Vì sao đi đâu cũng thấy CEO gốc Ấn?

11/08/2015 20:20 PM | Quản trị

Khiêm tốn, kiên trì hơn CEO người Mỹ.

Nhờ bổ nhiệm Sundar Pichai làm tân giám đốc điều hành, Google đã chính thức gia nhập "hội" các tập đoàn đa quốc gia điều hành bởi lãnh đạo người Ấn, bao gồm: Microsoft, Pepsi, Deutsche Bank, MasterCard, Adobe Systems, Diageo, người khổng lồ sản xuất hàng tiêu dùng Reckitt Benckiser và nhà sản xuất bán dẫn GlobalFoundries.

Quê hương, lý lịch, chuyên ngành khác nhau

Thoạt nhìn, các CEO người Ấn cũng không có nhiều điểm tương đồng cụ thể. Về độ tuổi chung, tất cả đều đang cuối "đầu 4", xấp xỉ "đầu 5", đây là độ tuổi để sự nghiệp của một nhà lãnh đạo lên tới đỉnh cao.

Phần lớn các CEO người Ấn sau khi học trong nước xong đều tốt nghiệp đại học ở Anh, Mỹ. Du học chính là bàn đạp họ cần trước khi nhập cư tới một vùng đất mang văn hóa khác lạ. Trong số đó, những người từng có kinh nghiệm quản lý khi còn ở Ấn Độ sẽ bắt đầu sự nghiệp tại các tập đoàn quốc tế, điều này là dĩ nhiên vì trước đó họ mới chỉ xuất phát từ những công ty gia đình, chiếm hai phần ba số lượng doanh nghiệp trong nước, khó lòng nhảy vọt trong thời gian ngắn.

Lý lịch của các CEO cũng mỗi người một khác. Họ đến từ những vùng miền khác nhau của Ấn Độ: đồng CEO DeutscheBank Anshu Jain đến từ Jaipur; Indra Nooyi - CEO Pepsi và Sundar Pichai - tân CEO Google cùng đến từ Chennai... 

Một số nhân vật như Indra Nooyi, Ajay Banga (CEO Mastercard) , Ivan Menezes (CEO Diageo) từng theo học tại Học viện Quản trị Ấn Độ - trường kinh doanh thành lập bởi chính phủ Ấn Độ từ những năm 60 nhằm đào tạo ra những nhà quản lý xuất sắc cho nước nhà. 

Nhưng đại đa số những người còn lại thì không: Narayan, Rakesh Kapoor (CEO Reckitt Benckiser) và Nadellay học ngành cơ khí; Ajay Banga (CEO MasterCard) tốt nghiệp kinh tế và kinh doanh. Sundar Pichai từng theo học tại viện công nghệ Kharagpur - một trong những học viện danh giá hàng đầu Ấn Độ. Sau đó ông sang Mỹ, nhận 2 bằng thạc sỹ tại đại học Stanford và Pennsylvania. 

Nhưng đều mang điểm chung của người lãnh đạo

Tuy nhiên, hẳn phải có lý do nào đó thì các nhân vật thành công tại những công ty khổng lồ mới có bao gồm nhiều người đến từ Ấn Độ đến thế, thay vì các quốc gia như Brazil, Nga hay Trung Quốc. Câu trả lời đến từ các bài nghiên cứu mang đề tài văn hóa quản trị Ấn Độ.

Quan tâm và yêu quý nhân viên

Theo nghiên cứu của Đại học St. Gallen, Thụy Sĩ, các CEO Ấn Độ thường nghiêng về phong cách "quản trị phối hợp", tức nhân viên cùng tham gia quản lý với cấp trên, từ đó xây dựng được mối quan hệ sâu sắc với cấp dưới. 

"Người Ấn Độ xưa nay quen áp dụng những phong cách lãnh đạo thúc đẩy được mối quan hệ tình cảm giữa cấp trên với cấp dưới. Cảm giác được công ty thực sự quan tâm là thứ có sức mạnh khiến nhân viên trung thành sâu sắc hơn cả phần thưởng tài chính", trích trong bài nghiên cứu.

Trong đội ngũ CEO Ấn Độ, không một nhà quản lý nào đi theo phong cách độc tài. Indra Nooyi phát biểu: "Chúng ta cần nhìn thẳng vào nhân viên và nói: "Tôi coi anh là một con người. Tôi biết ngoài PepsiCo, anh còn có cuộc sống khác nên tôi sẽ trọng anh cũng như toàn bộ cuộc sống riêng ấy. Tôi không coi anh như một cỗ máy làm việc cho mình".

Khi Nadella thay thế Steve Ballmer ngồi ghế CEO ở Microsoft, thì vị thế của Nadella cùng sự tín nhiệm của đồng nghiệp dành cho ông là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến quyết định thăng cấp quan trọng đó.

Khiêm tốn, kiên trì và hoài bão

Nghiên cứu năm 2007 của trường Đại học Southern New Hampshire có so sánh các nhà quản lý của Ấn Độ và Mỹ. Họ thấy rằng người Ấn khiêm tốn hơn. Không phải ngẫu nhiên mà bức thư đầu tiên gửi cho nhân viên Microsoft của Nadella với tư cách là giám đốc điều hành có nói: "Đây cũng chỉ là một ngày rất khiêm nhường của tôi".

Nghiên cứu cũng cho thấy người Ấn có tầm nhìn xa trông rộng, họ tập trung vào chiến lược dài hạn. Narayen (CEO Adobe) từng nói: “Nếu anh có thể kết nối được mọi điểm giữa những gì anh đang thấy ngày hôm nay và những nơi anh muốn tới, thì như thế là chưa đủ tham vọng và cảm hứng”.

Trong email của mình, Nadella cũng nhắc đến quan điểm tương tự: “Chúng ta cần phải tin tưởng vào những điều không thể và bỏ đi những gì không còn phù hợp”.

Quan trọng nhất, các CEO Ấn Độ rất kiên trì. Phần lớn những cái tên được nhắc tới ở trên đều đã kiên nhẫn trải qua một quá trình thăng tiến lâu dài qua từng cấp bậc trong công ty để học hỏi từ mọi góc độ. 

Nooyi tham gia Pepsi vào năm 1994, Jain mới đi làm ở Deutsche Bank vào năm 1995, Menezes đến với Diageo vào năm 1997, Narayen được Adobe nhận vào làm năm 1998, phần thưởng cho 22 năm cống hiến ở Microsoft của Nadella chính là ngai vàng của người lãnh đạo. Pichai cũng đã song hành với Google được 11 năm trước khi đứng ở vị trí của ngày hôm nay.

Đồng cảm, khiêm nhường, kiên nhẫn và có hoài bão chính là những phẩm chất làm nên đội ngũ CEO người Ấn giữa hàng triệu con người thành đạt vượt trội trên toàn thế giới.

>> Ấn Độ - Công xưởng mới của thế giới

Thùy An

Cùng chuyên mục
XEM