Cấm quảng cáo trên xe buýt ở TPHCM: 10 năm nhìn lại

19/03/2013 13:49 PM | Thương hiệu

Trong khi loại hình quảng cáo trên xe buýt đã trở nên khá phổ biến ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, thì đã hơn mười năm, xe buýt tại TP.HCM vẫn không được phép quảng cáo.

Nhắc lại việc TP.HCM vẫn bị “treo” quảng cáo trên xe buýt, ông Nguyễn Quý Cáp, Phó chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM (HAA), bức xúc:

"Sau gần mười năm, những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực quảng cáo đã sử dụng tất cả các kênh từ cơ sở pháp lý đến yêu cầu thực tiễn và gửi rất nhiều đơn thư, đề xuất nhưng vẫn chưa có lời giải cho vấn đề.

Nếu tiếp tục không cho phép thực hiện quảng cáo trên xe buýt, thì cũng sớm thông báo rõ bằng văn bản hoặc họp công khai với đại diện các sở, ngành. Đồng thời, HAA xin được đăng ký gặp mặt để góp ý cụ thể nhằm tìm ra hướng đi rõ ràng và chắc chắn cho vấn đề này”.

Để hiểu rõ hơn bức xúc của ông Cáp, cũng cần lật lại hồ sơ về vệc cấp phép quảng cáo trên xe buýt trước đó. Trước năm 2013, văn bản pháp luật cao nhất về quảng cáo là Pháp lệnh về Quảng cáo do UBTV Quốc hội ban hành ngày 16/11/2001 (Số 39/2001/PLUBTVQH10). Tại khoản 8, điều 9, pháp lệnh này cho phép quảng cáo trên xe buýt như một vật thể di động.

Bên cạnh đó, Nghị định 24/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/3/2003 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về Quảng cáo; Thông tư số 43/2003/TT-BVHTT của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện Nghị định 24/2003/NĐ-CP, Thông tư 67 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu phí trên phương tiện giao thông, Pháp lệnh phí và lệ phí số 38/2001/PL - UBTVQH10 ngày 28/8/2001 cũng có quy định khoản thu cụ thể về quảng cáo.

Gần đây nhất, trong Luật Quảng cáo (có hiệu lực từ ngày 1/1/2013), tại khoản 5, điều 17, khoản 1 - 2, điều 32 cho thấy “phương tiện giao thông” là phương tiện quảng cáo được cho phép và công nhận.

Trở lại năm 1992, khi chưa có pháp lệnh, hướng dẫn cụ thể nào về việc quảng cáo trên các phương tiện giao thông, TP.HCM là một trong những đơn vị tiên phong cho phép thực hiện loại hình quảng cáo này.

Tuy nhiên, đến năm 2001, khi Pháp lệnh về quảng cáo được ban hành và không có nội dung cấm quảng cáo thì năm 2002, TP.HCM ra Quyết định 108 không cho thực hiện “quảng cáo trên các phương tiện giao thông công cộng”. Quyết định này tạo nên một làn sóng dư luận lúc bấy giờ.

Năm 2008, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM đã làm đề án quảng cáo thương mại ngoài thân xe buýt. UBND TP.HCM ra Quyết định 39 thay thế Quyết định 108 có điều chỉnh một số nội dung nhưng vẫn tiếp tục không mở đường cho “quảng cáo trên các phương tiện giao thông công cộng”.

Đến năm 2010, Cục Văn hóa Cơ sở thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch có văn bản chính thức gửi Sở Văn hóa và Thể thao và Du lịch và UBND TP.HCM xác nhận việc cấm quảng cáo trên các phương tiện giao thông tại TP.HCM là trái pháp luật, và đề nghị UBND TP.HCM sớm giải quyết và cho phép thực hiện quảng cáo trên phương tiện giao thông.

Năm 2011, UBND TP.HCM mới chấp thuận và giao cho Công ty CP Tầm Nhìn (Vision) thực hiện đề án “Xây dựng hệ thống thương hiệu và khai thác quảng cáo thương mại trên xe buýt”. Tuy nhiên, sau gần 2 năm được giao thực hiện nhưng đến nay đề án này vẫn chưa có bước tiến triển nào.

Có thể thấy, việc chỉ có riêng TP.HCM cấm quảng cáo trên các phương tiện giao thông vận tải hoàn toàn không căn cứ trên cơ sở pháp luật nào. Đồng thời, quyết định cấm quảng cáo trên xe buýt tại TP.HCM cũng không thống nhất với các địa phương khác trên cả nước, gây nên tình trạng xung đột về pháp luật, cùng một hoạt động như nhau nhưng nơi này cho phép thực hiện, nơi khác lại không cho phép.

Từ đó dẫn đến nhiều bất cập như: xe buýt do TP.HCM chủ quản thì không được quảng cáo, nhưng xe buýt cũng hoạt động tại TP.HCM nhưng do tỉnh, thành phố khác hoặc bộ, ngành trung ương chủ quản lại được phép quảng cáo, như tuyến Đồng Nai - Bến xe Miền Đông, Tây Ninh - Bến Thành, Long An - Bến xe Chợ Lớn...

Và trên hết, việc không thống nhất trong việc cho phép quảng cáo nêu trên đã gây thiệt thòi cho các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo, gây thất thu cho ngân sách, thiệt thòi cho các chủ xe trong địa bàn thành phố.

Hiện nay, tại TP.HCM có 143 tuyến có xe buýt với hơn 3.200 xe. Mức giá cho thuê quảng cáo cho các loại xe buýt từ 33 triệu - 50 triệu đồng/xe/năm. Nếu quảng cáo trên 3.000 xe buýt, số tiền thành phố thu được từ quảng cáo sẽ từ 120 - 150 tỷ đồng/năm. Tính từ năm 2002 đến nay, chắc con số thất thu đã lên đến ngàn tỷ đồng!

Cho dù số tiền này thành phố không thể giữ lại hết vì phải phân chia lợi nhuận cho các đơn vị công ty, hợp tác xã và phí quản lý thì cũng không thể phủ nhận đây là số tiền sẽ góp phần giảm ngân sách trợ giá xe buýt cho thành phố.

Ngoài chuyện ngân sách không có điều kiện thu thêm, thì chất lượng xe buýt cũng sẽ giậm chân tại chỗ vì xã viên, chủ xe thiếu kinh phí đầu tư sửa chữa, thay mới, giúp xe buýt sạch và văn minh hơn.

Gần đây nhất, khi Luật Quảng cáo đã có hiệu lực, cơ sở pháp lý đã đầy đủ, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xác định quảng cáo trên xe buýt đương nhiên được chấp thuận và đề nghị duyệt đề án xây dựng trên xe buýt.

HAA được yêu cầu cử người lập Hội đồng thẩm định và chờ quyết định họp từ thành phố. Hội đồng đã được lập từ tháng 6/2012, nhưng đến nay HAA vẫn chưa nhận được tin gì thêm, nên vẫn tiếp tục... chờ.

Ông Đặng Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển quảng cáo Việt Nam - VADC, Tổng thư ký Hội Doanh nghiệp quận Bình Thạnh:

Mọi quyết định phải nghiên cứu cụ thể

Trong thời gian qua, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam đã làm việc với UBND TP.HCM nhưng kết quả vẫn phải đợi. 

Trong lần họp gần đây nhất giữa Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP.HCM về việc hướng dẫn thực hiện Luật Quảng cáo mới, một lãnh đạo Sở cũng xác nhận rằng: 

“Luật Quảng cáo có hiệu lực từ 1/1/2013 cho phép quảng cáo trên phương tiện giao thông, nhưng thực hiện như thế nào vẫn phải chờ thông tư hướng dẫn của Bộ, dự kiến phải qua tháng 6/2013 mới ban hành. Theo đó, Sở mới có văn bản trình UBND phê duyệt được”.

Có lẽ các nhà quản lý còn băn khoăn và sợ ảnh hưởng đến hình ảnh văn minh đô thị. Nhưng nhiều nước cho phép quảng cáo trên xe buýt, không những không bị ảnh hưởng mà còn làm cho đường phố càng sinh động hơn. 

Ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, quảng cáo trên xe buýt tỏ ra có hiệu quả thiết thực. Còn nếu nói lo lắng quảng cáo trên xe buýt làm mất an toàn giao thông thì chưa thuyết phục, vì cần phải có thống kê và nghiên cứu cụ thể.


Ông Nguyễn Thanh Đảo, Tổng thư ký Hội Quảng cáo TP.HCM:

Hy vọng quy định cấm sẽ sớm được bãi bỏ

Việc cấm quảng cáo trên thân xe buýt là điều rất đáng tiếc và có phần khó hiểu. Vì đây là phương tiện quảng cáo rất phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, đồng thời cũng đã được cho phép tại Việt Nam. 

Có lẽ khi ban hành lệnh cấm này, cơ quan nhà nước cũng có một số lý do nhất định. Nhưng liệu những lý do đó có được nghiên cứu kỹ càng, dựa trên cơ sở khoa học hay là theo cảm tính? 

Các doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời rất bức xúc về vấn đề này vì ngoài việc mất đi cơ hội kinh doanh chính đáng còn bởi họ chưa nhận được câu trả lời một cách thấu đáo về lý do cấm. 

Tại sao tất cả các tỉnh, thành khác trên cả nước, kể cả thủ đô Hà Nội, đều được kinh doanh lĩnh vực này, còn tại TP.HCM thì không? Hy vọng Luật Quảng cáo đã ban hành có hiệu lực (công nhận và cho phép quảng cáo trên thân xe buýt), cùng với các kiến nghị liên tục từ doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông thời gian qua, lệnh cấm này sẽ sớm được bãi bỏ. 

Huỳnh Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông và Quảng cáo ATD

Nguồn thu tiềm năng từ quảng cáo

Không chỉ hiệu quả trong quảng cáo thương hiệu, xe buýt cũng có thể truyền tải tốt các nội dung tuyên truyền các các cuộc vận động trên cả nước, trong đó có các nội dung về an toàn giao thông... 

Cũng nên đặt câu hỏi tại sao cho quảng cáo tại các trạm chờ xe buýt mà không cho quảng cáo trên xe? Và hiển nhiên, muốn khuyến khích người dân dùng các phương tiện công cộng để giảm thiểu kẹt xe, tai nạn thì không gì tốt hơn là nâng cao tiện ích, thẩm mỹ và an toàn trên xe buýt. 

Muốn vậy, các doanh nghiệp vận tải xe buýt cần phải tăng nguồn thu, đặc biệt là nguồn thu rất tiềm năng là từ quảng cáo.


Theo Hoàng Nam - Hải Lan

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM