Vì sao có những trào lưu 'Không phải dạng vừa đâu' hay chụp ảnh Võ Tắc Thiên?

05/02/2015 15:10 PM | Thương hiệu

Một bắt nguồn từ âm nhạc, một bắt nguồn từ phim ảnh. Nhưng 2 trào lưu này cùng có mục đích chung là giải quyết một nhu cầu tâm lý của giới trẻ: Thích cái đẹp và thể hiện sự cool.

Nội dung nổi bật:

- “Võ Tắc Thiên” trở thành cái tên được thảo luận nhiều thứ 2 trên các mạng xã hội năm 2014 sau “Thần điêu Đại hiệp” trên lĩnh vực phim ảnh

- Các trào lưu được hình thành nhằm giải quyết một nhu cầu tâm lý của giới trẻ như theo đuổi sự hoàn hảo, muốn cool, nổi tiếng...

- Sự xuất hiện và bùng nổ của các trào lưu nhờ sự phát triển của mạng xã hội năm 2014 đã được nhiều thương hiệu tận dụng.


Theo thống kê và tổng hợp của giải pháp lắng nghe mạng xã hội Buzzmetrics Social Listening về Những trào lưu nổi bật trên social media trong năm 2014, “Võ Tắc Thiên” trở thành cái tên được thảo luận nhiều thứ 2 trên các mạng xã hội năm 2014 sau “Thần điêu Đại hiệp” trên lĩnh vực phim ảnh, dù đến cuối năm 2014 bộ phim này mới được khởi chiếu.

Các trào lưu khác được thảo luận nhiều trên mạng xã hội có thể kể đến như “Không phải dạng vừa đâu”, “Chắc ai đó sẽ về”, “Vậy hoy đi nha”...

Theo Buzzmetrics, một trong những điều đánh dấu sự thành công của một chiến dịch là tạo được hiệu ứng trào lưu hưởng ứng trong đó có đậm chất hình ảnh của thương hiệu. Để làm được điều này có 2 cách: 1. Tìm ra một công thức hình thành trào lưu; hoặc 2. Ăn theo một trào lưu với phiên bản thương hiệu.

Sự xuất hiện và bùng nổ của các trào lưu nhờ sự phát triển của mạng xã hội năm 2014 đã được nhiều thương hiệu tận dụng, ví dụ Bia Sư Tử Trắng của Masan với chiến dịch “Uống bia không được hôi mà phải thơm” hay “Chia tay không đòi quà mà đòi bia”. Hoặc Coca-Cola đã tạo ra được trào lưu của riêng mình với chiến dịch Share a Coke và hashtag #xomtu, Yomost với “Một cảm giác rất Yomost”.

Buzzmetrics cũng cho rằng, có một công thức chung cho việc hình thành trào lưu tại Việt Nam.

Cụ thể, Công thức của trào lưu = Giải quyết một nhu cầu tâm lý + Đơn giản, dễ áp dụng + Tập hợp tại một Fanpage x Phát tán bằng Những người có ảnh hưởng trong cộng đồng và Fanpages.

Theo phân tích của báo cáo, các trào lưu được hình thành và lan truyền trên mạng xã hội đều chủ yếu xuất phát từ việc đánh đúng tâm lý của đại đa số người dùng trong cộng đồng mạng, đó là giới trẻ – những người năng động nhất trên mạng xã hội.

Một số tâm lý thường gặp của đối tượng người dùng này trong các trào lưu là:

Thích cái đẹp và theo đuổi sự hoàn hảo

Có sự khác nhau về khái niệm đẹp giữa nam và nữ nhưng nhìn chung những người có ngoại hình đẹp được cho rằng họ có gen cao cấp hơn và có địa vị xã hội cao hơn. Ví dụ điển hình có thể kể đến như Võ Tắc Thiên với dàn diễn viên đẹp long lanh và trào lưu hóa thân thành Võ Tắc Thiên với ứng dụng chỉnh sửa ảnh Pitu hay việc chụp ảnh bằng ứng dụng Camera 360 để có những bức ảnh lung linh.

Bên cạnh đó, việc diễn viên Trần Nghiên Hy đóng vái Tiểu Long Nữ trong bộ phim Thần điêu đại hiệp 2014 bị cộng đồng mạng ném đá không thương tiếc cũng một phần xuất phát bởi việc yêu cái đẹp và theo đuổi sự hoàn hảo của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, khi mà họ cho rằng Trần Nghiên Hy mặc dù không xấu nhưng không đạt được kỳ vọng của họ.

Muốn có một ngôn ngữ chung / Thể hiện sự Cool và cập nhật / Áp lực hòa mình vào nhóm

Sự hình thành các trào lưu về Ngôn ngữ và Bình luận cho thấy giới trẻ đang mong muốn có một ngôn ngữ chung thể hiện sự cool và cập nhật để sử dụng khi nói chuyện với bạn bè. Nhìn sâu xa hơn, việc này đến từ áp lực hòa mình vào nhóm (tâm lý bầy đàn).

Giá trị cập nhật và tạm thời không có ý nghĩa với người lớn nhưng lại có ý nghĩa với giới trẻ vì họ sinh ra và lớn lên trong một thời đại bão hòa thông tin và sự thay đổi của thông tin một cách chóng mặt.

Các từ ngữ, câu nói được sử dụng rộng rãi và được xem như ngôn ngữ chung trong cộng đồng mạng có thể kể đến như: “Đắng lòng”, “Đã báo VTV”, “Vậy hoy đi nha”, “Xin hãy là em của ngày hôm qua” (Em của ngày hôm qua), “Em đi xa quá, em đi xa anh quá” (Chắc ai đó sẽ về), “Không phải dạng vừa đâu”...

Muốn chứng tỏ mình / muốn là người nổi tiếng

Việc xuất hiện một loạt các clip cover những bài hát, video clip, bộ ảnh hot thỏa mãn tâm lý muốn chứng tỏ mình và mong muốn trở thành người nổi tiếng của giới trẻ.

Hiện tượng đình đám nhất trong trào lưu cover clip là “Anh không đòi quà” khi mà diễn viên trong video gốc bị nhận xét là có diễn xuất thiếu tự nhiên và ngoại hình không quá nổi bật. Sau đó, một loạt các clip cover khác đã được ra đời với sự hưởng ứng và đầu tư của nhiều nhóm bạn trẻ trong đó mức độ khoe thân của các người mẫu trong clip ngày càng táo bạo.

Một trào lưu khác có thể kể đến là hóa thân thành hình tượng “Tiểu Long Nữ” của nhiều hot girl, người nổi tiếng như Ngọc Trinh, Lily Luta, Angela Phương Trinh,…khi bản gốc của Trần Nghiên Hy được cho là không mấy đẹp mắt.

Sự cô đơn trong sự kết nối / Mong muốn được đồng cảm

Trong thế giới công nghệ ngày càng phát triển, giới trẻ càng ngày càng kết nối nhưng biệt lập. Một người có thể có hàng ngàn bạn trên facebook nhưng không hề có một người bạn thân ngoài đời. Trong sự cô đơn của mình giới trẻ luôn tìm một sự đồng cảm từ những người bạn trên mạng xã hội thông qua những hình ảnh chung.

Các yếu tố khác tạo nên sự thành công của các trào lưu trên mạng xã hội là có Facebook riêng và cập nhật thường xuyên, tính đơn giản, dễ áp dụng, có tính tương tác cao. Sự thành công ngoài mong đợi của chiến dịch Share a coke của Coca-cola hay Ice Bucket Challenge đã chứng minh cho tính hiệu quả của việc đơn giản, dễ áp dụng và mang tính tương tác, kết nối cao trong cộng đồng mạng.

Trào lưu lan truyền như thế nào?

Các trào lưu cũng giống như các khủng hoảng trên truyền thông xã hội, bắt đầu từ những bài viết nhỏ lẻ của cộng đồng mạng, được châm ngòi bởi một hiện tượng (thông thường qua sự đưa tin của báo chí hoặc nhà xuất bản), sau đó được phát tán rộng rãi bởi các Influencers (Người có ảnh hưởng trong cộng đồng) và Fanpages và dần dần nguội đi theo thời gian.

Buzzmetrics nhận định: Vai trò của các Fanpages và Influencers là cực kỳ quan trọng trong việc phát tán và bùng phát của trào lưu.

>> Đại sứ thương hiệu: Vì sao Mercedes chọn Thu Minh, Vietjet Air chọn Ngọc Trinh?

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM