TGĐ Xi măng Nghi Sơn: Công đoàn và ban quản trị không bao giờ “đánh nhau”

19/03/2012 10:12 AM |

"Minh bạch trong trao đổi thông tin là một tập quán quản trị của người Nhật. Một tập quán nữa là công đoàn và ban quản trị không bao giờ “đánh nhau” mà hợp tác để tìm hướng phát triển tốt nhất".

Trong liên doanh giữa Việt Nam và nước ngoài, những tập quán kinh doanh của họ sẽ tác động thế nào đối với tư duy Việt Nam? TGĐ Công ty xi măng Nghi Sơn Hideaki Asakura chia sẻ về vấn đề trên.

Lợi thế về hệ thống quản trị giao thoa

- Thưa ông, một doanh nghiệp liên doanh có sự giao thoa của hai nền văn hóa Nhật Bản và Việt Nam sẽ có những lợi thế gì?

Nghi Sơn là công ty liên doanh giữa 3 bên: Công ty Xi măng Công Nghiệp Việt Nam (Vicem) chiếm 35% vốn, hai đối tác Nhật Bản là Công ty xi măng Taiheiyo và Công ty Vật liệu Mitsubishi  chiếm 65% vốn. Như vậy, đây là công ty liên doanh giữa Nhật Bản và Việt Nam, vì thế công ty có một lợi thế quan trọng là hệ thống quản trị giao thoa văn hóa giữa hai quốc gia. 

Công nghệ và một phần tài chính đến từ Nhật Bản nhưng dù sao thì người Nhật cũng là người nước ngoài ở Việt Nam, người Nhật chưa thể hiểu hết nhu cầu cũng như thói quen của khách hàng Việt Nam. Ở điểm này, đối tác Việt Nam đã dạy chúng tôi. Đây là một văn hóa giao thoa, tận dụng lợi thế của cả hai phía Việt Nam và Nhật Bản, tôi nghĩ đây là điểm mạnh quan trọng của Nghi Sơn.

- Vậy, trong hệ thống đó, Nhật Bản có ảnh hưởng thế nào, thưa ông?

Tôi nghĩ ảnh hưởng quan trọng nhất người Nhật đã tạo ra ở Nghi Sơn là sự kiểm soát về mặt chất lượng. Các bạn đều biết khái niệm “Made in Japan” luôn đi kèm với chất lượng, người Nhật rất nổi tiếng về quản lý chất lượng. Xi măng được sản xuất ở Việt Nam nhưng hàng chục kỹ sư Nhật Bản luôn có mặt để quản lý quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. Nói theo cách của chúng tôi là “Sản xuất tại Việt Nam, kiểm soát chất lượng bởi Nhật Bản”.

- Được biết, doanh nghiệp Nhật Bản nổi tiếng với thực tế: một nhân viên có thể cả đời chỉ làm cho một công ty, làm thế nào để người Nhật có thể giữ nhân sự trong một thời gian dài như vậy, thưa ông?

Để làm được như vậy phải có chính sách đầu tư vào con người, đào tạo người mới ngay từ đầu. Có những người bắt đầu chỉ làm được những việc đơn giản nhất nhưng công ty tìm cách xây dựng họ, phát triển họ để giúp họ làm được những việc ở tầng cao hơn. 

Trước khi nhà máy xi măng Nghi Sơn vận hành, hơn 60 kỹ sư Việt Nam đã được cử sang Nhật để đào tạo: làm thế nào để kiểm soát chất lượng, làm thế nào để phát hiện lỗi. Chúng tôi duy trì những chiến dịch đào tạo như thế liên tục 16 năm, cứ 3-5 kỹ sư hàng năm lại được cử đến Nhật Bản để đào tạo và trao đổi kiến thức trong 3 tuần. Chúng tôi coi đây là chìa khóa để giới thiệu công nghệ và quy trình kiểm soát chất lượng Nhật Bản vào Việt Nam.

Minh bạch trong trao đổi thông tin

- Còn khía cạnh nào của văn hóa kinh doanh Nhật Bản đã được ứng dụng vào liên doanh với Việt Nam, thưa ông? 

Có một số khía cạnh đặc biệt trong phong cách quản trị của người Nhật, đầu tiên là vấn đề trao đổi thông tin. Mọi vấn đề đều được trao đổi rõ ràng giữa người Nhật và người Việt. Mọi quyết định lớn đều được đưa ra bàn bạc và cùng thống nhất. Minh bạch trong trao đổi thông tin là một tập quán quản trị của người Nhật. 

Một tập quán khác là vai trò của công đoàn. Luôn có sự trao đổi giữa công đoàn và ban quản trị, bạn biết rằng luôn có sự khác biệt về mặt quan điểm giữa hai thực thể này, nhưng người Nhật luôn tổ chức họp giữa hai thực thể này, chúng tôi cũng làm như vậy ở Việt Nam, công đoàn và ban quản trị không bao giờ “đánh nhau” mà hợp tác với nhau để tìm hướng phát triển tốt nhất cho công ty. 

- Nhật Bản nổi tiếng với triết lý Kaizen, liên tục cải tiến để vươn tới sự hoàn hảo hơn nữa, lý thuyết này được áp dụng như thế nào ở nhà máy Nghi Sơn, thưa ông?

Triết lý Kaizen được áp dụng ở Nghi Sơn rõ ràng, ví dụ trong quy trình quản lý chất lượng, khi có bất kỳ phàn nàn nào của khách hàng về chất lượng, ngay lập tức chúng tôi có cuộc họp để xác định vấn đề và tìm ra những giải pháp để cải thiện lên một tầm cao mới. Chúng tôi họp rút kinh nghiệm mỗi ngày. Bộ phận bán hàng của Nghi Sơn hàng năm đều tổ chức gặp mặt các nhà phân phối, các cửa hàng bán lẻ, trạm trộn, các nhà thầu, để lắng nghe ý kiến của họ. Từ đó, chúng tôi lại họp triển khai để áp dụng những ý kiến của họ vào thực tế. Nghi Sơn không bao giờ hài lòng với những gì đã có. 

- Vậy việc áp dụng những tập quán kinh doanh chặt chẽ của người Nhật có khi nào lại gây khó khăn cho công ty không, thưa ông?

Có thể có đôi chút khó khăn trong ngắn hạn nhưng về dài hạn lại đem tới hiệu quả lâu bền. Ví dụ, công ty Nghi Sơn chúng tôi tuân thủ cực kỳ nghiêm ngặt những quy định về môi trường, ở nhà máy Nghi Sơn, mọi quy định về khí thải thậm chí quy định về tiếng ồn đều tuân theo chuẩn quốc tế chứ không chỉ là chuẩn Việt Nam. Nhưng nhiều nhà máy khác ở Việt Nam bỏ qua các quy định này, thậm chí không tuân theo chuẩn Việt Nam nữa.

Đây là thời kỳ khó khăn nên việc bỏ qua các quy tắc như vậy giúp họ giảm chi phí như tiền điện. Tôi lấy ví dụ như hệ thống kiểm soát bụi chẳng hạn, hệ thống này ngốn một lượng điện năng rất lớn. Nếu chúng tôi tắt nó đi thì có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền, nhưng Nghi Sơn không bao giờ làm vậy vì chúng tôi không chỉ nghĩ tới uy tín của mình mà còn nghĩ tới môi trường của Việt Nam nữa.  

Theo Nam Khánh
Vietnamnet

aiht

Cùng chuyên mục
XEM