Quên đàn ông đi, phụ nữ mới là tầng lớp đang dẫn dắt ngành công nghệ của Trung Quốc

22/09/2016 13:25 PM | Kinh doanh

Hơn một nửa số công ty Internet ở Trung Quốc là do phụ nữ sáng lập.

Quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất từ trước đến nay do một phụ nữ sáng lập không phải ở Thung lũng Silicon hay ở Mỹ. Đó là H Capital có trụ sở ở Bắc Kinh và được điều hành bởi một cựu thủ thư, một người kín tiếng đến nỗi không nhiều người ở Trung Quốc biết đến cô.

Chen Xiaohong hiếm khi tham dự các hội nghị hoặc sự kiện trong ngành đầu tư mạo hiểm. Cô không trả lời phỏng vấn của giới truyền thông trong hơn một thập kỷ, cho đến khi cô đồng ý phá vỡ sự im lặng vào mùa hè vừa qua. “Tôi không thích dựa dẫm. Tôi tin vào việc sống độc lập và tự mình ra quyết định”, Chen nói trong một cuộc phỏng vấn kéo dài bốn tiếng với hãng tin Bloomberg.

Chen, 46 tuổi, là một trong những nhà đầu tư nữ đã vươn lên top đầu trong lĩnh vực đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc và giúp thúc đẩy sự bùng nổ của ngành công nghệ của nước này. Các nhà đầu tư nữ này đã làm “bà đỡ” cho những start-up thành công nhất của Trung Quốc.

Xu hướng phụ nữ dẫn dắt ngành đầu tư mạo hiểm Trung Quốc là điều hiếm thấy ngay cả ở Mỹ. Trong các công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu của Mỹ, phụ nữ chỉ chiếm 10% số giám đốc đầu tư và chỉ một nửa số công ty có phụ nữ làm việc ở cấp lãnh đạo này. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc thì lớn hơn nhiều. Khoảng 17% giám đốc đầu tư là phụ nữ và 80% công ty đầu tư mạo hiểm có ít nhất một phụ nữ trong hàng ngũ lãnh đạo.

Số phụ nữ lãnh đạo các công ty đầu tư mạo hiểm như Chen đang ngày một nhiều hơn. Kathy Xu là nhà sáng lập của Capital Today Group ở Thượng Hải. Công ty này quản lý số tài sản lên tới 1,2 tỷ USD và cũng là nhà đầu tư của công ty thương mại điện tử JD.com.

Anna Fang là CEO của ZhenFund, một trong những nhà đầu tư thiên thần có ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Quốc. Ruby Lu, một giám đốc ở công ty H Capital của Chen, trước đây từng sáng lập nên chi nhánh Trung Quốc của DCM Ventures.

Thành công của họ là niềm cảm hứng khiến nhiều phụ nữ gia nhập ngành công nghệ Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc ước tính, phụ nữ sáng lập 55% số công ty Internet ở nước này và hơn 1/4 doanh nhân là phụ nữ. Ở Mỹ, chỉ 22% start-up có nhiều hơn một phụ nữ trong đội ngũ sáng lập.

Truyền thống tạo cơ hội nghề nghiệp cho phụ nữ ở Trung Quốc đã có từ thời Mao Trạch Đông còn lãnh đạo. Phụ nữ làm việc ở các cánh đồng và nhà máy khi Trung Quốc còn trong thời bao cấp, và chiến đấu cùng đàn ông trong cuộc nội chiến ở nước này. So với những điều trên, việc phụ nữ làm trong ngành công nghệ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Tình trạng phân biệt đối xử với phụ nữ vẫn còn phổ biến ở Trung Quốc. Đàn ông nắm hầu hết những vị trí quyền lực trong chính trị và kinh doanh. Phụ nữ vẫn phải chịu nhiều định kiến trong ngành công nghệ Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đang âm thầm trở thành một trong những nơi tốt nhất trên thế giới cho các doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm là nữ.

Theo dữ liệu của Preqin, Chen đã thành lập một quỹ đầu tư mạo hiểm mới trị giá 500 triệu USD. Đây là quỹ lớn nhất do một phụ nữ lập nên, nâng số tài sản do cô quản lý lên khoảng 1 tỷ USD. Quỹ lớn nhất do một phụ nữ điều hành ở Mỹ chỉ có quy mô bằng một nửa quỹ mới của Chen.

“Trung Quốc là một nơi hoàn toàn khác”, Gary Rieschel, nhà sáng lập của Qiming Venture Partners có trụ sở ở Trung Quốc nói. 4 trong 9 giám đốc đầu tư của công ty này là phụ nữ. “Lĩnh vực đầu tư mạo hiểm ở Mỹ là chuyện riêng của đàn ông. Trong khi đó, tài năng của phụ nữ được coi trọng hơn ở Trung Quốc”, ông nói.

Với Chen, thành công không phải tự nhiên mà có. Cô lớn lên ở tỉnh Hồ Bắc, cái nôi của thể dục dụng cụ Trung Quốc. Cha mẹ cô, một người là giáo viên cấp ba và một người là kế toán, không giàu có hoặc có nhiều quan hệ. Dẫu vậy, cô vẫn nỗ lực thi đậu vào một đại học hàng đầu Trung Quốc và giành được một học bổng đại học danh giá ở Mỹ.

Nhưng rồi nỗi cô đơn và nhớ nhà đã khiến cô từ bỏ học bổng trên để học cùng những người bạn Trung Quốc ở Đại học Rutgers, New Jersey. Khóa học duy nhất có sẵn là về khoa học thư viện. Vì thế, cô an phận chọn ngành này với suy nghĩ làm thủ thư sau này.

Sau khi hoàn thành khóa học, Chen được nhận làm thủ thư tại ngân hàng thương mại Veronis Suhler Stevenson ở New York vào năm 1994. Khi đó vẫn là thời kỳ đầu của Internet và cô phải quản lý những tủ hồ sơ doanh nghiệp dày cộm bằng tay. Sự cần mẫn của cô nhanh chóng làm CEO của ngân hàng, John Suhler để ý. “Tôi chưa thấy ai cần mẫn như cô ấy. Cô ấy giỏi hơn bất kỳ nhân viên có bằng MBA nào của chúng tôi”, Suhler nói.

Sau đó, Suhler đã cất nhắc cô lên vị trí cao hơn, làm việc với các thương vụ đầu tư. “Ông ấy cứ liên tục gửi yêu cầu cho tôi sau khi đọc báo cáo”, Chen nhớ lại. Cô là phụ nữ Trung Quốc duy nhất trong công ty. Càng có thêm kinh nghiệm, Chen càng tự tin. Cô đã thực hiện khoảng 45 thương vụ đầu tư trong ngành giáo dục và xuất bản, và được thăng tiến lên chức giám đốc.

Chen gặp nhà sáng lập của quỹ đầu tư mạo hiểm Tiger Global, Chase Coleman vào năm 2003, thông qua những người quen chung. Coleman nhận ra tiềm năng của Chen và khuyến khích cô lập một quỹ đầu tư chuyên về giáo dục. Vào tháng 10/2004, cô chính thức gia nhập Tiger.

Một trong những khoản đầu tư đầu tiên của Chen trong năm 2004 là ở Tập đoàn giáo dục và công nghệ New Oriental. Đây là nhà cung cấp khóa học ngoại ngữ và luyện thi nổi tiếng ở Trung Quốc, đang muốn mở rộng hoạt động vào thời điểm đó. New Oriental niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm 2006 và cổ phiếu của hãng tăng gấp 4 chỉ trong một năm. Đây là chiến quả đầu tiên của Chen ở Tiger.

“Chen là một nhà đầu tư đáng sợ. Tôi chưa thấy ai có khả năng định vị môi trường đầu tư ở Trung Quốc tốt như cô ấy”, Coleman nói.

Chen cũng đầu tư vào JD.com khi nó vẫn chỉ là một start-up thương mại điện tử mới nổi, sống dưới cái bóng của Alibaba. Tin rằng biên lợi nhuận của công ty sẽ tăng vọt nếu đạt đến quy mô đủ lớn, cô đồng ý đầu tư với số tiền làm cả làng công nghệ Trung Quốc sửng sốt. “Mọi người nghĩ rằng chúng tôi bị điên. Họ nghĩ chúng tôi sẽ chết chắc. Nhưng khi nhìn vào JD, chúng tôi chỉ thấy tiềm năng”, cô chia sẻ.

Tính đến nay, cô có cả thảy ba người con. Cô có các thói quen làm việc không bình thường, thậm chí là không chấp nhận được, kể cả ở phương Tây. Cô mang cậu con trai thứ nhất tới văn phòng mỗi ngày trong ba năm. Cô không thuê vú em hoặc người giúp việc, vì thế con trai cô có mặt ở gần như mọi cuộc họp của cô, bò trườn trên các bàn họp và vẽ nguệch ngoạc trên tường.

Cô chia sẻ, mang con đến công ty giúp cô xây dựng quan hệ thân mật với nhiều doanh nhân mà cô đầu tư vào start-up của họ. Nhiều lúc con trai cô khóc và làm gián đoạn cuộc họp, nhưng cô vẫn không dừng lại. Việc mang con đến văn phòng giúp cô có cơ hội phát triển quan hệ gần gũi hơn với các nhà sáng lập.

Sau những năm tháng chinh chiến trong giới đầu tư, Chen thừa nhận quan niệm của cô về phụ nữ đã thay đổi. Cô từng tin phụ nữ không có tầm nhìn xa trông rộng, điều làm nên những doanh nhân vĩ đại. Nhưng cô không còn nghĩ như thế nữa. “Có ngày càng nhiều nữ doanh nhân đã thay đổi quan niệm của tôi. Họ có tầm nhìn tuyệt vời”, cô nói.

Nam Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM