“Tại sao chúng ta vẫn tiếp tục giẫm lên vết xe đổ?”

30/10/2012 16:11 PM | Quản trị

Đó là câu hỏi mà bất cứ CEO hay người làm kinh doanh đều phải đau đầu tìm kiếm lời giải.

Khi các doanh nhân không thành công với những kế hoạch đổi mới, họ thường đem mọi ý tưởng kinh doanh ứng dụng vào thị trường những mong một trong số đó sẽ phát huy tác dụng. Tuy nhiên, đó chỉ là một chiến thuật thiên về số lượng thay vì chất lượng mà kết quả thường trái với mong đợi. 

Theo hãng nghiên cứu Nielsen chuyên cung cấp thông tin đo lường các chỉ số thị trường, trong những năm gần đây, doanh số các mặt hàng thực phẩm đóng hộp giảm sút so với thực phẩm tươi sống mà chúng từng thay thế.

Tác động không mấy dễ chịu của những kế hoạch kinh doanh thất bại có thể gây nản lòng, làm căng thẳng các mối quan hệ trong công ty và thường hủy hoại sự nghiệp của không ít người. Trên thực tế, tác giả bài viết, Tom Agan – người đồng sáng lập hãng tư vấn thương hiệu và đổi mới Rivia từng làm việc với nhiều nhóm chuyên trách phát triển sản phẩm, không nhiều người trong số đó đạt được thành công vang dội với những mặt hàng mà họ chịu trách nhiệm quảng bá. 

Lẽ hiển nhiên, họ thiếu kinh nghiệm thực tiễn, óc phán đoán và khả năng thuyết phục để biết đâu là thời điểm vàng để tung ra một ý tưởng mới hay tiếp tục đầu tư vào một sản phẩm hay dịch vụ có sẵn.

Để thay đổi cái vòng luẩn quẩn của quá trình đổi mới bất thành này, các CEO cần bắt đầu học hỏi ngay từ bây giờ bằng cách nhìn nhận một cách nghiêm túc về những sai lầm trong quá khứ. Trên thực tế, các doanh nghiệp thực hiện báo cáo kết quả thường xuyên sở hữu doanh thu gấp đôi từ sản phẩm mới so với những công ty không xem trọng việc làm này. 

Tuy nhiên, chỉ có 20% các doanh nghiệp lựa chọn thủ tục không hề rắc rối đó. Vậy điều gì đã giữ chân họ lại? Báo cáo kết quả đòi hỏi thời gian và tính kỷ luật cao, một thách thức không nhỏ trong môi trường kinh doanh chớp nhoáng và đòi hỏi sự đa năng. Bản báo cáo về một sản phẩm không thành công trên thị trường sẽ hé lộ những sai lầm mà người chịu trách nhiệm về sản phẩm đó mắc phải. 

Nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, báo cáo có thể cho thấy những vấn đề thuộc về hệ thống. Chẳng hạn, quảng cáo sản phẩm do nhóm marketing thực hiện kém thu hút, nhóm tài chính đưa ra những dự báo không chính xác về doanh số hay nhóm phát triển sản phẩm đã không kết hợp những yếu tố cần thiết. Nhờ đó, mọi người sẽ quên đi tính tư lợi để ngồi lại bàn bạc các phương án khác.

Chẳng hạn, công ty nọ mới phát minh ra một phần mềm mới mang những ưu điểm đột phá, tuy nhiên đối thủ cạnh tranh ngay lập tức sáng chế ra một phiên bản tốt hơn. Công ty này phải nỗ lực trong nhiều năm liền để cho ra đời những phiên bản ưu việt hơn song không thể bắt kịp đối thủ ngay cả khi có trong tay những nguồn lực tuyệt vời, nhân lực tài giỏi và rất nhiều tiền. 

Nhiều nhân viên đã nhận ra những vấn đề về tổ chức đang cản trở sự đi lên của công ty như nhóm phát triển sản phẩm không hợp tác chặt chẽ với các nhóm khác hay nhiều quyết định sai lầm liên tiếp từ phía giám đốc, tuy nhiên, chẳng có cơ chế nào để họ bày tỏ ý kiến và có cách giải quyết kịp thời. Kết quả là công ty nọ vẫn tiếp tục cho ra đời những cải tiến mới mà vẫn bị tụt lại phía sau.

Có nhiều ví dụ tương tự trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh và đó cũng là phương thức hoạt động mà nhiều công ty lựa chọn. Tuy nhiên, mọi chuyện chưa phải đã chấm hết, thay đổi cách thức đổi mời là điều hoàn toàn có thể.

Một hãng bán lẻ có chuỗi siêu thị lớn ở châu Âu đã ba lần thất bại trong việc ra mắt những cửa hàng quy mô nhỏ. Vị CEO mới yêu cầu nhóm phụ trách chiến lược và tài chính tìm hiểu lý do vì sao họ chưa thể thành công với ý tưởng mới. Đánh giá của các nhóm cho thấy việc mở các chuỗi siêu thị trước đây đã thu hẹp thị trường. 

Với lợi nhuận bình quân thấp của các sản phẩm bày bán tại siêu thị, lợi nhuận của các cửa hàng quy mô nhỏ sắp mở sẽ không thể bù đắp các chi phí hoạt động khổng lồ. Khi những lý do này sáng tỏ, ý tưởng ban đầu cũng được thảo luận lại và nhiều thay đổi tối quan trọng đã được đưa ra, góp phần vào thành công vang dội sau cùng.

Việc tự suy xét vấn đề và sẵn sàng hành động là chìa khóa của sự đổi mới trong kinh doanh. Các CEO cần tạo ra một diễn đàn để mọi người có thể nói lên thực tế họ nhìn thấy mà không phải lo sợ mất việc. Những nhà lãnh đạo cũng cần cân nhắc lại cách họ đánh giá hiệu suất công việc. 

Thay vì chỉ đơn thuần nhìn vào những buổi ra mắt sản phẩm mới như là một cách để quyết định tiền thưởng và thăng tiến của nhân viên, họ cần đánh giá mỗi cá nhân theo mức độ hiệu quả mà bản thân nhân viên đó cùng tập thể tích lũy kiến thức từ quá khứ và áp dụng chúng vào hiện tại.

Giờ thì đã đến lúc bắt tay vào bản báo cáo công việc.

Phong Linh

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM