Thành công từ việc ‘xin chữ ký’ người nổi tiếng

14/02/2015 14:05 PM | Quản trị

Rất ít người biết được rằng việc mong muốn có được chữ ký người nổi tiếng lại là khởi đầu thành công của vị tổng biên tập huyền thoại Edward Bok

Nội dung nổi bật:

- Edward Bok xuất thân là một cậu bé Hà Lan nhập cư nghèo khổ và chỉ có vỏn vẹn sáu năm cắp sách đến trường.

- Thế mà khi lớn lên, ông trở thành giám đốc tạp chí Ladies’ Home Journal và là một trong những nhà xuất bản báo chí thành công nhất trong lịch sử báo chí Châu Mỹ.

- Và khởi đầu cho thành công của vị tổng Biên tập huyền thoại Edward Bok là sự ngưỡng mộ mà ông dành cho những nhân vật nổi tiếng cũng như khát khao có được chữ ký của họ.


Một hôm, có em nhỏ bụng đói đang đi học về thì đứng ngệt ra trước một tiệm bánh thèm thuồng những ổ bánh mì nóng và những chiếc bánh ngọt phết kem. Người bán hàng đi ra và hỏi em có thấy chúng ngon không?

“Nếu những tấm kính không bị dơ thì chúng sẽ còn ngon hơn nữa.” Cậu bé đáp. Thấy đúng, ông chủ bèn đề nghị em làm việc lau chùi tại tiệm bánh. Đó là công việc đầu tiên của vị tổng biên tập huyền thoại Edward Bok tại Mỹ.

Edward Bok xuất thân là một cậu bé Hà Lan nhập cư nghèo khổ. Để giúp đỡ gia đình, mỗi ngày sau giờ học Bok phải đi lau cửa sổ thuê cho một cửa hiệu bán bánh rồi lại tiếp tục đi đến những bến đỗ của các xe than thường bốc dỡ hàng để nhặt nhạnh từng mẫu than rơi rớt.

Cậu bé Edward Bok này chỉ có sáu năm cắp sách đến trường. Thế mà khi lớn lên lại trở thành giám đốc tạp chí Ladies’ Home Journal và là một trong những nhà xuất bản báo chí thành công nhất trong lịch sử báo chí Châu Mỹ.

Ông đã làm điều đó như thế nào? Rời khỏi trường học khi mới mười ba tuổi, làm người giúp việc vặt tại văn phòng Western Union, nhưng chưa bao giờ cậu từ bỏ quyết tâm hoàn thiện bản thân. Vì thế, Bok bắt đầu tự học một mình.

Ông vua ngành thép Andrew Carnegie đã từng nói rằng khoản đầu tư vào bản thân là khoản đầu tư sinh lợi nhiều nhất. Và Edward Bok đã tạo cho mình một thói quen của người thành công bằng cách trích một phần thu nhập ít ỏi của mình để đầu tư vào bản thân.

Sách vào thời điểm bắt đầu cuộc Đại Suy Thoái năm 1870 rất quý và đắt. Do đó, Bok phải tiết kiệm từng đồng mà ông có thể kiếm được cho đến khi đủ tiền mua một quyển bách khoa Tiểu sử Danh nhân Mỹ.

Việc mua cuốn sách trở thành cơ sở cho chiến dịch viết thư để xin chữ ký những người nổi tiếng của Bok. Ông đọc say mê cuốn sách về tiểu sử Danh nhân Mỹ. Từ đó, Bok thể hiện sự ngưỡng mộ họ bằng cách viết thư cho những doanh nhân này và xin chữ ký. Ông cũng hỏi thêm thông tin về tuổi trẻ của họ.

Lá thư đầu tiên, Edward Bok viết cho Tướng Jame A. Garfield, người lúc bấy giờ đang vận động tranh cử chức Tổng Thống, hỏi có phải khi nhỏ ông đã từng làm nghề dắt thuyền trên một con kênh hay không. Thật kinh ngạc, Garfield khi ấy đang rất bận rộn với công việc nhưng vẫn trả lời thư của Bok.

Tiếp đến, ông viết thư hỏi tướng Grant về một trận đánh và cũng nhận được thư phúc đáp của Đại tướng. Thậm chí, Grant còn đưa cả bản đồ thời chiến cho cậu xem rồi còn mời cậu bé 14 tuổi này ăn trưa và ngồi nói chuyện suốt cả buổi chiều

Chẳng bao lâu, cậu bé chạy việc vặt của Western Union đã thư từ qua lại với nhiều nhân vật có thế lực nhất của đất nước cũng như có được bộ sưu tập chữ ký của người nổi tiếng. Trong đó có các tổng thống Abraham Lincoln, Jefferson Davis và Hayes, các tướng Ulysses S. Grant và William Sherman.

Không những thế, Bok lúc này chỉ mới 14 tuổi còn được mời tới tận dinh thự, được tiếp đón nồng hậu và cởi mở vào những ngày ông nghỉ hè. Bok như một vị khách quý trong gia đình của người nổi tiếng.

Ông cũng mở rộng bộ sưu tập chữ ký sang nhiều nhân vật thành công bên lĩnh vực văn chương. Từ đó, ông gặp và kết bạn với những nhà văn như Oliver Wendell Holmes và Henry Longfellow.

Những nhân vật vĩ đại này đã truyền cho Bok một niềm tin vô giá, một quan điểm mới về cuộc sống và một khát vọng tự xây dựng đời mình. Đáp lại, chính sự ngưỡng mộ chân thành của Bok là động lực quý giá cho họ tiếp tục sống hết mình trong công việc cũng như đời sống.

Việc gặp gỡ và trao đổi với người nổi tiếng giúp Bok hoàn thiện bản thân hơn. Qua đó, ông có được nhiều nguồn thông tin quý giá, ít người biết đến của những nhân vật lịch sử. Và chính điều này là nền tảng thành công đưa ông đến sự nghiệp tổng biên tập tạp chí.

>> Đừng lấy tiền bạc làm thước đo thành công

Đinh Lộc

đinh lộc

Cùng chuyên mục
XEM