[Tôi đi thuê] Chỉ cần hỏi 2 câu là đủ

28/09/2014 10:34 AM | Quản trị

"Chỉ với 2 câu hỏi, tôi có thể đánh giá được khả năng của một ứng viên về các yếu tố: Đam mê, Thực tế, Sự chuẩn bị, Sự sáng tạo và Sự mạch lạc".

Chúng tôi xin gửi đến bạn đọc series "Tôi đi thuê" gồm các bài viết chia sẻ kinh nghiệm tuyển dụng nhân sự do đích thân lãnh đạo cao cấp nhiều công ty lớn trên thế giới chấp bút. Series "Tôi đi thuê" đăng định kỳ vào thứ tư và chủ nhật hàng tuần.

Dưới đây là bài chia sẻ về cách tuyển dụng của Mark Hull hiện đang là giám đốc sản phẩm tại LinkedIn, mạng xã hội nghề nghiệp lớn nhất với hơn 300 triệu người dùng. Mark Hull từng tốt nghiệp tại ĐH California, Berkeley và có hơn 15 năm làm quản lý và trưởng dự án tại các công ty lớn nhỏ khác nhau. 

Cho đến lúc này, tôi cũng chẳng thể nhớ nổi mình đã phỏng vấn bao nhiêu manager, kỹ sư trưởng, giám đốc sáng tạo và giám đốc marketing trong hơn 15 năm qua và có tới 75% số buổi phỏng vấn đó chỉ kết thúc trong vòng vài phút. Thông thường, tôi chỉ dùng tới 2 câu hỏi là có thể biết được ứng viên có đạt yêu cầu hay không. 

Nếu buổi phỏng vấn tiếp tục tiến xa hơn sau 5 phút, phần còn lại sẽ là những trao đổi nhỏ để giúp tôi có thể khẳng định lại một cách chắc chăn liệu ứng viên kia có thực sự đúng với những gì tôi hình dung hay không. 

1. Hãy kể về công việc mơ ước của bạn

Đừng ngạc nhiên khi tôi bỏ qua câu hỏi truyền thống “Hãy kể cho tôi nghe về bạn!” Bởi sau câu hỏi đó sẽ là một loạt những thành tích mà tôi đã đọc kỹ trên LinkedIn profile của họ. Thay vào đó, tôi muốn mở đầu buổi phỏng vấn bằng cách cho ứng viên cơ hội để thể hiện cá tính và động lực làm việc của họ. 

Những câu trả lời tốt nhất thường thể hiện tham vọng, đam mê và tầm nhìn của ứng viên. Tất nhiên sẽ còn tốt hơn nếu ứng viên khéo léo thể hiện sự hài hước của mình hoặc kể cho tôi nghe một câu chuyện hoàn toàn khác với những gì thông thường.

Bên cạnh đó, việc thể hiện được tham vọng là điều tôi đánh giá rất cao, nhất là đối với các vị trí quản lý và giám đốc sản phẩm. Với mỗi dự án mới, các doanh nghiệp đều rất cần những người có thể mang tới tầm nhìn xa trông rộng cho kế hoạch phát triển của họ.

Ảnh: Flickr

Bạn nghĩ liệu mình có thể trả lời câu hỏi này một cách mạch lạc và đi thẳng vào vấn đề không? Còn nếu bạn chưa từng bao giờ nghĩ tới điều này, tôi sẽ tự hỏi rằng liệu bạn có thực sự quan tâm và yêu thích công việc mà bạn đang ứng tuyển hay không? Nếu như chúng tôi để bạn đảm nhiệm vị trí này, chúng tôi sẽ nhận được những gì?

Câu trả lời ưa thích của tôi thường là những người có thể nói một cách hào hứng về công việc mà họ muốn bắt đầu và có tính cách chấp nhận rủi ro của một doanh nhân. Đã từng có một ứng viên nói với tôi rằng sau này cô ấy thực sự muốn lập ra một tổ chức phi chính phủ để tạo cơ hội cho những người phụ nữ kém may mắn trong cuộc sống. Cô ấy có một tầm nhìn rõ ràng khi nhìn nhận vị trí hiện tại có thể giúp gì cho cô ấy trong sự nghiệp sau này đã gây ấn tượng rất mạnh với tôi. Và quả thực cô ấy đã hoàn thành rất tốt công việc của mình sau đó.

Ngược lại, những câu trả lời gây thất vọng nhất thường là lặp lại những gì đã có trong CV và cố gắng “lờ đi” điều mà tôi muốn nghe nhất: Ước mơ và tham vọng của ứng viên.

Tất nhiên không phải câu trả lời hoàn hảo nào cũng phải về một tương lai “huy hoàng” hay một ước mơ to tát, tuy nhiên đây vẫn là cách dễ nhất để tôi có thể nhìn thấu được tiềm năng và độ dày dạn của họ trong công việc.

Ảnh: Flickr

2. Hãy kể lại một trải nghiệm khách hàng tuyệt vời của bạn

Câu hỏi này có vẻ giống như chỉ dành cho các trưởng phòng R&D, nhưng thực tế nó có thể áp dụng cho tất cả mọi người. Bởi suy cho cùng, chúng ta đều những nhà cung cấp dịch vụ và cũng chính là người sử dụng dịch vụ của một ai đó khác.

Điều mà các doanh nghiệp đều quan tâm chính là sự hài lòng của người dùng bởi có thể nói rằng, khách hàng ngày càng khó tính hơn trong thời đại ngày nay. Do đó, một người cần hiểu được rằng khi nào thì một khách hàng cảm thấy hài lòng với những gì mà họ đã bỏ tiền ra.

Ví dụ, một kỹ sư phần mềm nếu không thực sự quan tâm tới trải nghiệm người dùng rất có thể sẽ khiến sản phẩm trở nên khó sử dụng, phức tạp, khiến người dùng cần nhiều thời gian hơn để tìm hiểu cách sử dụng, và hiển nhiên rất dễ dàng bị các đối thủ vượt qua. 

Câu trả lời cho câu hỏi trên sẽ giúp phát hiện ứng viên có thực sự quan tâm tới trải nghiệm khách hàng hay không. Tôi từng rất ấn tượng khi một ứng viên đã kể chi tiết từng bước tiếp cận sản phẩm mới của một doanh nghiệp - một dòng máy hút bụi thế hệ mới. Anh ấy thậm chí còn hiểu rõ khách hàng sẽ suy nghĩ như thế nào trong mỗi trường hợp sử dụng. Tôi tin ràng với một người quản lý như vậy, cấp trên hoàn toàn có thể yên tâm về dòng sản phẩm mới sắp ra mắt. 

Ảnh: Flickr

Chỉ có 2 câu hỏi vậy thôi sao?

Có lẽ bạn đang băn khoăn về 2 câu hỏi trên, có vẻ như quá ít ỏi thì phải. À mà thậm chí chúng cũng chẳng phải câu hỏi nữa. Chúng ta thường nghĩ rằng hỏi càng nhiều thì sẽ càng hiểu hơn về ứng viên. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng. Với những vị trí thuộc hàng “top”, số lượng ứng viên là rất lớn và bạn chắc chắn sẽ không muốn tốn quá nhiều thời gian cho một ai đó không phù hợp. Do đó, hỏi vừa đủ là điều tốt hơn cả.

Bên cạnh đó, trước mỗi buổi phỏng vấn, các ứng viên đều sẽ có sự chuẩn bị của riêng họ. Và bạn sẽ muốn biết liệu ứng viên này có hiểu biết về sản phẩm và doanh nghiệp hay không, có hiểu nhiệm vụ của họ và cách mà họ dự định sẽ tiến hành nếu được nhận.

Thực tế là chỉ với 2 câu hỏi trên, tôi hoàn toàn có thể đánh giá được khả năng của một ứng viên về các yếu tố: Đam mê, Thực tế, Sự chuẩn bị, Sự sáng tạo và Sự mạch lạc. Hãy tập trung quan sát và lắng nghe. Bạn sẽ nhận ra ngay sau 5 phút đầu tiên mà thôi. 

>> Bí quyết chọn người từ hơn 50.000 hồ sơ xin việc mỗi tuần của Google

Khanh Lưu

Lưu Phi Khanh

Cùng chuyên mục
XEM