Tiến sĩ Trần Đình Thiên: "Doanh nghiệp Việt Nam như gà công nghiệp"

06/12/2012 17:10 PM | Quản trị

Chỉ việc ăn và lớn trong thời gian dài mà thiếu đi sự cạnh tranh.

Trao đổi bên lề hội thảo Quốc tế xác định lợi thế cạnh tranh của Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, các doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) như những chú gà công nghiệp, phát triển trong một môi trường thiếu cạnh tranh và được bao bọc trong một mô hình kinh tế lạc hậu.

Ông đánh giá thế nào về thực trạng nền kinh tế của Việt Nam trong quá trình hội nhập?

Việt Nam có lợi thế của một nước đi sau, có cơ hội để vượt lên được nhưng thời kỳ vừa rồi cho thấy chúng ta chưa tận dụng được, thậm chí còn tụt hậu. Trong khi nhiều nước vượt lên rất nhanh thì Việt Nam lại tụt xuống. Campuchia năm nay tăng 13 bậc, Phillipine tăng 10 bậc còn mình lại tụt xuống 10 bậc.

Thế giới đang toàn cầu hóa rất nhanh, và đó là cơ hội để chúng ta tiếp nhận chiều sâu của các nước đi trước. Là nước đi sau, đáng ra Việt Nam phải thúc đẩy thị trường lên nhanh nhất. Nhưng thực tế thì ta cứ phát triển rất chậm chạp, từ từ, và dần mất lợi thế của việc đi sau.

Công nghiệp của chúng ta cứ giữ mãi là gia công lắp ráp, không đi lên được vì thiếu công nghệ. Còn lao động thì chúng ta toàn xuất khẩu lao động chất lượng thấp mà không có một đội ngũ lao động chất lượng cao, có chiêu sâu.

Nguyên nhân nào lại dẫn đến tình trạng như vậy?

Điều cho thấy mô hình tăng trưởng chúng ta có vấn đề. Nền kinh tế của chúng ta đang phát triển một thị trường thiếu đi sự thông thoáng. Chủ động nhưng lại thiếu đi tích cực nên phát triển chậm.  Chúng ta cũng đã duy trì một mô hình không hiệu quả quá lâu. Có thể, mô hình đó hiệu quả trong một giai đoạn nhất định, nhưng khi ta giữ nó lại quá lâu thì lại nảy sinh ra nhiều vấn đề khi hội nhập.

Những vấn đề cơ bản phải thay đổi. Nếu giờ chúng ta thực hiện thay đổi thị trường, tái cơ cấu theo đúng nghĩa thì mới hy vọng bứt phá lên được chứ chỉ cải tiến lặt vặt, không xác định rõ các yếu tố cơ bản thì cũng không thành công.

Nhìn lại, lúc Nhật Bản mới vào Việt Nam, thị trường của chúng ta bùng lên như thế. Nhưng tại sao nó cứ chậm dần lại? Tại vì chúng ta không có quyết tâm duy trì, thiếu chính sách tốt, thiếu quan tâm đào tạo

Mô hình kinh tế cũ đã ảnh hưởng thế nào đến khả năng hội nhập của các DN trong nước?

Có thể nói, khả năng hội nhập là một trong những điểm yếu nhất của chúng ta.

DNVN như những chú gà công nghiệp, phát triển trong một môi trường được bao bọc bởi nhiều chính sách, mà thiếu đi sự cạnh tranh. 

25 năm qua thị trường chúng ta ẩn chứa những vấn đề, nhiều doanh nghiệp không cần cạnh tranh mà vẫn lớn lên. Nhiều DNVN dù không giỏi nhưng vẫn kiếm được tiền, bởi quãng thời gian trước cơ hội kiếm tiền rất nhiều, DN có thể làm chưa tốt nhưng vẫn có thể “kiếm chác”.

Trong khi đó, các nguồn vốn FDI đổ vào Việt Nam rất nhiều nhưng sự kết nối của DN Việt Nam với FDI lại cực kỳ yếu. Chúng ta mời nước ngoài vào đã lâu mà vẫn không hội nhập được. Ngành công nghiệp hỗ trợ không phát triển đã thể hiện các DNVN đang thiếu năng lực.

Xuất khẩu của chúng ta mãi là khai thác khoáng sản, đào cát, than đi bán,  hay gia công dệt may, lắp ráp… Đây là những công việc ở đẳng cấp rất thấp. Trong khi đó, Việt Nam không có được bước tiến cơ bản nào vào được chuỗi giá trị. Nếu chúng ta tiến hành hội nhập như thế thì đến 1 giai đoạn chúng ta sẽ bị loại ra ngay.

Vậy theo ông cần làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNVN trước tình hình mới?

Muốn DNVN tiến lên thì phải tạo điều kiện cho một môi trường phát triển cạnh tranh, chứ một môi trường mà vào đấy chỉ có “mổ”, chỉ có “gặt, hái” thì không thể phát triển được. Nó có thể giúp các DNVN to lên nhưng không có khả năng đối đầu với các đối thủ nước ngoài.

Điều quan trọng nhất hiện tại vẫn là cần thiết kế lại môi trường kinh doanh của Việt Nam, trước tiên phải có hệ thống các thị trường phát triển đồng bộ. Đừng nên nhìn vào sản lượng xuất khẩu, hãy nhìn vào đẳng cấp xuất khẩu.  Việc chúng ta cứ ra sức xuất khẩu gạo chất lượng thấp, khoáng sản than cát mà thiếu đi các ngành công nghệ cao cho thấy năng lực hội nhập của ta đang có vấn đề.

Tất nhiên, bản thân DN cũng đang có vấn đề, nhưng tôi tin rằng các DN có thể tự giải quyết được vấn đề của riêng họ chứ không cần sự can thiệp của Chính phủ. Điều quan trọng là chúng ta phải tạo ra một môi trường tốt, một môi trường cạnh tranh thì DN mới có thể phát triển tiến lên và nghĩ tới hội nhập được.

Xin cảm ơn ông!

Trang Lam

dungtq

Cùng chuyên mục
XEM