Tại sao các sếp thường có trái tim 'sắt đá'?

10/01/2015 10:12 AM | Quản trị

Hình ảnh lạnh lùng dứt khoát từ lâu đã gắn liền với các CEO như một biểu tượng văn hóa. Tuy nhiên liệu ngày nay, những lãnh đạo “sắt đá” này có còn chỗ đứng hay không?

Hình ảnh lạnh lùng dứt khoát từ lâu đã gắn liền với các CEO như một biểu tượng văn hóa. Thậm chí các nhà làm phim còn góp phần lan truyền hình tượng này bằng cách xây dựng những nhân vật CEO khắc nghiệt nhưng đầy quyền lực.   

Trong quá khứ và trên phim ảnh là vậy, nhưng liệu ngày nay, những lãnh đạo “sắt đá” này có còn chỗ đứng hay không?

Travis Bradberry, đồng tác giả cuốn sách “Emotional Intelligence 2.0” đã cùng các đồng nghiệp phân tích trí tuệ cảm xúc của hơn một triệu người, từ nhân viên đến đội ngũ lãnh đạo để tìm ra câu trả lời. 

Họ nhận thấy điểm số tăng dần theo chức vụ, từ nhân viên đến quản lý cấp trung. Quản lý cấp trung có điểm trí tuệ cảm xúc (EQ) cao nhất vì các công ty thường chọn những người điềm tĩnh và khéo cư xử vào vị trí này. Giả định rằng một quản lý có EQ cao là người mà nhiều nhân viên mong muốn làm việc cùng.

Tuy nhiên khi bạn được thăng chức cao hơn nữa, mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Từ cấp giám đốc trở đi, điểm số dường như lao dốc không phanh. CEO là những người có điểm EQ bình quân thấp nhất trong công ty.

Tuy nhiên, đáng chú ý là ở mỗi chức vụ, những người giỏi nhất lại sở hữu số điểm EQ cao nhất. Dù tính trung bình các CEO có điểm EQ rất thấp nhưng những người thành công nhất trong số đó lại sở hữu mức EQ cao nhất. Điều này nghĩa là bạn có thể được thăng chức chỉ với điểm EQ ít ỏi, nhưng bạn sẽ không thể vượt trội hơn các lãnh đạo khác có EQ cao.

Để tuyển những vị trí cao từ quản lý cấp trung trở đi, các công ty phụ thuộc nhiều vào tiêu chuẩn và số liệu. Những con số này khá quan trọng, nhưng thật thiển cận nếu chọn ra một lãnh đạo cấp cao chỉ dựa trên công trạng về mặt tài chính. 

Tệ hơn nữa, các công ty còn tuyển lãnh đạo dựa vào kiến thức và số năm kinh nghiệm chứ không phải kỹ năng truyền cảm hứng cho người khác. Doanh nghiệp đang đẩy chính mình xuống vũng lầy khi chọn những lãnh đạo không đủ toàn diện để làm việc một cách xuất sắc nhất trong dài hạn.

Một khi nhận chức, các lãnh đạo sẽ bước chân vào môi trường mới dần dần bào mòn trí tuệ cảm xúc của họ. Họ dành ít thời gian giao lưu với nhân viên hơn và quên mất rằng tâm trạng của mình sẽ ảnh hưởng tới những người xung quanh như thế nào. Họ ít giao tiếp đến nỗi điểm EQ giảm càng mạnh. Thật sự địa vị cao luôn đồng nghĩa với nỗi cô đơn.

Để trở thành một lãnh đạo với EQ cao, tác giả Travis Bradberry đưa ra một số lời khuyên cho bạn. Trước hết, hãy để ý đến cảm xúc của người khác và cho họ biết bạn quan tâm đến họ. Nhiều khi các lãnh đạo biết rằng nhân viên của mình làm tốt, hoặc đang gặp rắc rối nhưng lại không khen ngợi hay động viên họ.

Quan trọng hơn, bạn cần kiểm soát cảm xúc của bản thân thật tốt để không gây ra những hành động tai hại. Ngủ đủ giấc cũng là một cách hiệu quả để giữ đầu óc minh mẫn và tinh thần sảng khoái. Cuối cùng, hãy ngừng ngay những suy nghĩ tiêu cực đang hủy hoại cảm xúc của bạn. Đa số các suy nghĩ tiêu cực đều không phải là sự thật, hơn nữa chúng còn làm bạn tiêu hao năng lượng và khó suy nghĩ thấu đáo mọi việc.

Dù bạn đang hay sẽ trở thành một lãnh đạo, hãy nhớ rằng không nhất thiết phải tuân theo quy luật này. Trí tuệ cảm xúc của bạn do chính bạn kiểm soát. Khi cải thiện mức EQ, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn và có thể được thăng chức. Tuy nhiên, khi đó đừng để trí tuệ cảm xúc của mình bị bào mòn. 

>> Nỗi khổ của một 'sếp phó'

Thu Thảo

Thu Thảo

Cùng chuyên mục
XEM