Quay lưng với chaebol, doanh nghiệp vừa và nhỏ là con át chủ bài của tân Tổng thống Hàn Quốc

12/05/2017 11:07 AM | Xã hội

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cam kết trao cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình hoạt động thay vì chỉ đưa ra chính sách có lợi cho các tập đoàn lớn.

Cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ở quốc gia mà 10 tập đoàn lớn nhất sở hữu tới ¼ tài sản, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cam kết tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giúp ông đạt mục tiêu tạo ra 500.000 việc làm trong lĩnh vực tư nhân. Đây cũng chính xác là những gì mà các công ty như Seondo Electric, nhà sản xuất thiết bị chuyển mạch, ngắt chân không và hệ thống điều khiển, muốn nghe.

“Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ là điều mà ông Moon đã cam kết suốt cuộc đua vào Nhà Xanh. Trong khi các chính phủ cũ đã cố gắng nhưng thất bại, chúng tôi kỳ vọng chính phủ mới sẽ thành công vì ông Moon được coi là người gần gũi với người dân”, Choi Sung-jin, lãnh đạo một doanh nghiệp có 189 công nhân, khẳng định.

Tuy nhiên, nhiệm vụ trên vai tân Tổng thống vừa nặng thêm một chút khi báo cáo ngày 11/5 cho biết tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong tháng Tư vừa qua tăng lên 11,2%, so với 10,9% một năm trước đó. Các yếu tố dẫn đến sự gia tăng này bắt nguồn từ việc tái cơ cấu của những tập đoàn lớn, khiến sinh viên ra trường không thể tìm được việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp tổng thể cũng tăng từ 3,7% lên 4%.

Ngay sau khi nhậm chức ngày 10/5, Tổng thống Moon đã tái khẳng định tạo thêm công ăn việc làm là nhiệm vụ số 1 của ông. Ông cũng công bố một số biện pháp nhằm thu hút nhiều người gia nhập thị trường lao động, bao gồm thành lập một ủy ban việc làm của tổng thống.

Quay lưng với chaebol

Ông Moon chẳng thể trông đợi gì vào 10 chaebol lớn nhất đang dẫn dắt nền kinh tế Hàn Quốc. Với sự tăng trưởng kinh tế ì ạch trong nước, các tên tuổi lớn đang phải đẩy mạnh các hoạt động đầu tư sản xuất ở nước ngoài. Hyundai Motor là một trong số đó. Năm ngoái, sản lượng ô tô trong nước của hãng là 46%, giảm từ 60% trong năm 2010.

Ông Justin Jimenez, nhà kinh tế học của Bloomberg, nhấn mạnh: “Sự siết cổ mà các chaebol làm với nền kinh tế Hàn Quốc không cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Điều đó làm giảm khả năng thuê nhân công của các doanh nghiệp này, khiến thị trường việc làm mất đi nhiều cơ hội”.

Hơn nữa, tâm lý chống chaebol đang phổ biến trong xã hội Hàn Quốc, nhất là sau vụ bê bối dẫn tới việc phế truất bà Park Geun-hye và bắt giữ Phó Chủ tịch Jay Y. Lee, người thừa kế tập đoàn Samsung. Dù bà Park và ông Lee đều bị tạm giữ nhưng cả hai phủ nhận mọi cáo buộc. Trong một vụ việc khác, tập đoàn Lotte đang phải đối mặt với những cáo buộc hình sự liên quan tới việc biển thủ trong vụ ủy thác trị giá 248 triệu USD.

Suy thoái kinh tế

Trong chiến dịch tranh cử, Moon kêu gọi chấm dứt “chiến lược tăng trưởng tập trung vào các chaebol” đồng thời coi đó là nguyên nhân của sự tăng trưởng thấp và thất nghiệp. Ngân hàng Hàn Quốc dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay sẽ đạt 2,6%, giảm từ 2,8% so với năm ngoái.

Cùng với đó, doanh nghiệp vừa và nhỏ, được định nghĩa là các công ty có dưới 300 nhân công, trở thành trung tâm trong kế hoạch phục hồi nền kinh tế của Tổng thống Moon. Trong tháng 12 năm ngoái, Bộ Lao động Hàn Quốc cho biết các doanh nghiệp này sử dụng khoảng 14,3 triệu nhân công, tương đương 85% thị trường lao động trong nước.

Liên doanh Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hàn Quốc nhấn mạnh trong một tuyên bố: “Thời điểm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã đến. Tăng trưởng kinh tế cần tập trung vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ để thúc đẩy sự đổi mới cũng như tạo ra công ăn việc làm”.

Ngoài ra, ông Moon cũng cam kết hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo và giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà máy điện hạt nhân. Điều đó có thể là tin vui với S-Energy, công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời với 167 nhân công tại 2 nhà máy ở Hàn Quốc. Sự cạnh tranh gay gắt ở 2 thị trường chính là Mỹ và Nhật Bản khiến doanh thu của S-Energy đang ngày một sụt giảm.

Park Sang-min, CEO của S-Energy, kỳ vọng ông Moon sẽ giảm thuế và đưa ra các ưu đãi khác nhằm giúp công ty cạnh tranh được với các đối thủ nước ngoài. “Nhiều chính sách tập trung vào các doanh nghiệp lớn. Chúng tôi yêu cầu chính phủ cho chúng tôi động lực và cơ hội để phát triển và cạnh tranh hơn với các công ty lớn”.

Theo Linh Anh

Cùng chuyên mục
XEM