Vì sao 'con ông cháu cha' luôn được ưu ái khi tuyển dụng?

28/09/2013 13:32 PM |

Giỏi thật, lại quen biết nhiều

Nội dung nổi bật:

- Ở đâu cũng thế: Ngay tại Mỹ, việc tuyển dụng "con ông cháu cha" để nới rộng quan hệ làm ăn cũng là chuyện thường ngày ở huyện. Dĩ nhiên việc này sẽ gây bất bình. 

- Trọng dụng hợp lý: Không thể phủ nhận một số ứng viên trẻ tuổi có trình độ thực sự, lại thêm quan hệ rộng đã khiến nhiều người phải nghĩ khác và cho rằng trong mối quan hệ này: ứng viên xứng đáng mà công ty cũng được lời.

- Hối lộ và tham nhũng: Chỉ khi những "thái tử đảng" Trung Quốc được đẩy vào biên chế "làm việc vờ, nhận lương thật", đó mới là vấn đề và mang dáng dấp của hối lộ.


Tháng trước, Ủy ban Chứng khoán - Hối đoái Hoa Kỳ đã tiến hành điều tra nghi vấn công ty dịch vụ tài chính JPMorgan Chase tuyển dụng con cháu quan chức Trung Quốc để được ưu ái trong kinh doanh.

Cuộc điều tra gây rúng động trên khắp phố Wall. Người ta cho rằng hành động JPMorgan Chase vi phạm luật chống tham nhũng nước ngoài là dấu hiệu ngành dịch vụ tài chính đang trong cơn điêu đứng. Gần như công ty nào cũng tích cực săn lùng các nhà quản lý có quan hệ rộng nhất nhì tại Trung Quốc, hầu hết đều là tầng lớp "con ông cháu cha" hay "thái tử đảng".

Theo luật chống tham những nước ngoài, một công ty không được phép trao lợi ích cá nhân cho người nắm quyền để đổi lấy lợi ích doanh nghiệp. Việc chiêu mộ con quan không chỉ xuất hiện trong những ngân hàng đang làm ăn Trung Quốc, mà còn trở thành một sự thật rành rành tại Hoa Kỳ.

Ở Mỹ ư? Chuyện này "xưa như trái đất"!

"Chuyện này diễn ra từ hàng nghìn năm nay chứ nào phải mới mẻ gì", Michael J.Driscoll, nhà giao dịch cao cấp tại Bear Stearns, hiện đang giảng dạy tại trường đại học Adelphi nhận định, "Chính một trong hai con trai của tôi cũng đang thực tập ở một công ty cỡ lớn. Lúc nào chẳng vậy."

Một số doanh nghiệp còn đặt chính sách rõ ràng để công ty mình khỏi bị biến tướng thành "nhà trẻ trung ương" với nguyên nhân chính đáng. Việc thuê "người nhà" về vì lý do quan hệ sẽ đem đến nhiều phức tạp và không cần thiết đối với lợi ích công ty.

Nhưng có vô số công ty, đặc biệt là công ty tài chính thường chiêu mộ những người có quan hệ hoặc do thân quen hoặc qua làm ăn. Họ cho rằng những người này sẽ giúp doanh nghiệp khai thác thêm cơ hội. 

Michael J.Driscoll thuộc nhóm người cho rằng con đường tuyển dụng này không hề nảy sinh vấn đề pháp lý, cũng không có sự đổi chác nào ở đây hết, nhưng việc "cho con vào làm - nhận tiền bố mẹ" là tình trạng không thể phủ nhận. Theo Driscoll: "Công ty được mở đường đấy thôi. Việc này giống như bát súp gà béo bở và vô hại cho ta".

Hãy thử chọn lấy tên một giám đốc điều hành có tiếng bất kỳ rồi lướt nhanh qua Linked In của người đó, bạn sẽ phát hiện thấy người thân của giám đốc này đang làm việc cho những công ty có ý định hợp tác với ông ta. 

Khi Jeff Kindler còn là chủ tịch và giám đốc điều hành tập đoàn dược phẩm Pfizer, con trai Joshua của ông đã làm việc cho công ty cổ phần chứng khoán Morgan Stanley. Ba quý tử của Martin Sorrell, giám đốc điều hành của người khổng lồ quảng cáo WPP cũng ở trong Goldman Sachs một thời gian. Và dĩ nhiên Goldman Sachs phải là đối tác của WPP!

Có phải cứ con ông cháu cha thì toàn người "vô dụng"?

Nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa với việc những người như con trai của Kindler hay Sorrell không đủ tiêu chuẩn? Không hề! Tất cả đều tài giỏi và học hành đầy đủ. Một người con trai của Sorrell còn đi lên thành cổ đông của Goldman Sachs. Những người này có nhận hối lộ hay không? Chưa chắc.

Teddy Schwarzman, con trai tỷ phú Stephen Schwarzman, chủ tịch tập đoàn Blackstone từng thực tập tại Goldman Sachs rồi đi lên thành nhà phân tích cho Citigroup. Sau đấy anh trở thành luật sư tại hãng luật Skadden Arps trước khi bỏ ngành để gây dựng sự nghiệp trong điện ảnh. 

Có chắc Goldman, Skadden Arps hay Citigroup đón chào Teddy vì người cha tỷ phú? Phải chăng họ mong đợi thương vụ từ Blackstone? Cũng có thể. Nhưng hình như việc Teddy là một ứng viên chất lượng có những tiêu chuẩn vàng mới là lý do khiến họ để mắt. Hồ sơ của anh hoàn toàn đáp ứng các điều kiện công ty cần với một bằng cử nhân đại học Luật Pennsylvania và bằng giỏi trường Luật, đại học Duke.

Cô con gái cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, Chelsea Clinton từng làm việc tại công ty tư vấn McKinsey & Company sau khi ra trường và rồi chuyển sang quỹ đầu tư Avenue Capital của Marc Lasry, nhà huy động vốn cho quỹ Clinton. 

Nhưng Chelsea Clinton, một sinh viên tốt nghiệp trường Stanford được tất cả những người từng tiếp xúc đánh giá là thông minh, cũng cần đòi hỏi về sự nghiệp giống như nhiều người trẻ ra trường cùng thời khác. 

Việc bố mẹ cô là ai có quan trọng hay không? Dĩ nhiên gia thế cũng giúp ích phần nào. Cô trở thành giám đốc của IAC/InterActiveCorp, công ty về mạng do Barry Diller thành lập; điều hành chương trình Squawk Box thuộc NBC News, tất cả đều là những địa vị dễ bị bàn tán.

Con trai cựu bộ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ, Jamie Rubin từng làm việc tại Ủy ban Truyền thông Liên Bang và ngân hàng chuyên biệt Allen & Company. Cha anh tức ông Robert Rubin cũng từng quản lý quỹ Clinton. 

Có lẽ Jamie sẽ được hạ cánh vào một vị trí ngon ơ mà nhà tuyển dụng còn chẳng cần biết tên anh ta là gì. Một số "con ông cháu cha" khác sẽ khẳng đinh họ làm việc nỗ lực hơn những người khác, chỉ để chứng minh rằng họ xứng đáng với vị trí này.

Đâu là "trọng dụng", đâu là "đút lót"?

Năm 1971, Bear Stearns mở cuộc tranh luận xoay quanh việc có nên áp dụng chính sách chống gia đình trị. Một số người nói với cựu giám đốc Alan C. Greenberg, nếu không làm vậy doanh nghiệp sẽ vuột mất những ứng viên sáng giá. Greenberg trả lời: "Tôi cho rằng anh nói đúng. Nếu không áp dụng chính sách này thì chúng ta sẽ chỉ rước về toàn bù nhìn".

Ranh giới giữa "vận động hành lang" và "hối lộ" tại Washington chỉ là một đường kẻ mập mờ. R. Hunter Biden, con trai thượng nghịJoseph R. Biden Jr. còn thường xuyên đi vận động Quốc hội cho đến tận năm 2008. Tờ Washington Post phản ánh rằng từ năm 2007 cho tới năm ngoái, "56% người thân các nhà lập pháp được giúi tiền vào tay để "tác động" Quốc hội".

Trong khi Nghị viện đã thông qua luật hạn chế vận động hành lang thì Hạ viện vẫn chừa đường sao cho cha mẹ, con cái của các nhà lập pháp vẫn vô tư vận động. Driscoll cho rằng việc này "Không ổn chút nào" và ông đã nói không hề sai.

Nhưng trên thực tế có lẽ đó là lẽ thường. Khó có thể trách doanh nghiệp tại sao lại thuê người này chứ không mướn người kia chỉ vì có quan hệ tốt hơn. Nếu công ty tuyển dụng vì mục đích "đổi chác" thì lại là chuyện khác. Khi những "thái tử đảng" Trung Quốc được đẩy vào biên chế "làm việc vờ, nhận lương thật", đó mới là vấn đề và mang dáng dấp của hối lộ.

Nhưng giả sử có nhiều con cái quan chức được đào tạo cực tốt lại có quan hệ rộng khắp, thử hỏi doanh nghiệp nào chịu ngồi yên mặc cho họ đi mất, để rồi hình thành nên một thực tế khó ai có thể biện hộ: "Biết gì không quan trọng, quan trọng là biết ai".

Thùy An

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM