có quỹ tài sản quốc gia được cấp vốn từ nguồn thu dầu khí bao gồm Abu Dhabi, Kuwait, Saudi Arabia và Qatar. Những quốc gia này có nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào trữ lượng tự nhiên, khiến họ dễ bị tổn thương do biến động giá dầu và khí đốt.

Lực lượng lao động đang già hóa

Trung Quốc có một số SWF không lấy nguồn thu từ hàng hóa, bao gồm cả quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ 3 thế giới - Tổng công ty Đầu tư Trung Quốc. Nó được thành lập khoảng 10 năm trước để đa dạng hóa việc nắm giữ ngoại hối của Trung Quốc và hiện có giá trị 814 tỷ USD.

Nhật Bản, quốc gia đang phải vật lộn với sự kết hợp giữa tỷ lệ người già cao và số lượng người trong độ tuổi lao động giảm xuống, cũng cần một SWF dựa vào hàng hóa nhằm tăng quỹ lương hưu.

Trên phạm vi toàn cầu, ngày càng nhiều quốc gia sử dụng SWFs với hơn 40 quỹ mới được lập ra từ năm 2005, chủ yếu từ các thị trường mới nổi như Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Viện Quỹ đầu tư quốc gia, tổng tài sản của các quỹ này hiện đã vượt qua mốc 7,2 nghìn tỷ USD, gấp đôi so với năm 2007.

Tham vọng chính trị?

Mặc dù các quỹ đầu tư quốc gia nhỏ hơn một số công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, nhưng vẫn có những lo ngài về quyền lực và ảnh hưởng của chúng. Một số quỹ lớn đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới, ngoại trừ của Na Uy, không hoàn toàn minh bạch về các khoản đầu tư, kết quả và cách thức quản lý doanh nghiệp của họ.

Điều đó dẫn đến các mối quan ngại rằng liệu các khoản đầu tư có thể mang theo động cơ chính trị thay vì chỉ có động lực tài chính hay không.

Những người khác thì lo ngại rằng quy mô lớn của các quỹ này cũng đồng nghĩa rằng chúng có thể gây biến động giá cả lớn và làm mất tính ổn định của thị trường tài chính toàn cầu. Ví dụ, một chính phủ có thể phải đột ngột cần tới một nguồn tiền lớn từ quỹ đầu tư quốc gia khi giá dầu giảm mạnh và buộc phải bán tháo cổ phiếu. Hành động đó có thể gây ra sự lo sợ trong thị trường và khiến các nhà đầu tư khác bắt chước theo, kể cả khi không có lý do đáng lo ngại nào để bán cổ phiếu cả.

Những mối quan ngại này dẫn đến lời kêu gọi liên tiếp đòi các quỹ đầu tư quốc gia cần phải minh bạch hơn. Diễn đàn quốc tế về Quỹ đầu tư quốc gia đang kêu gọi các thành viên tuân theo một bộ quy tắc ứng xử mang tên Những nguyên tắc Santiago. Bộ nguyên tắc này yêu cầu các quốc gia thành viên phải báo cáo hằng năm. Khi sự phổ biến và quy mô của SWFs tiếp tục gia tăng, các nguyên tắc đó sẽ trở nên thiết yếu hơn.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM