Taj Mahal - Biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu hay sự bóc lột đến tận cùng?

04/12/2012 21:00 PM | Quản trị

Hoàng đế Shah Jahan tịch thu tới 40% GDP Ấn Độ để phục vụ cho mong muốn của riêng mình. Khắp từ Tây sang Đông, không thiếu những Shah Jahan mới trong thời hiện đại.

Người viết là ông John Kay, Giáo sư Kinh tế tại Trường Kinh tế London, nguyên Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Said, thuộc Đại học Oxford.

Giống như bất cứ ai tới thăm Ấn Độ, tôi cũng đến thăm đền Taj Mahal. Những không giống các du khách khác, những câu hỏi kinh tế học luôn vang lên trong đầu tôi. Nghiên cứu về chính sách thuế cho thấy Shah Jahan, vị hoàng đế chung tình đã dựng lên Taj Mahal được người đời ca tụng, đã chiếm đoạt tới 40% cái mà nay chúng ta gọi là tổng sản phẩm quốc nội để thỏa chí với khoa trương và lạc thú.

Hoàng đế bị chính con trai mình lật đổ. Hoàng tử không thể chịu nổi cái sở thích xây dựng kỳ quan tốn kém của cha mình, lo ngại về gánh nặng thuế khóa trên vai nhân dân và sợ sẽ chẳng còn ngai vàng để mình thừa kế nữa. Nhưng đã quá muộn. Không thể đảo ngược được sự suy đồi của đế chế Mogul.

Những điều Shah Jahan đã làm là điển hình cho cái gọi là “rent-seeking” (tạm dịch: “trục lợi tô kinh tế”), tích lũy tài sản không phải bằng cách tạo ra của cải khi phục vụ khách hàng mà nhờ tước đoạt của cải do người khác tạo ra. Cả hai cách trên đều làm giàu cho cá nhân và mối quan hệ căng thẳng giữa chúng đã trở thành trọng tâm của môn lịch sử kinh tế.

Những lúc cán cân nghiêng về phía “tước đoạt”, tài năng kinh doanh sẽ phải chôn mình trong những công việc vô thưởng vô phạt. Đó là một vòng xoáy mà quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị củng cố thêm cho nhau. Nó chỉ chấm dứt khi người ta cảm thấy ghen tức với những lợi ích thu về từ tước đoạt, hoặc sự oán thán của những người bị áp bức bùng phát. Bất ổn kinh tế và chính trị là hậu quả không thể nào tránh khỏi.

Ở Ấn Độ thời hiện đại, “trục lợi tô kinh tế” biểu hiện ở tình trạng tham nhũng tràn lan và chủ nghĩa tư bản thân hữu cùng mối quan hệ trên cả mức thân thiết giữa chính phủ và các đại doanh nghiệp.

Các nền kinh tế phương Tây không hề miễn nhiễm với chủ nghĩa tư bản thân hữu. Các “nhóm lợi ích” thống trị nhiều quốc gia Châu Âu. Ở Hoa Kỳ là sự ưu ái đáng quan ngại giữa giới chính trị và lãnh đạo ngành tài chính dưới sự mai mối của cánh lobby và sự bôi trơn của những đồng tiền quyên góp cho các chiến dịch tranh cử.

Taj Mahal: Biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu hay sự bóc lột đến tận cùng

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Kinh doanh Anh Vince Cable bị coi là không thân thiện với doanh nghiệp cũng vì họ đã đứng lên chống lại những phe nhóm này. Mục đích của những cáo buộc trên chỉ là khiến người ta lẫn lộn giữa “thân thiện với giới lãnh đạo doanh nghiệp” và “ủng hộ việc kinh doanh thành công”.

Công nghệ thông tin là động lực lớn của tăng trưởng kinh tế và cũng là ngành ít bị chi phối nhất bởi các nhóm lợi ích. Những làn sóng sáng tạo nối tiếp nhau khiến các sản phẩm và doanh nghiệp lớn bị bỏ lại phía sau, thậm chí có những thị trường hoàn toàn biến mất.

Nhưng ở những ngành khác, ví dụ như truyền thông, dược phẩm và quốc phòng, những nhóm lợi ích kinh tế và chính trị liên kết chặt chẽ với nhau cho phép các đại công ty hiện tại duy trì mô hình kinh doanh của mình và phản kháng lại những thay đổi khiến họ không hài lòng.

Nơi trú ẩn chính của “trực lợi tô kinh tế” chính là khu vực tài chính, khi mà việc giao dịch những tài sản vốn có đã vượt xa việc tạo ra của cải mới, thu hút vào với nó quá nhiều tài năng nhưng lại gây ra sự bất ổn. Không cần nhiều sự liên tưởng lắm cũng tìm ra được những điểm chung với triều đình của Hoàng đế Shah Jahan.

Sự sụp đổ của bức tường Berlin là một trong những sự kiện kinh tế lớn nhất trong thời đại chúng ta, mở ra thời kỳ kinh tế thị trường ở không chỉ các quốc gia Đông Âu mà cả ở những nước như Ấn Độ và đánh thức những tiềm năng khổng lồ.

Dù vậy nhiều người vẫn hiểu sai bài học của hệ thống kinh tế tập trung. Kinh tế thị trường chỉ thành công với một môi trường hỗ trợ tối đa cho thử nghiệm và sáng tạo. Khi những sáng tạo ấy thành công, chúng phải được nhân rộng, nhưng nếu thất bại, chúng phải bị loại bỏ. Đó là cội nguồn cho sự tiến bộ của ngành công nghệ thông tin.

Thành công của nền kinh tế thị trường không đến từ các chính sách khuyến khích người ta tham lam và không đặt ra hạn chế đối với những kẻ tham lam nhất. Đó là thế giới của Shah Jahan và tăng trưởng kinh tế không xuất hiện ở cái thế giới này.

Shah Jahan đã xây nên công trình đẹp nhất trong lịch sử. Nhưng bóc lột quá mức khiến đế chế Mogul thực tế đã sụp đổ chỉ trong vòng hai thế hệ. Cuộc cướp bóc thủ đô Delhi sau đó để lại một khoảng trống chính trị mà sau này, chớ trêu thay, lại được lấp đầy bởi chế độ thực dân An.

Minh Tuấn

tuannm

Cùng chuyên mục
XEM