Tuyển dụng tại Việt Nam: Quan hệ hay Trí tuệ?

17/01/2015 11:26 AM | Quản trị

Một là Quan hệ, hai Tiền tệ, ba Hậu duệ, bốn Trí tuệ... Dường như đây là câu cửa miệng nhiều người thuộc làu khi xin việc. Những doanh nghiệp Việt Nam tuyển dụng theo cách này đang đi theo mô hình doanh nghiệp Clan – mô hình gia đình phổ biến ở Châu Âu trước những năm 90s.

“Việt Nam cũng như các quốc gia khác, đã mở cửa và sẽ phải mở cửa”, PGS.TS. Charles-Henri Besseyre des Horts – Giảng viên Quản trị Nhân sự và Hành vi tổ chức tại Trường Quản lý HEC Paris – đưa ra nhận định tại Hội thảo "Chuyển đổi nguồn nhân lực: Những xu hướng mới của chức năng nguồn nhân lực và Quản lý nguồn vốn con người” diễn ra sáng 16/1.

Ông Henri cho biết, hiện Việt Nam đang có cách làm rất khác khi người được tuyển dụng tại nhiều doanh nghiệp phải là con cái của ai đó, có mối quan hệ nào đó. “Đây là một mô hình không xa lạ so với mô hình Clan ngày trước” – ông Henri khẳng định.

Clan – mô hình kinh doanh gia đình chuộng sự trung thành

Theo PGS.TS Henri, Clan là một loại hình quản lý doanh nghiệp dựa trên mô hình gia đình mà quy trình quản lý có đặc điểm là sự trung thành. Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp do nhiều thành viên trong gia đình, hay một dòng họ lập nên.

“Ưu điểm của mô hình này là các thành viên trung thành và đoàn kết với nhau. Nhưng đây là 1 hệ thống ‘đóng’, một văn hóa ‘đóng’” – ông Henri nhìn nhận.

Theo quy trình phát triển của các mô hình kinh doanh, nếu như Clan đã thay thế Bureaucracy hay còn gọi là Hierarchy (mô hình quan liêu với quy trình quản lý dựa trên nguyên tắc) vào những năm 80s thì vào những năm 90s, trước sự phát triển của thị trường tài chính, nó lại bị thay thế bởi mô hình Market – mô hình thị trường mà văn hóa quản lý hướng tới hiệu suất, hiệu quả.

Clan là mô hình kinh doanh coi trọng yếu tố trung thành và đã bị thay thế bởi mô hình Market tại Châu Âu những năm 90s.

Clan là mô hình kinh doanh coi trọng yếu tố trung thành và đã bị thay thế bởi mô hình Market tại Châu Âu những năm 90s.

Đây là ảnh hưởng của nền văn hóa Âu Mỹ trong quản lý doanh nghiệp. Các doanh nghiệp Châu Âu, Bắc Mỹ theo văn hóa này, thường tuyển những người có hiệu suất làm việc cao. Với hệ thống này, người ta thường khuyến khích thưởng bằng tiền.

Tuy nhiên, mô hình trên cũng đang bị thay thế bởi một mô hình tiên tiến hơn - Adhocracy – mô hình phát triển dựa vào sự sáng tạo với văn hóa quản lý làm sao để doanh nghiệp có thể thay đổi, biến đổi một cách linh hoạt để dễ dàng thích nghi với sự biến đổi của thị trường.

“Điều doanh nghiệp Việt Nam cần học hỏi ở xu hướng quốc tế là Chính thức hóa, xây dựng quy trình chính thống trong quy trình tuyển dụng. Các bạn không thể ưu tiên tuyển dụng bạn bè, những người thân trong gia đình mà không chú ý đến năng lực của họ. Theo tôi, việc xếp năng lực của người lao động như một yếu tố cuối cùng trong tuyển dụng không phải điều hay” – PGS.TS Henri chia sẻ.

Quan hệ - chữ “cực kỳ tuyệt vời”

Liên quan đến chữ đầu tiên trong 4 yếu tố: Quan hệ - Tiền tệ - Hậu duệ - Trí tuệ, bà Đỗ Thùy Dương, Giám đốc CTCP Hội tụ nhân tài (Talent Pool) cho rằng: Nếu chúng ta tin vào cái gì thì chính cái đó sẽ tác động lại chúng ta.

Nếu một bạn trẻ ra trường và tin vào Huynh đệ - Tiền tệ - Quan hệ... mới có thể giúp bạn ấy thành công, thì tự nhiên bạn ấy không còn nỗ lực phát triển tự thân và không tự bạn ấy đi tìm sự thành công nữa”.

“Còn nếu cá nhân tôi là người không bao giờ tin vào điều đó. Tôi tin rằng tự tôi có thể làm được quan hệ, tự tôi có thể xây dựng huynh đệ, tự tôi có tiền tệ... Lúc đó tôi sẽ có nỗ lực khác. Vậy nên cái này, anh tin vào cái gì thì cái đó sẽ tác động quay trở lại anh đúng như vậy” – bà Dương giải thích.

Bà Dương cũng cho rằng: Quan hệ là chữ cực kỳ tuyệt vời.

“Rất nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới đều chỉ ra rằng: Havard, Big data có thể thay đổi cục diện của thế giới trước đây. Nhưng bây giờ tất cả chúng ta đang tìm cách để con người cư xử với nhau tốt hơn, có quan hệ với nhau tốt hơn. Tuy nhiên, việc này lại nằm trong tay người có sử dụng Quan hệ. Vậy, khi chúng ta nhìn vấn đề một cách tiêu cực, thì nó sẽ cho ra những kết quả tiêu cực. Còn khi nhìn vấn đề một cách tích cực, những mối quan hệ tích cực thì chúng ta sẽ lan tỏa những mối quan hệ tích cực”.

Bà Trần Diệp Anh – Giám đốc Nhân sự của Carlberg Việt Nam chia sẻ: “Mỗi doanh nghiệp khi đưa ra câu chuyện tuyển dụng sẽ có những tiêu chí nhất định với mục đích cuối cùng là để cho doanh nghiệp thành công. Đấy là lý thuyết chung”.

“Nếu doanh nghiệp ấy đặt tiêu chí phải tuyển dụng những người hậu duệ hay huynh đệ, có nghĩa là doanh nghiệp ấy đang muốn phát triển theo mô hình Clan – thị tộc, gia đình với lợi thế là văn hóa tin tưởng nhau, gắn bó lâu dài với nhau để không phải đối mặt với việc mất nguồn nhân lực, đạt được một sự ổn định nào đấy. Với các doanh nghiệp đặt ra các tiêu chí trí tuệ và phát triển các mối quan hệ thì họ sẽ đặt ra chiến lược tuyển dụng dựa trên các tiêu chí ấy”.

“Tôi nghĩ rằng không có một mô hình đặc biệt nào được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Cũng chẳng có vấn đề gì khi doanh nghiệp đặt ra các tiêu chí tuyển dụng như Quan hệ - Tiền tệ... cho mình. Chúng ta là người có quyền lựa chọn sẽ tham gia vào doanh nghiệp nào. Hoặc nếu ở vai trò quản trị nguồn nhân lực, chúng ta đươc quyền đóng góp ý kiến đi theo mô hình tuyển dụng theo tiêu chí nào để đạt được mục tiêu thành công của doanh nghiệp” – bà Diệp Anh cho biết.

>> Nhà tuyển dụng nào được khao khát nhất Việt Nam?

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM