Vì sao vụ chuyển đổi của cựu CEO Habubank lại ầm ĩ?

09/11/2012 10:53 AM | Quản trị

Lãnh đạo ngân hàng bị thôi chức để tập trung đi thu nợ không hiếm nhưng trường hợp của cựu CEO Habubank lại ầm ĩ vì những lý do riêng.


Ngày 6/11, Ngân hàng cổ phần Sài Gòn Hà Nội (SHB) công bố thông tin việc miễn nhiệm chức danh Phó tổng giám đốc đối với bà Bùi Thị Mai và bố trí làm nhân viên tại Ban quản lý và xử lý nợ có vấn đề. Trước đó, bà Mai thôi chức Tổng giám đốc Habubank (khi HBB sáp nhập vào SHB) và được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc SHB.

Trong giới ngân hàng, việc một lãnh đạo bị cách chức hoặc tạm đình chỉ chức vụ để đi thu hồi nợ xấu diễn ra khá nhiều. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, các nhà băng đều giữ kín sự việc để giữ thể hiện cho chính ngân hàng và người chịu án kỷ luật.

Tổng giám đốc một nhà băng cỡ lớn ở TP.HCM từng có kinh nghiệm xử lý nợ xấu thành công chia sẻ: “Mỗi người có một cách nhìn khác nhau về hậu quả nợ xấu mà mình phải xử lý. Tôi thiên về hướng chia sẻ và cùng với người cũ giải quyết và tránh gây ra sự chú ý không cần thiết về lỗi lầm mà họ đã mắc phải”. Ông này cũng bổ sung thêm, trong ngành tài chính yếu tố tâm lý rất quan trọng và đó là lý do nếu phải kỷ luật, đình chỉ lãnh đạo cấp cao nào đó vì để xảy ra nợ xấu, ngân hàng cũng không công bố ầm ĩ, tránh tạo ra những hiệu ứng phụ.

Một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước tiết lộ, trước đây, Techcombank, Ngân hàng An Bình… và nhiều nhà băng khác đều có những lãnh đạo, kể cả phó tổng giám đốc bị đình chỉ công tác để đi thu nợ. “Với các nhà băng này, việc thu được nợ là quan trọng chứ không phải là công bố thông tin ai đó bị giáng chức. Việc công bố sẽ gây ra ầm ĩ, phiền phức không nhỏ”, ông này nói.

Về việc chuyển bà Bùi Thị Mai - nguyên CEO Habubank và là Phó tổng giám đốc của SHB sang làm chuyên viên thu hồi nợ, một lãnh đạo phía SHB nói, điều này là đúng quy trình đối với các cán bộ liên quan tới khoản nợ xấu, nợ quá hạn cũng như quy định trách nhiệm của ban điều hành cũ phối hợp với bộ phận mới để giải quyết khoản nợ trước đó.

Với chuyện công bố thông tin, một nguồn tin từ nhà băng này cho biết, SHB là một ngân hàng niêm yết và bà Bùi Thị Mai thuộc danh sách lãnh đạo khi có thay đổi công việc phải công khai theo quy định trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Tổng giám đốc một nhà băng cổ phần cỡ vừa tại Hà Nội nhận xét, việc đưa một cựu CEO xuống làm nhân viên thu nợ là một tin nhạy cảm, lại công bố thông tin công khai, tạo nên một sự kiện ầm ĩ sẽ không có lợi cho chính ngân hàng. Bên cạnh đó, điều này tạo tâm lý không tốt cho những nhân viên Habubank tại SHB.

“Trong ngành tài chính, nhân sự là yếu tố quan trọng nhất, nếu lòng người mà không thuận thì sẽ rất mệt trong điều hành và khó phát huy được năng lực của nhân viên. Nhìn vào trường hợp bà Mai, chắc là nhân viên cũ của Habubank không vui”, ông này nói.

Về nghĩa vụ công bố thông tin, ông này bình luận: “Nếu muốn sự việc êm ả, giữ thể diện cho nhau, ngân hàng hoàn toàn có thể chọn cách khác, đảm bảo việc thu hồi nợ vẫn được thực hiện mà không cần thiết phải ầm ĩ trên các phương tiện truyền thông. Điều này đặc biệt nhạy cảm khi bà Bùi Thị Mai là CEO của một nhà băng mới sáp nhập”.

Hai nhà băng, hai số phận

Trước đó, vụ hợp nhất 3 ngân hàng gồm Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Sài Gòn đến nay chưa xảy ra vụ ầm ĩ nào về nhân sự. Ngân hàng mới hợp nhất là SCB gần như giữ lại các vị trí chủ chốt của 3 nhà băng trước đó. Hai chức vụ cao nhất trong HĐQT là chủ tịch và phó chủ tịch đều thuộc về người của Ngân hàng Đệ Nhất là bà Nguyễn Thị Thu Sương và ông Đinh Văn Thành.

Ngân hàng được lấy tên sau hợp nhất là Sài Gòn có 2 thành viên nằm trong HĐQT là ông Trầm Thích Tồn và ông Phan Vĩ Dân. Tín Nghĩa có 1 thành viên là ông Vũ Văn Thành (nguyên chủ tịch HĐQT). Ở ban điều hành, ông Uông Văn Ngọc Ẩn - nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đệ Nhất được bầu làm Tổng giám đốc. Các vị trí tại ban kiểm soát cũng chia đều cho người cũ của từng ngân hàng.

Trong khi đó, ngay sau lễ công bố thông tin hợp nhất, cựu Chủ tịch Habubank không còn làm việc tại ngân hàng mới, còn cựu CEO Habubank là bà Bùi Thị Mai được nhận làm Phó tổng giám đốc SHB. Ở những đơn vị cũ của Habubank như công ty chứng khoán, quản lý nợ…, các vị trí đứng đầu đều thuộc về người của SHB.

Tại buổi họp báo sáp nhập Habubank và SHB, những người tham dự đã có thể dự báo về một kết cục không mấy suôn sẻ cho những lãnh đạo của nhà băng bị sáp nhập. 

Vào hôm đó, trên bàn chủ tọa, 2 lãnh đạo của Habubank là ông Nguyễn Văn Bảng (Chủ tịch) và bà Bùi Thị Mai (Tổng giám đốc) mặt buồn thiu và thường cúi xuống. Trong khi đó, các đại diện của SHB thì trả lời rất hăng.

Lý giải về việc này, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, HĐQT của SHB “mới” gần như thay thế toàn bộ nhân sự chủ chốt điều hành, do thương vụ của nhà băng này với Habubank là sáp nhập, khác hoàn toàn với vụ 3 ngân hàng hợp nhất thành SCB. 

Ông Hiển nói thêm, các thành viên HĐQT của Habubank nếu có nguyện vọng tham gia vào HĐQT của SHB sẽ phải đề xuất, xin ý kiến cổ đông để bổ sung sau.


Theo LAN ANH - HOÀNG LY
Zing / Infonet

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM