“Quẹt' không ngừng tay, ảo tưởng về ngân sách cá nhân khi sử dụng thẻ tín dụng

17/07/2023 10:40 AM | Sống

Bài học tài chính từ những vấp ngã “đầu đời' khi sử dụng thẻ tín dụng.

Sử dụng thẻ tín dụng giúp mọi người dễ dàng mua sắm những tài sản lớn mà không quá lo ngại về ngân sách cá nhân. Đồng thời, việc sử dụng thẻ tín dụng cũng đem đến nhiều chiết khấu lớn. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu không cẩn thận, bạn sẽ dễ dàng rơi vào bẫy “rơi tiền" khi chi tiêu quá tay bởi hình thức thanh toán trước trả tiền sau.

“Ảo tưởng" về tài chính cá nhân

Thanh Ngân (sinh năm 1998, Hà Nội) đến nay đã sử dụng thẻ tín dụng được 3 năm. Cô bạn được bạn nhân viên ngân hàng tư vấn mở thẻ tín dụng miễn phí với hạn mức cao. Bên cạnh đó, bởi vì nghĩ rằng những lúc khẩn cấp, cần chi tiêu mà không có đủ tiền thì thẻ tín dụng hay hình thức mua trước trả sau thực sự cần thiết nên đã quyết định mở thẻ.

Dù trong vòng 3 năm qua, thẻ tín dụng đã đem lại nhiều lợi ích, rất hữu ích cho cuộc sống của cô, Thanh Ngân vẫn mắc phải một sai lầm lớn khi dùng thẻ tín dụng mua gói tập gym. “Mình dùng thẻ tín dụng để đăng ký gói tập gym trả góp với lãi suất 0%. Gói tập gym đó 22 triệu, chia đều ra mỗi tháng đóng khoảng 2 triệu. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, mình khá lười và bận công việc nên không đi tập gym đều, có những tuần chẳng đi buổi nào nhưng vẫn phải trả nợ thẻ tín dụng theo tháng. Trước cứ nghĩ mình lời được một khoản, không phải trả đứt một số tiền khá lớn không ngờ lại thành có chút áp lực khi mỗi tháng đều phải trả nợ". 

Đối với Thanh Ngân, việc có thẻ tín dụng nhiều lúc khiến cô bị “ảo tưởng" là bản thân có thể chi trả cho những lần mua sắm lớn. Song, về sau, cô cảm thấy khá nặng nề trong khía cạnh tài chính, đặc biệt là khi mua những sản phẩm hay dịch vụ không dùng đến nhưng vẫn phải trả góp hàng tháng. 

“Quẹt" không ngừng tay, ảo tưởng về ngân sách cá nhân khi sử dụng thẻ tín dụng  - Ảnh 1.

Thanh Ngân

Còn đối với Quỳnh Anh (sinh năm 1999, Hà Nội), lần đầu cô dùng thẻ tín dụng là để mua điện thoại cách đây 3 năm vì lúc đó nhận được nhiều chương trình ưu đãi khi thanh toán bằng thẻ tín dụng. Và cũng giống như Thanh Ngân, sai lầm lớn nhất khi sử dụng thẻ tín dụng của Quỳnh Anh là không kiểm soát được mức độ tài chính cá nhân. 

“Có tháng, mình đi đâu cũng quẹt bằng thẻ tín dụng. Hơn thế nữa, thẻ mình có hạn mức khá cao, mình cũng không cần phải suy nghĩ là thẻ có tiền không vì đây là hình thức mua trước trả sau. Và nó làm mình thiệt hại đến 30 triệu đồng, một phần cũng bởi vì số tiền phải trả nợ hàng tháng không quá nhiều”.  

Được biết về cơ bản có 2 cách để trả nợ thẻ tín dụng. “Đầu tiên, mình có thể trả nguyên 30 triệu không tính lãi trước ngày đến hạn thanh toán, thông thường các thẻ tín dụng sẽ có 45 ngày miễn lãi. Hai là hàng tháng mình trả 5% của 30 triệu, con số tối thiểu. Trong khoản 5% này, 40% sẽ là số tiền gốc và 60% là tiền lãi. Mình thường trả theo dạng 5% hàng tháng, và cũng bởi vì khoản phải trả hàng tháng thấp nên mình đã chi tiêu vung tay quá trán”. 

“Quẹt" không ngừng tay, ảo tưởng về ngân sách cá nhân khi sử dụng thẻ tín dụng  - Ảnh 2.

Quỳnh Anh

Cần phải suy nghĩ kỹ trước khi sử dụng thẻ tín dụng

Sau những trải nghiệm cá nhân, Quỳnh Anh cho rằng mọi người nên tránh thói quen chi tiêu thiếu suy nghĩ khi sử dụng thẻ tín dụng. Thông thường, một số người sẽ có tâm lý ỷ lại vào hạn mức và thanh toán số tối thiểu nên số tiền chi tiêu còn lớn hơn cả thu nhập hàng tháng. 

Còn đối với Thanh Ngân, trước khi chi tiêu 1 món đồ đắt tiền, bạn nên có suy tính trước khi “quẹt”, chắc chắn là món đồ đó đáng tiền và bạn sẽ không rơi vào tình trạng áp lực trả nợ tín dụng trong tương lai. Thêm nữa, sẽ có rất nhiều bên gọi điện để mời bạn sử dụng dịch vụ rút tiền mặt thẻ tín dụng, tốt nhất là nên cẩn thận để tránh không bị lừa đảo. 

Mặt khác, Bảo Nam (sinh năm 1996, TPHCM) từng quên ngày đến hạn thanh toán thẻ tín dụng và phải trả một khoản tiền khá lớn tiền phạt thanh toán chậm. “Lúc đó, mình khá bận công việc nên bị nhỡ mất thông báo ngày đáo hạn, thanh toán thẻ tín dụng. Phải đến 10 ngày sau, mình mới nhận ra và ngay lập tức thanh toán. Cảm giác khá là ‘đau ví’ bởi đáng lẽ mình đã không mất khoản tiền này nếu cẩn thận hơn". 

Bảo Nam cho rằng điều quan trọng nhất để tránh mất tiền oan khi sử dụng thẻ tín dụng là luôn nhớ ngày thanh toán thẻ tín dụng. Bởi vì khoản tiền này thường sẽ được nhân với số ngày thanh toán chậm nên có thể tăng theo cấp số nhân, và là một số tiền không nên bị đánh mất. 

Cho đến bây giờ, Thanh Ngân vẫn cảm thấy bản thân nhận được rất nhiều lợi ích khi sử dụng thẻ tín dụng, đặc biệt là chiết khấu cao từ nhiều thương hiệu lớn và uy tín. Còn đối với Quỳnh Anh, dùng thẻ tín dụng giúp mua trả góp dễ dàng hơn cũng như phù hợp với cuộc sống mọi người thường xuyên thanh toán không tiền mặt như bây giờ. 

Theo Tô Diệp

Cùng chuyên mục
XEM