Quốc gia nào có sức "hấp dẫn" khách du lịch lớn nhất khu vực Đông Nam Á?

04/05/2017 14:00 PM | Xã hội

Với hơn 104 triệu lượt du khách quốc tế vào năm 2015 và tăng trưởng trung bình 8%, ngành du lịch ở Đông Nam Á có tiềm năng tuyệt vời để giúp tăng trưởng nền kinh tế, tạo việc làm và phát triển khu vực. Tuy nhiên, quốc gia nào có thể hưởng lợi nhiều nhất từ ngành dịch vụ này?

Bạn có thể không ngạc nhiên khi biết rằng những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp như Vịnh Hạ Long và những địa danh văn hóa mang tính biểu tượng như Angkor Wat không phải là yếu tố duy nhất quyết định xem một điểm đến du lịch có tính cạnh tranh hay không.

Mỗi năm, Diễn đàn kinh tế thế giới phát hành một báo cáo về khả năng cạnh tranh trong ngành du lịch và lữ hành, xếp hạng các quốc gia dựa trên một loạt các chính sách phù hợp để phát triển bền vững ngành này. Báo cáo xem xét các yếu tố như việc kinh doanh ở một quốc gia dễ dàng như thế nào, các chính sách du lịch và lữ hành cụ thể, cơ sở hạ tầng, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.

Vậy quốc gia nào có tính cạnh tranh nhất ở Đông Nam Á? Và quan trọng hơn, các quốc gia đó có điểm gì chung?

Hầu hết các quốc gia trong khu vực phụ thuộc vào nguồn tài nguyên phong phú và giá cả phải chăng để thu hút du khách. Các quốc gia này cũng có xu hướng mở cửa với du khách quốc tế thông qua chính sách thị thực của mình. Các chính phủ trong khu vực nhận thức được vai trò chiến lược của ngành du lịch trong việc tạo thêm việc làm và chủ động hỗ trợ lĩnh vực này.

Tuy nhiên, khoảng cách về các cơ sở vật chất như hàng không, đường bộ, cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch và độ sẵn sàng của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) vẫn còn tồn tại, đặc biệt giữa các quốc gia phát triển nhất như Singapore và Malaysia, Thái Lan (ở mức độ thấp hơn) so với phần còn lại. Đồng thời, một số ít các quốc gia trong khu vực có nền chính trị bất ổn trong một vài năm trở lại đây, khiến cho du khách cảm thấy bất an.

Mặc dù các quốc gia có tính cạnh tranh cao nhất có nhiều điểm chung, nhưng mỗi quốc gia này đều có những đặc trưng của riêng nó.

Nhìn vào kết quả có thể thấy rằng Singapore dẫn đầu, đứng thứ 13 trên toàn cầu và thứ 1 trong khu vực, vượt trội ở 8/14 chỉ tiêu đánh giá nhờ môi trường kinh doanh vững mạnh (thứ 2), môi trường bảo đảm và an toàn (thứ 6), nguồn nhân lực có năng lực (thứ 5), và cơ sở hạ tầng vận tải hàng không mang tầm quốc tế (thứ 6). Singapore cũng là nền kinh tế mở nhất thế giới, được hỗ trợ bởi chính sách du lịch và lữ hành cực kỳ mạnh mẽ (thứ 2).

Để tiếp tục tăng cường khả năng cạnh tranh của mình, Singapore nên tập trung vào việc tăng cường tiếp thị số và sự hiện diện trực tuyến còn hạn chế của mình để du khách có nhu cầu có thể dễ dàng lên mạng tìm hiểu về các nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của Singapore.

Xếp thứ 2 trong khu vực và 26 trên thế giới là Malaysia. Malaysia tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhờ khả năng cạnh tranh về giá, kết nối hàng không mạnh mẽ, và nguồn tài nguyên thiên nhiên tuyệt vời của nó. Malaysia đã có những cải thiện lớn về độ sẵn sàng của ICT (tăng 15 hạng), cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch (tăng 22 hạng) và độ mở cửa cho thế giới (tăng 11 hạng).

Để tăng cường khả năng cạnh tranh, chính phủ Malaysia có thể ưu tiên cho ngành du lịch và lữ hành hơn nữa (xếp thứ 55) và đầu tư vào sự phát triển các nguồn tài nguyên văn hóa và kinh doanh du lịch, trong khi chú trọng vào môi trường bền vững (xếp thứ 123) và bảo vệ môi trường tự nhiên tuyệt đẹp của nó.

Dù chỉ xếp thứ 6 trong khu vực, nhưng Việt Nam đã cho thấy những tiến bộ đáng kể, tăng 8 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu và đứng ở vị trí thứ 67. Nước ta ngoài những nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc biệt cũng được hưởng lợi đáng kể từ việc cải thiện nguồn nhân lực và thị trường lao động. Việt Nam cũng có những cải tiến đáng kể về khả năng và mức sử dụng ICT (tăng 17 bậc).

Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể đẩy mạnh phát triển du lịch bằng cách tập trung nhiều hơn vào các chính sách môi trường bền vững. Các quy định còn lỏng lẻo, lượng chất thải còn cao, quá trình xử lý nước thải còn hạn chế đang ảnh hưởng đến môi trường và cần được chú trọng, để xây dựng một nền tảng cho sự phát triển bền vững hơn của khu vực.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM