10 công ty sản xuất hàng tiêu dùng hàng đầu thế giới

11/04/2013 10:05 AM | Thương hiệu

Theo báo cáo mới nhất vừa được công bố ngày 10/4 của công ty tư vấn Deloitte, tập đoàn đồ uống và thực phẩm Nestle (Thụy Sĩ) vẫn ở trong tốp 10 công ty sản xuất các sản phẩm tiêu dùng hàng đầu thế giới cho dù bị ảnh hưởng bởi vụ scandal thịt ngựa giả thịt bò ở châu Âu trong thời gian gần đây. 

Nestle đứng thứ tư trong 250 công ty cung cấp sản phẩm tiêu dùng lớn nhất thế giới.

Báo cáo của Deloitte nhấn mạnh đây là lần đầu tiên ba vị trí đầu bảng thuộc về lĩnh vực sản xuất các sản phẩm điện tử. Samsung (Hàn Quốc) tiếp tục duy trì vị trí quán quân trong năm thứ 5 liên tiếp, tiếp đến là Apple (Mỹ), đã nhảy 21 bậc trong 5 năm lên vị trí thứ hai, và Panasonic (Nhật Bản) giữ vị trí thứ ba.

Mặc dù kinh tế toàn cầu còn chưa ổn định song tổng doanh số bán hàng của 250 công ty lớn nhất về lĩnh vực này đã tăng thêm 7% trong tài khóa 2011 lên trên 3.000 tỷ USD (2.800 tỷ franc Thụy Sĩ), so với con số 2.820 tỷ USD tài khóa 2010. 

10 công ty sản xuất các sản phẩm tiêu dùng lớn nhất thế giới đã đạt mức doanh thu tổng cộng 846 tỷ USD.

Howard da Silva, người đứng đầu lĩnh vực kinh doanh hàng tiêu dùng của Deloitte ở Thụy Sĩ, cho biết nền kinh tế toàn cầu đã chứng kiến nhiều thách thức bao gồm lạm phát, khủng khoảng đồng euro và các thảm họa thiên tai.

Tuy nhiên, doanh số bán các sản phẩm tiêu dùng vững mạnh là dấu hiệu cho thấy tăng trưởng ở nhiều nền kinh tế đang phát triển giúp bù đắp nhiều hơn so với những điều kiện kinh tế tiêu cực ở nhiều nền kinh tế phát triển. Điều  này cũng có nghĩa là trong một vài năm tới, lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm tiêu dùng sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng, song mức chênh lệch vẫn nghiêng về thị trường các nước đang phát triển.

Bốn công ty khác của Thụy Sĩ ở trong tốp 250 công ty hàng đầu này là Richemont ở vị trí 74, Swatch đứng thứ 104, Rolex giữ vị trí 153 và Emmi đứng thứ 246.

Nestle, công ty thực phẩm lớn nhất thế giới, mới đây đã phải lên tiếng xin lỗi đến người tiêu dùng, đồng thời thu hồi các sản phẩm pasta thịt bò của công ty tại Italy và Tây Ban Nha sau khi phát hiện có thịt ngựa trong các sản phẩm này. 

Những lo ngại về thịt ngựa giả thịt bò xuất hiện vào đầu năm nay sau khi Cơ quan Tiêu chuẩn thực phẩm Anh tuyên bố đã phát hiện chất phenylbutazone trong thịt ngựa - một chất cấm có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm.

Theo Tố Uyên 

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM